90% dân số Việt Nam gặp các bệnh lý về răng miệng
Sức khỏe răng miệng không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến gương mặt mà còn liên quan đến sức khỏe toàn thân, ảnh hưởng đến nhiều sinh hoạt quan trọng của con người. Do đó, việc chăm sóc răng và nướu để ngăn ngừa các vấn đề về sức khỏe răng miệng rất quan trọng.
Hơn 90% người Việt gặp các bệnh lý về răng miệng
Tại Hội nghị khoa học và triển lãm nha khoa (VNU DEC 2023) với chủ đề “Kết nối nha khoa” lần đầu tiên do Trường ĐH Y dược tổ chức mới đây, GS.TS Trịnh Đình Hải, Trưởng Khoa Răng hàm mặt (Trường ĐH Y dược, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết các bệnh lý về răng miệng thường thấy như sâu răng là nguyên nhân chủ yếu gây mất răng sớm, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Hơn nữa các ổ nhiễm trùng tiềm tàng trong khoang miệng còn là nguyên nhân của các bệnh toàn thân như viêm cầu thận, viêm khớp, viêm nội tâm mạc.
Trong cộng đồng, viêm lợi, viêm quanh răng cũng là bệnh răng miệng khá phổ biến. Đầu tiên là viêm ở lợi, nếu không điều trị sẽ gây tiêu xương ở răng tạo thành các túi ở quanh răng. Một người có 32 răng và kèm theo 32 túi viêm nhiễm chứa mủ là các ổ nhiễm trùng rất nguy hiểm gây mất răng và lợi, nguồn gốc các bệnh nội khoa: viêm cầu thận, viêm khớp, viêm nội tâm mạc.
Do đó, theo GS Hải, việc điều trị dự phòng bệnh răng miệng rất quan trọng. Trước tiên cần dự phòng sâu răng, thứ hai là các dự phòng viêm lợi, viêm quanh răng. Cùng đó theo các điều tra, trên 80% thanh, thiếu niên lệch lạc răng. Nếu muốn răng đẹp phải nắn chỉnh răng. “Như vậy cũng phải quan tâm đến việc dự phòng lệch lạc răng để cho các em có hàm răng đẹp hơn” - GS.TS Trịnh Đình Hải lưu ý.
Trước những con số giật mình về tình trạng răng miệng ở Việt Nam, việc cập nhật các kiến thức, kỹ năng và các phương tiện tiên tiến hiện đại phục vụ chăm sóc, điều trị và dự phòng các bệnh răng miệng là vô cùng quan trọng và rất cấp thiết đối với các cơ sở đào tạo, các cơ sở khám, chữa bệnh và cộng đồng nha khoa.
Theo đánh giá, chuyên ngành răng Việt Nam thường xuyên cập nhật và áp dụng các kỹ thuật mới tiên tiến trong nhiều lĩnh vực chuyên sâu cũng như ứng dụng công nghệ số trong quản lý sức khỏe răng miệng cho người dân, ứng dụng nha khoa kỹ thuật số trong dự phòng và điều trị các bệnh răng miệng… góp phần tăng cường sức khỏe răng miệng cho người dân.
Thói quen không đúng cách
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến các bệnh về răng miệng của người Việt Nam, trong đó phổ biến nhất là 3 thói quen không đúng cách sau: Nhiều người chỉ thực hiện chải răng một lần một ngày vào buổi sáng hoặc qua loa không đủ thời gian 2 phút theo yêu cầu của nha sĩ, chải răng theo chiều ngang thay vì chải theo chiều dọc hoặc xoay tròn. Mòn men răng, ngà răng, viêm lợi, tụt lợi, thậm chí mất răng là hậu quả nếu chải răng không đúng cách một thời gian dài.
Đa số người Việt Nam thường có suy nghĩ chỉ cần đánh răng là đủ. Trên thực tế, đánh răng giúp chúng ta xử lý vụn thức ăn, mảng bám và vi khuẩn gây hại, tuy nhiên, việc này chỉ có thể làm sạch được 25% khoang miệng, chúng ta còn cần chăm sóc răng miệng bằng những phương pháp đã được khoa học chứng minh như sử dụng nước súc miệng. Không dùng nước súc miệng làm hạn chế hiệu quả chăm sóc răng miệng, cụ thể khoang miệng chưa sạch hoàn toàn, vẫn còn tồn tại nhiều vi khuẩn và mảng bám ở những nơi như kẽ răng, lưỡi và vòm miệng.
Cuối cùng và rất nhiều người dân Việt Nam mắc phải là sử dụng tăm xỉa răng thay cho chỉ nha khoa. Thói quen đó được đa số cộng đồng chấp nhận, thực hiện thâm niên, nên đã có không ít người quy nó vào phong tục, văn hóa dù cho các nha sĩ luôn khuyến cáo không nên dùng tăm xỉa răng.
Việc dùng tăm hay các vật nhọn xỉa răng lâu ngày làm cho các kẽ răng bị hở, làm trầy nướu răng và gây tụt nướu ở các kẽ răng. Ngoài ra, dùng tăm xỉa răng cũng không bảo đảm an toàn về vệ sinh. Khái niệm về chỉ nha khoa không còn xa lạ với người Việt Nam nhưng do không có thói quen dùng chỉ nha khoa và chi phí cho sản phẩm này khá cao nên đa số người dân ngại sử dụng.
Ngoài ra, do người Việt Nam không có thói quen khám răng định kỳ 6 tháng một lần nên khi tìm đến nha sĩ, tình trạng sức khỏe răng miệng thường đã nghiêm trọng, khó chữa hoặc để lại nhiều hậu quả đáng tiếc.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân chủ yếu của tỷ lệ bệnh lý răng hàm miệng cao đến từ thói quen ăn uống và chăm sóc răng của người dân và phần lớn bệnh về răng miệng nếu phát hiện sớm có thể khắc phục bằng cách thay đổi phương pháp chăm sóc răng. Công thức chăm sóc sức khỏe răng miệng 2-2-2 được các chuyên gia răng - hàm - mặt khuyến cáo, đó là: Đánh răng ít nhất 2 lần mỗi ngày; Mỗi lần chải răng ít nhất 2 phút; Khám răng miệng định kỳ 2 lần/năm.