90 năm hành trình từ ký ức
'90 năm hành trình từ ký ức', câu chuyện kể về một di sản, là một trong những biểu tượng của Sài Gòn - TPHCM, từ Bảo tàng Museé Blanchard de la Brosse đến Viện Bảo tàng Quốc gia Việt Nam tại Sài Gòn và Bảo tàng Lịch sử TPHCM.
“Từ 5.000 hiện vật ban đầu, hiện nay bảo tàng đang lưu trữ 43.000 hiện vật, trong đó có 12 bảo vật quốc gia, mỗi năm đón tiếp trên 350.000 lượt khách tham quan trong nước và quốc tế. Chúng tôi luôn cố gắng làm tròn sứ mệnh lịch sử đã được giao phó. Đó cũng là tiếng nói hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc”, Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TPHCM, chia sẻ.
Kho tàng hàng ngàn hiện vật quý hiếm
Năm 1883, Hội Nghiên cứu Đông Dương (SEI) thành lập, buổi đầu hội đã tự xuất tiền để mua nhiều cổ vật và dự kiến thành lập một bảo tàng. Dưới sự vận động tích cực của hội, ngày 28-11-1927, Thống đốc Nam kỳ Blanchard de la Brosse ký quyết định thành lập Bảo tàng Nam kỳ, sau đó đổi tên thành Bảo tàng Blanchard de la Brosse và cử ông Jean Bouchot làm Giám thủ đầu tiên. Bảo tàng được xây dựng theo phong cách kiến trúc Đông Dương do kiến trúc sư Delaval thiết kế. Ngày 1-1-1929, Bảo tàng Blanchard de la Brosse - bảo tàng đầu tiên ở Nam kỳ khai trương, trưng bày hiện vật giới thiệu về mỹ thuật của một số nước châu Á, trong đó còn có thư viện của Hội Nghiên cứu Đông Dương với trên 5.000 tác phẩm chuyên khảo quý hiếm về Đông Dương và vùng Viễn Đông.
Lúc đầu, bảo tàng trưng bày bộ sưu tập đầu tiên của dược sĩ Victor T. Holbé (1857-1927), nhà nghiên cứu và sưu tầm cổ vật nổi tiếng được người đương thời kính trọng. Bộ sưu tập của ông gồm 2.160 hiện vật các nền văn hóa của Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Lào, Campuchia… bằng nhiều chất liệu. Những năm tiếp theo, bảo tàng nhận được nhiều tặng phẩm của hội viên và cá nhân đóng góp.
Đặc biệt, thời ông Louis Malleret làm quản thủ, bảo tàng đã bổ sung thêm hiện vật khảo cổ thuộc văn hóa Óc Eo, gắn liền với tên tuổi nhà khảo cổ học nổi tiếng người Pháp này. Cuộc khai quật ở Óc Eo (An Giang) của ông năm 1944 đã phát hiện ra nền văn minh rực rỡ của một vương quốc đã mất - Vương quốc Phù Nam (thế kỷ 1-7), tìm thấy hàng ngàn hiện vật nguồn gốc địa phương, Ấn Độ, Trung Quốc và một số nước phương Tây. Tiếp đó là bộ sưu tập của Paul Aimé Gannay, trước lúc qua đời, ông này hiến tặng 727 hiện vật cho bảo tàng. Đây là bộ sưu tập hiện vật số lượng lớn và giá trị, lần đầu tiên bảo tàng được một cá nhân hiến tặng.
Năm 1954, bộ sưu tập Gannay được tiếp nhận với nhiều chất liệu, có xuất xứ từ Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Campuchia và niên đại trải dài đến đầu thế kỷ 20… Tất cả đã tạo nên một nền tảng vững chắc để bảo tàng có thể thực thi sứ mệnh được chính quyền giao phó trong việc bảo tồn các cổ tích của Việt Nam. Năm 1954, ông Vương Hồng Sển - người Việt Nam đầu tiên được cử làm quyền quản thủ. Từ đó đến năm 1975, có thêm 2 đời quản thủ là Nguyễn Gia Đức, Nghiêm Thẩm. Giai đoạn này, Viện Harvard-Yenching và Bảo tàng Peabody (Mỹ) tặng 150 cổ vật Việt Nam thuộc văn hóa Đông Sơn, văn hóa Sa Huỳnh, hiện vật tìm thấy trong mộ Hán, tỉnh Thanh Hóa (1962).
Tiếp bước hành trình 2 thế kỷ
Đến nay, qua nhiều đợt cải tạo, mở rộng, nâng cấp, bảo tàng đổi mới toàn diện với kho cơ sở khá hoàn chỉnh, hình thành một hệ thống trưng bày hoàn toàn mới với 17 phòng trưng bày, giới thiệu tiến trình lịch sử Việt Nam, các chuyên đề đặc trưng văn hóa phương Nam và của một số nước châu Á. Trong số các hiện vật, không thể không nhắc đến những bộ sưu tập rất giá trị mà bảo tàng vinh dự được tiếp nhận từ cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước.
Có thể kể đến những bộ sưu tập như: Sưu tập bình vôi của Francois Grailly (người Pháp, 1986), Sưu tập Vương Hồng Sển (1996), Sưu tập gốm Gò Sành của Alison Diệm (người New Zealand, 2004), Sưu tập Dương - Hà (2011) và nhiều hiện vật của Hội Cổ vật TPHCM, Chi hội Gốm Nam bộ… Không chỉ phục vụ trong nước, Bảo tàng Lịch sử còn có nhiều cuộc trưng bày ở các nước như Áo, Bỉ, Pháp, Nhật Bản, Singapore, Mỹ và Hàn Quốc, thu hút nhiều nhà nghiên cứu quốc tế đến tìm hiểu, trao đổi kinh nghiệm.
Trong chuyên đề “90 năm hành trình từ ký ức”, ngoài các hiện vật quý từ các bộ sưu tập, bảo tàng còn giới thiệu đến người xem 50 tư liệu, hình ảnh gắn với lịch sử phát triển bảo tàng. Gần 250 tư liệu, hiện vật được giới thiệu đến công chúng là một phần rất nhỏ trong gia tài quý giá mà bảo tàng đang lưu giữ. Đâu đó là những lát cắt lịch sử đầy biến động của vùng đất Sài Gòn - Gia Định, những thăng trầm trong lịch sử dân tộc.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/90-nam-hanh-trinh-tu-ky-uc-612752.html