9 vụ tai nạn máy bay nghiêm trọng của hàng không Indonesia trong vòng 30 năm qua
Thống kê cho thấy Indonesia là đất nước có nhiều người thiệt mạng vì tai nạn máy bay nhất châu Á. Trong vòng 30 năm qua, đất nước này đã xảy ra 7 vụ tai nạn máy bay cực kỳ nghiêm trọng, hàng nghìn người thiệt mạng.
Theo Mạng lưới An toàn Hàng không, Indonesia ghi nhận 104 vụ tai nạn máy bay và 2.353 trường hợp tử vong liên quan kể từ năm 1945, nhiều nhất tại châu Á. Bên cạnh các lỗi kỹ thuật như mất liên lạc, lỗi giám sát và bảo trì máy bay không đầy đủ... thì Indonesia là một đất nước có số lượng chuyến bay lớn.
Theo Trung tâm Hàng không CAPA, lưu lượng hành khách quốc tế tại nước này tăng 300% từ năm 2005 đến năm 2017. Thị trường khách nội địa của đất nước vạn đảo này cũng lớn 15 thế giới, trong năm 2019 với 91,3 triệu hành khách, theo Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế.
Mới đây nhất, chiếc Boeing 737-500 của hãng Sriwijaya Air thực hiện chuyến bay số hiệu SJ 182 từ Jakarta tới Pontianak (thủ phủ của tỉnh Tây Kalimantan) lao xuống biển Java lúc 2h40 chiều hôm 9/1 (theo giờ địa phương). Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân vụ tai nạn. Máy bay chở 62 người, bao gồm 50 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn. Được biết hãng hàng không này được thành lập từ năm 2003 và chưa từng để xảy ra thương vong nào đối với hành khách.
Một hộp đen của máy bay được trục vớt ngày 12/1 (Ảnh: jakartaglobe)
Trong 30 năm qua, hàng không Indonesia đã ghi nhận thêm 8 vụ tai nạn máy bay nghiêm trọng khác khiến hàng nghìn người thiệt mạng. Hồi năm 2018, một chiếc Boeing khác là 737 MAX của hãng Lion Air cũng lao xuống biển Java ngay sau khi cất cánh từ sân bay quốc tế Soekarno-Hatta (Jakarta). Vụ việc khiến 189 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.
Không chỉ máy bay dân sự mà máy bay quân sự của Indonesia cũng từng xảy ra tai nạn. Tháng 6/2015, một máy bay quân sự đâm vào khu vực dân cư ở Medan, khiến 140 người tử vong, trong số này có 122 người trên máy bay và ít nhất 20 người dưới mặt đất.
Một năm trước đó, một chiếc Airbus A320 của AirAsia, bay từ Surabaya đến Singapore, đâm xuống biển Java, khiến 162 người trên máy bay tử vong.
Đầu năm 2007, một chiếc Boeing 737-400 của Adam Air lao xuống biểu ngoài khơi đảo Sulawesi, làm 102 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.
Năm 2005, 150 người, bao gồm hành khách, phi hành đoàn và những người trên mặt đất thiệt mạng sau khi một máy bay của Mandala Airlines lao xuống khu dân cư ở Medan hồi năm 2005. Khu vực này trước đó từng hứng chịu vụ rơi máy bay quân sự hồi năm 2015.
Chiếc Boeing 737-500 gặp nạn hôm 9/1 số đăng ký PK-CLC vẫn được Sriwijaya Air khai thác dù đã 29,1 năm tuổi. Ảnh: Fikri Izzudin Noor.
Trở về trước những năm 90 của thế kỷ 20, một chiếc Airbus A300 của Garuda Indonesia rơi xuống Medan, khiến 234 người trên máy bay thiệt mạng vào năm 1997.
Đây là một năm đáng quên với ngành hàng không đất nước này. Cùng năm đó, một máy bay của Silk Air (bay từ Jakarta đến Singapore) đâm xuống một con sông gần thành phố Palembang (Indonesia), làm 104 người chết.
Năm 1991, một máy bay của lực lượng Không quân Indonesia rơi ngay sau khi cất cánh ở Đông Jakarta, phát nổ và lao thẳng vào một tòa nhà. Vụ việc khiến 135 người thiệt mạng, bao gồm 121 phi công, 12 phi hành đoàn và hai người trên mặt đất.
Hàng không Indonesia thiệt hại nặng nề trên trường quốc tế trong suốt 9 năm. Từ năm 2007 đến 2018, tất cả hãng hàng không nước này đều bị cấm bay vào Liên minh châu Âu (EU). Lệnh cấm tương tự cũng được Mỹ áp dụng trong giai đoạn năm 2007-2016. Nguyên nhân là ngành hàng không Indonesia thiếu chuyên môn kỹ thuật và tiêu chuẩn an toàn yếu kém.