9 thói quen đang làm hại sức khỏe của bạn mỗi ngày

Những thói quen xấu về lối sống không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất mà còn tác động không nhỏ đến sức khỏe tinh thần...

1. Tư thế xấu

Tư thế của bạn là cách tự nhiên bạn giữ cơ thể mình. Đó là vị trí cơ thể khi bạn ngồi yên và di chuyển. Hệ thống cơ xương, dây chằng và gân kết hợp với hoạt động của các khớp giúp kiểm soát tư thế mọi lúc và điều chỉnh cơ thể ở hình dạng ổn định, thoải mái.

Khi giữ tư thế đúng sẽ giúp tăng cường sự tự tin, tăng cường sức khỏe cơ xương khớp, hít thở tốt hơn, ít bị đau đầu hơn, cải thiện phạm vi hoạt động, ngăn ngừa chấn thương... Tuy nhiên, khi giữ tư thế xấu trong thời gian dài như không đứng hoặc ngồi thẳng, vai cong hoặc cổ không ngẩng cao... lại có thể gây mệt mỏi, đau cổ, lưng và vai, có nguy cơ chấn thương cao hơn; cứng khớp; tiểu không tự chủ do tăng áp lực lên bụng và bàng quang; ợ nóng, tiêu hóa chậm do tăng áp lực lên bụng.

Tư thế xấu khi cúi đầu xem điện thoại ảnh hưởng đến cột sống cổ.

Tư thế xấu khi cúi đầu xem điện thoại ảnh hưởng đến cột sống cổ.

Mỗi người đều có một tư thế tự nhiên riêng, nhưng việc giữ tư thế đúng rất quan trọng đối với sức khỏe tổng thể. Để làm được điều này, mỗi người nên tập thể dục thường xuyên giúp cơ bắp khỏe, dễ dàng duy trì tư thế tốt hơn.

2. Bỏ bữa sáng là thói quen xấu gây nhiều hệ lụy sức khỏe

Cảm giác không đói hay theo đuổi mục tiêu giảm cân có thể khiến nhiều người bỏ qua bữa sáng. Tuy nhiên, đây lại là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày và đóng vai trò thiết yếu trong việc cung cấp năng lượng cho cơ thể và thúc đẩy quá trình trao đổi chất.

Không chỉ vậy, một bữa sáng đủ chất còn giúp tăng cường khả năng tập trung và ổn định tâm trạng. Việc bỏ bữa sáng sẽ khiến cơ thể thiếu các chất dinh dưỡng thiết yếu, dẫn đến mệt mỏi, cáu kỉnh và suy giảm chức năng nhận thức. Một số hậu quả lâu dài bao gồm tăng cân, thiếu hụt chất dinh dưỡng và tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính. Do đó, cần ưu tiên bữa sáng cân bằng để có sức khỏe và tinh thần tốt.

Bữa sáng đóng vai trò thiết yếu trong việc cung cấp năng lượng cho cơ thể và thúc đẩy quá trình trao đổi chất.

Bữa sáng đóng vai trò thiết yếu trong việc cung cấp năng lượng cho cơ thể và thúc đẩy quá trình trao đổi chất.

3. Dành quá nhiều thời gian ngồi trước màn hình

Thời gian ngồi trước màn hình quá nhiều như xem tivi, làm việc với máy tính, xem điện thoại, máy tính bảng... có liên quan đến nhiều các vấn đề sức khỏe như:

Rối loạn giấc ngủ, tác động xấu đến thị lực và làn da.
Tăng nguy cơ béo phì và các bệnh tim mạch, đái tháo đường, tăng huyết áp, tăng cholesterol...
Đau dai dẳng hoặc mạn tính ở cổ, lưng và vai do tư thế xấu.
Tăng nguy cơ lo lắng và trầm cảm.
Thay đổi tâm trạng...

4. Tiêu thụ quá nhiều caffeine

Caffeine có thể là một phần trong chế độ ăn uống lành mạnh của hầu hết mọi người, nhưng quá nhiều caffeine có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe như gây căng thẳng, lo lắng, mất ngủ, các vấn đề về tiêu hóa, tăng huyết áp, mệt mỏi....

Tiêu thụ quá nhiều caffeine có thể gây ra nhiều triệu chứng khác nhau bao gồm nhịp tim tăng nhanh, mất ngủ, cảm giác bồn chồn, đau bụng, buồn nôn, đau đầu, mất nước...

Thói quen ăn đêm không tốt cho giấc ngủ và sức khỏe nói chung.

Thói quen ăn đêm không tốt cho giấc ngủ và sức khỏe nói chung.

5. Thói quen ngủ kém

Ngủ và thức dậy không đúng giờ có thể gây hại cho cơ thể vì sẽ làm rối loạn chu kỳ giấc ngủ REM, nhịp sinh học, hormone và dẫn đến các vấn đề liên quan đến giấc ngủ như mất ngủ, khó đi vào giấc ngủ, ngủ không sâu giấc...

6. Ăn đêm

Ăn đêm với những thực phẩm không lành mạnh có thể dẫn đến tăng cân, béo phì, đái tháo đường và hội chứng chuyển hóa (một nhóm tình trạng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đái tháo đường và đột quỵ) nếu hành động này trở thành thói quen.

Tuy nhiên, đôi khi ăn đêm là điều không thể tránh khỏi như trong ca trực đêm, lịch trình bận rộn hoặc các yếu tố khác trong cuộc sống. Nếu ở trong tình huống này, bạn nên lựa chọn khẩu phần ăn đêm nhỏ, dưới 250 calo, để giúp ngủ ngon hơn và tránh trào ngược dạ dày. Bên cạnh đó, bạn nên chọn thực phẩm giàu chất xơ, ít calo, chất béo và đường đơn như trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt...

Lối sống ít vận động, không tập thể dục làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính nguy hiểm.

Lối sống ít vận động, không tập thể dục làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính nguy hiểm.

7. Không tập thể dục

Tập thể dục rất quan trọng để duy trì hệ thống miễn dịch khỏe mạnh, tăng cường cơ - xương, đồng thời tránh bệnh tật và tăng tuổi thọ. Do đó, nếu không có thói quen tập thể dục, cơ thể sẽ phải đối diện với nhiều nguy cơ nguy hiểm như bệnh tim, bao gồm bệnh động mạch vành, đau tim, đái tháo đường type 2, mắc một số loại ung thư (bao gồm ung thư ruột kết, vú và tử cung)...

Do đó, mỗi người nên duy trì tập thể dục 30 phút/ngày, 5 ngày/tuần với cường độ vừa phải, 75 phút/tuần với cường độ cao hoặc tập luyện kết hợp.

8. Uống không đủ nước

Nước đóng vai trò chính trong nhiều chức năng, bao gồm đưa chất dinh dưỡng đến tế bào, loại bỏ chất thải, bảo vệ khớp và các cơ quan, duy trì nhiệt độ cơ thể... Nếu không uống đủ nước, cơ thể sẽ cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức và thiếu năng lượng.

9. Liên tục để căng thẳng xảy ra

Các triệu chứng căng thẳng có thể ảnh hưởng đến cơ thể, suy nghĩ và cảm xúc cũng như hành vi của mỗi người. Căng thẳng có thể do nhiều nguyên nhân gây ra nhưng nếu không được giải quyết, tình trạng này dễ dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe, chẳng hạn như tăng huyết áp, bệnh tim, đột quỵ, béo phì và đái tháo đường...

Lê Mỹ Giang

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/9-thoi-quen-dang-lam-hai-suc-khoe-cua-ban-moi-ngay-169250331132635637.htm