90 năm Xô viết Nghệ - Tĩnh: Đọng mãi thời khắc hào hùng
Từng chứng kiến giai đoạn chuyển mình lịch sử của đất nước, cụ Bùi Xanh (102 tuổi) - cán bộ tiền khởi nghĩa, như sống lại thời khắc năm 1930 khi mỗi lần nhắc đến. Dù đã ngoài tuổi bách niên, cụ Xanh không còn nhanh nhẹn, nhưng có thể cảm nhận được ngọn lửa cách mạng, tình yêu quê hương vẫn rực cháy trong trái tim của một người chiến sĩ tròn 72 năm tuổi Đảng.
Hồi ức khó quên
Tháng 9, Hà Tĩnh ngập sắc đỏ trong ngày lễ lớn của dân tộc - Kỷ niệm 90 năm ngày Xô viết Nghệ Tĩnh (12/9/1930-12/9/1931). Từ Ngã ba Nghèn như vọng về tiếng mõ, tù và, tiếng trống giục lẫn tiếng hô vang trời của hàng nghìn nông dân xuống đường biểu tình, chiếm huyện lỵ Trảo Nha vào những năm 30 thế kỷ trước. Lớp trẻ nơi đây từ nhỏ đã được truyền tai về câu chuyện làm nên lịch sử ở các thời kỳ hào hùng.
Trải qua bao nhiêu thăng trầm lịch sử, thế hệ từng có mặt trong phong trào Xô viết năm 1930 hay tham gia Cách mạng tháng 8 ở Can Lộc chỉ đếm trên đầu ngón tay. Và may mắn thay, tôi được gặp cụ Bùi Xanh (102 tuổi, trú tổ dân phố 2, thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc) - cán bộ tiền khởi nghĩa qua lời giới thiệu của lãnh đạo huyện.
Theo chỉ dẫn, tôi tìm đến nhà cụ Xanh, ngôi nhà khép mình nơi cuối ngõ ở thị trấn Nghèn. Mùa Thu này cụ đã bước sang tuổi 102, dẫu đôi mắt đã mờ, tai không còn tinh anh, nhưng khi nhắc đến phong trào Xô viết trên quê hương, cụ bỗng minh mẫn lạ thường. Được sinh ra ở thời kỳ Đất nước đang trong giai đoạn chuyển mình lịch sử, cụ là người may mắn khi được chứng kiến những đổi thay của quê hương từ trong bom đạn, nghèo khó có máu lẫn nước mắt đến phát triển như hôm nay.
“90 năm qua, hình ảnh lá cờ đỏ búa liềm vàng cùng tiếng trống, tiếng mõ, tiếng hô vang vẫn còn in đậm trong tâm trí. Mỗi năm đến mùa thu, không khí ngày ấy một lần nữa vọng về”, giọng cụ Xanh run run mở đầu câu chuyện. Ngôi làng Trảo Nha (nay là thị trấn Nghèn), nơi cậu bé Xanh sinh ra là một ngôi làng yêu nước, nên từ nhỏ cậu đã sớm giác ngộ tinh thần Cách mạng.
Ngôi làng từng trải qua bao nhiêu thăng trầm, thay đổi lịch sử và đặc biệt trở thành “địa chỉ đỏ” nơi diễn ra những cuộc biểu tình lớn trong phong trào Xô viết. Nhà cụ Xanh ở trước đây cách Ngã ba Nghèn khoảng chừng vài trăm mét. Năm 1930, khi phong trào Xô viết diễn ra sôi nổi nhất, cậu bé Xanh cũng như bao đứa trẻ khác trong xóm theo cha, theo mẹ xuống đường tham gia biểu tình. Dù còn nhỏ, nhưng hình ảnh hàng ngàn người dân đổ ra đường, người cầm cuốc cầm liềm, người cầm gậy, giương cao lá cờ đỏ búa liềm hô vang khẩu hiệu “Đánh đổ chủ nghĩa đế quốc và Nam triều phong kiến”; “Giảm sưu thuế”; “Chia lại ruộng đất công cho nông dân” in đậm trong trí nhớ.
Vang mãi tiếng trống Xô viết
Lịch sử Đảng bộ huyện Can Lộc ghi lại, trong phong trào đấu tranh năm 1930-1931, nhân dân huyện này đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình để phản đối chính quyền thực dân. Trong đó, đỉnh điểm nhất là cuộc biểu tình ngày 22/12/1930, khi địch dã man xả súng nhằm vào đoàn 5.000 người khiến 42 chiến sĩ hi sinh cùng hàng trăm người bị thương. Sự căm phẫn lên tới đỉnh điểm, lửa đấu tranh rừng rực. Trước uy lực của cách mạng, cuối năm 1930 nhân dân đã đồng loạt vùng lên buộc Tri huyện phải ký nhận vào bản yêu sách của dân chúng đặt ra. Đó là giảm, bãi bỏ thuế, chia lại ruộng đất công cho người nghèo. Từ những tiếng hô vang long trời, lở đất hòa trong tiếng trống rộn ràng trong đoàn người tiến vào huyện đường, như thôi thúc, đắp thêm ngọn lửa yêu nước, tinh thần cách mạng. Để rồi lớn lên, cậu bé Xanh ngày nào đã chững chạc bước tiếp, đi theo con đường lý tưởng cách mạng.
Năm 20 tuổi, chàng thanh niên Xanh bắt đầu vào hoạt động cách mạng theo các bậc cha, chú. Đến năm 26 tuổi, chính thức tham gia Mặt trận Việt Minh, được giao nhiệm vụ đội trưởng đội tự vệ du kích Trảo Nha. Cụ Xanh còn nhớ, thời điểm này chế độ thực dân đe nẹt, nhân dân bị áp bức bóc lột, thực hiện sưu cao, thuế nặng. Từ đó, phong trào đấu tranh quần chúng ở Can Lộc không ngừng dâng cao, chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa Tháng Tám lịch sử.
Những năm đầu cuộc khởi nghĩa, cụ Xanh được giao nhiệm vụ tập hợp, vận động các thành viên tham gia ủng hộ lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cụ nằm trong tổ chuẩn bị đảm bảo về lương thực, sẵn sàng cho việc giành chính quyền. Sau khi có lệnh khởi nghĩa, các công tác được chuẩn bị thực hiện khẩn trương. Ủy ban khởi nghĩa được thành lập, họp bàn kế sách giành chính quyền; các đội tuyên truyền xung phong vào cuộc trong tinh thần khẩn trương; các cuộc mít tinh, tuần hành thị uy lôi cuốn hàng vạn người tham gia. “Ngày đó khắp làng quê, ngõ xóm tại Can Lộc đều rộn ràng tiếng tù và, chiêng trống, cổ vũ nhân dân tham gia khởi nghĩa giành chính quyền. Dòng người đổ ra đông như trẩy hội”, cụ Xanh bồi hồi nhớ lại.
Chứng kiến hai thời khắc lịch sử của đất nước, sau cách mạng Tháng Tám thành công, cụ Xanh được gia nhập Quân đội nhân dân Việt nam, tiếp tục góp mặt vào nhiều trận đánh lịch sử: Chiến dịch biên giới Thu - Đông (1950); Chiến dịch Hoàng Hoa Thám (1950-1951). Trở về từ khói lửa chiến trường chống Pháp, cụ Xanh hăng hái tham gia xây dựng các phong trào ở quê hương. Tuổi trẻ cụ góp công sức, nay về già cụ góp tinh thần. Dù ở ngoài tuổi bách niên, cụ Xanh không còn nhanh nhẹn, nhưng có thể cảm nhận được ngọn lửa cách mạng, tình yêu quê hương vẫn rực cháy trong tim qua từng việc làm cụ thể của một người chiến sĩ tròn 72 năm tuổi Đảng.
Ngồi điểm lại quá khứ hoạt động cách mạng, cụ nói lịch sử đất nước từ khi có Bác có Đảng, người dân được cơm no áo ấm. “Không có Đảng, có đường lối chính sách đúng đắn thì không có đất nước thống nhất, non sông vẹn toàn như hôm nay. Nhìn vùng quê nghèo ngày càng phát triển đi lên, không lo đói nghèo, ngày một giàu lên, tôi thấy tự hào, mãn nguyện lắm rồi”, Cụ Xanh rổn rảng.
“Lúc đó khổ lắm, khổ cùng cực. Cơm không có, tới bữa chỉ có củ khoai, củ sắn, ngô, quanh năm suốt tháng cứ như vậy”, cụ Xanh nhớ lại. Ngày dân xuống đường biểu tình đòi giảm, bỏ thuế, chia lại ruộng đất công cho mọi người, cả làng đều đi từ già trẻ, gái trai. Không khí lúc đó rạo rực, tiếng trống vang dội, cả trăm người vùng lên. Dẫn đầu đoàn là đội tự vệ đỏ cầm cờ búa liềm, vừa đi vừa hát và hô to các khẩu hiệu.