90 năm phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc

Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã trải qua 90 năm hình thành và phát triển. Với mỗi giai đoạn cách mạng, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có những hình thức tổ chức, tên gọi khác nhau và luôn làm tròn sứ mệnh vẻ vang của mình, đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Đảng, của dân tộc.

90 năm phát huy sức mạnh đại đòa

 Thi giã gạo tại Ngày hội Đại đoàn kết xã Hàm Cần (Hàm Thuận Nam). Ảnh: Đình Hòa

Thi giã gạo tại Ngày hội Đại đoàn kết xã Hàm Cần (Hàm Thuận Nam). Ảnh: Đình Hòa

Tập hợp để phát huy sức mạnh

Cách đây 90 năm - ngày 18/11/1930, ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời chưa tròn một năm, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã thông qua một văn kiện lịch sử quan trọng, đó là “Chỉ thị về việc thành lập Hội Phản đế Đồng minh”. Đây là hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, đánh dấu sự trưởng thành về nhận thức và chỉ đạo thực tiễn cách mạng của Đảng ta. Chỉ thị xác định Hội Phản đế Đồng minh phải bảo đảm tính công nông; đồng thời phải mở rộng tới các thành phần trong dân tộc để Mặt trận thực sự là của toàn dân và nhấn mạnh: “Giai cấp vô sản lãnh đạo cuộc cách mạng tư sản dân quyền ở Đông Dương mà không tổ chức được toàn dân lại thành một lực lượng thật rộng, thật kín thì cuộc cách mạng cũng khó thành công”.

Từ khi thành lập, Hội Phản đế Đồng minh đã có nhiều đóng góp quan trọng cho cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tháng 3/1935, đại hội lần thứ nhất của Đảng thông qua nghị quyết về công tác phản đế liên minh. Nghị quyết xác định các nhiệm vụ cần thiết trước mắt: Lập tức tổ chức ra các Hội Phản đế Liên minh, đảng viên phải vào hội, mở rộng tổ chức hội tới cấp toàn Đông Dương...

Những năm 1936 – 1939, tình hình thế giới diễn biến phức tạp. Chủ nghĩa phát xít xuất hiện, nguy cơ chiến tranh thế giới đang đến gần. Sau khi dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ 7 trở về, Đoàn đại biểu Đảng ta cùng với Ban Chấp hành Trung ương họp Hội nghị xác định mục tiêu chủ yếu và nhiệm vụ trước mắt của cách mạng Việt Nam lúc này là đấu tranh chống chế độ phản động thuộc địa, chống chủ nghĩa phát xít, chống chiến tranh, đòi tự do, dân chủ, cơm áo và hòa bình. Tháng 3/1938, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định đổi tên thành Mặt trận thống nhất Dân chủ Đông Dương, gọi tắt là Mặt trận Dân chủ Đông Dương.

Ngày 1/9/1939, chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ. Tháng 11/1940, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng chủ trương thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Phản đế, nhằm tập hợp hết thảy những lực lượng phản đế, phản phong kiến ở Đông Dương đánh đổ thực dân Pháp - phát xít Nhật và bè lũ tay sai phản lại quyền lợi dân tộc. Nhận thấy sự chuyển biến của tình hình thế giới và trong nước có lợi cho cách mạng Việt Nam, sau khi về nước, tháng 5/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc triệu tập Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8. Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh, gọi tắt là Mặt trận Việt Minh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, quy tụ dưới ngọn cờ của Việt Minh, nhân dân ta đã làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám “long trời, lở đất” năm 1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Đoàn kết giành độc lập

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, để bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, nhiệm vụ củng cố và phát triển Việt Minh được đề ra cụ thể. Nhờ những hoạt động có hiệu quả của Việt Minh, khối đại đoàn kết toàn dân thực sự trở thành hậu thuẫn vững chắc chống thù trong giặc ngoài, đưa con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua thác ghềnh nguy hiểm, bảo vệ được chính quyền, chủ động chuẩn bị cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Theo đó, Bác Hồ và Trung ương Đảng chủ trương vận động thành lập Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam. Cương lĩnh của Hội chỉ rõ “mục đích đoàn kết tất cả các đảng phái yêu nước và đồng bào yêu nước vô đảng phái, không phân biệt giai cấp, tôn giáo, xu hướng chính trị, chủng tộc để làm cho nước Việt Nam độc lập - thống nhất - dân chủ - phú cường”. Việc thành lập Hội Liên Việt là bước phát triển mới của Mặt trận Dân tộc thống nhất.

Thực hiện Lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt đã ra sức tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia kháng chiến. Ngày 3/3/1951, Đại hội toàn quốc Mặt trận thống nhất Việt Minh - Liên Việt lấy tên là Mặt trận Liên hiệp Quốc dân Việt Nam được tiến hành. Quá trình kháng chiến toàn dân, toàn diện làm cho Mặt trận Dân tộc thống nhất không ngừng lớn mạnh, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tạo nên sức mạnh vật chất và tinh thần, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đến thắng lợi.

Ngày 10/9/1955, Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất họp tại Hà Nội đã quyết định thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và thông qua Cương lĩnh nhằm đoàn kết mọi lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình trong cả nước để đấu tranh chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ra sức vận động các tầng lớp nhân dân thi đua yêu nước, tham gia khôi phục kinh tế và phát triển văn hóa, hàn gắn vết thương chiến tranh, cải tạo và xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa thực sự là cơ sở vững chắc cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Tại miền Nam, ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời với bản Tuyên ngôn và Chương trình hành động 10 điểm, nội dung cơ bản là đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân với mục tiêu đấu tranh “Phải hòa bình! Phải độc lập! Phải dân chủ! Phải cơm no, áo ấm! Phải hòa bình, thống nhất Tổ quốc!” nhằm đánh đổ chế độ độc tài tay sai của đế quốc Mỹ. Trong quá trình hoạt động, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã kịp thời đề ra nhiều chủ trương, chính sách nhằm không ngừng mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân. Ngày 6/6/1969, Đại hội đại biểu quốc dân miền Nam Việt Nam đã bầu ra Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Hội đồng Cố vấn. Từ khi ra đời, Mặt trận đã làm một phần chức năng của chính quyền dân chủ nhân dân. Sau khi có Chính phủ Cách mạng lâm thời, Mặt trận giữ vai trò trụ cột và làm hậu thuẫn cho chính quyền cách mạng, không ngừng đẩy mạnh hoạt động trên cả 3 mặt quân sự, chính trị và ngoại giao, tiến tới cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Phát huy sức mạnh trong thời đại mới

Bước vào thời kỳ cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (được thống nhất vào tháng 2/1977 từ 3 tổ chức Mặt trận của cả 2 miền Nam - Bắc trước đây) đã kế tục và phát huy vai trò lịch sử vẻ vang của Mặt trận Dân tộc thống nhất. Đồng thời vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đại đoàn kết toàn dân tộc, ra sức vận động nhân dân hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế, đưa nước Việt Nam ra khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu được bạn bè và các tổ chức quốc tế đánh giá cao, trở thành thành viên tích cực của Liên Hiệp Quốc, cộng đồng ASEAN và nhiều tổ chức quốc tế khác trên thế giới.

Cùng với nhân dân cả nước, Bình Thuận cũng đã trải qua những chặng đường lịch sử vẻ vang. Từ năm 1930, Hội phản đế Đồng minh đã ra đời ở Tam Tân (La Gi) đứng đầu là đồng chí Ngô Đức Tốn; tháng 8/1936 nhóm đảng viên cộng sản ở Bình Thuận đã vận dụng chủ trương thành lập của Mặt trận Nhân dân Phản đế để tập hợp quần chúng đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ; tháng 6/1945 thành lập Ban vận động Việt Minh Bình Thuận, do đồng chí Nguyễn Sắc Kim phụ trách; tháng 8/1945 thành lập Mặt trận Việt Minh do đồng chí Nguyễn Tương làm chủ nhiệm, đã lãnh đạo quần chúng nổi dậy biểu tình tuần hành, tham gia giành chính quyền, góp phần cùng cả nước làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hệ thống Mặt trận tỉnh ta tiếp tục được xây dựng, củng cố và phát triển. Trải qua những chặng đường đấu tranh cách mạng gay go quyết liệt, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh ta đã góp phần cùng cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Đại đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta, được hun đúc trong quá trình dựng nước và giữ nước. Sự hình thành, phát triển, cùng với những đóng góp to lớn của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, trong suốt 90 năm qua đã góp phần tô thắm thêm truyền thống đoàn kết của dân tộc Việt Nam, khẳng định quan điểm, đường lối sáng suốt, đúng đắn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Bạch Huyền

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/chinh-tri/90-nam-phat-huy-suc-manh-dai-doan-ket-dan-toc-132867.html