98-99% giá trị xuất khẩu hàng điện tử đến từ doanh nghiệp FDI
Sản lượng sản xuất và giá trị xuất khẩu của nhóm hàng linh kiện điện tử, điện thoại, máy tính đều ghi nhận tăng trưởng trong quý I, nhưng chủ yếu thuộc khu vực doanh nghiệp FDI.
Theo Tổng cục Thống kê, công nghiệp điện tử chiếm tỷ trọng 17,8% toàn ngành công nghiệp cả nước. Tuy nhiên, xuất khẩu phần lớn thuộc về khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong đó, tỷ trọng xuất khẩu khối FDI trong ngành điện thoại và linh kiện là 99,1%, còn trong ngành điện tử, máy tính và linh kiện là 98%.
Quý đầu năm nay, nhóm hàng điện thoại và linh kiện dần đầu top 11 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD, với kim ngạch đạt 14,1 tỷ USD, chiếm 18,2% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 9,3% so với cùng kỳ. Trong khi đó, xuất khẩu các sản phẩm điện tử, máy tính và linh kiện cũng đạt 12 tỷ USD, tăng 31,3%.
Trước đó, năm 2020, xuất khẩu điện thoại di động và linh kiện đạt 50,9 tỷ USD, giảm 1% so với năm 2019 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Còn nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện ghi nhận tăng trưởng 24,4% về kim ngạch xuất khẩu, đạt 44,7 tỷ USD.
Tổng cục Thống kê nhận định, sự tăng trưởng trong xuất khẩu hàng điện tử xuất phát từ sự gia tăng nhu cầu của thị trường. Dưới ảnh hưởng của dịch Covid-19, người lao động buộc phải làm việc tại nhà, doanh nghiệp do đó phải mua sắm trang thiết bị phục vụ người lao động. Chưa kể, đại dịch cũng khiến các công ty sản xuất hàng điện tử tại Trung Quốc - công xưởng sản xuất của thế giới - phải đóng cửa.
Trong quý I, Việt Nam đã cấp chứng nhận đầu tư mới và điều chỉnh vốn cho nhiều dự án có quy mô vốn đầu tư lớn. Điển hình là dự án LG Display Hải Phòng (Hàn Quốc) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 750 triệu USD, hay dự án Nhà máy Fukang Technology (Singapore) với số vốn đăng ký 293 triệu USD để thực hiện việc sản xuất, gia công máy tính bảng và máy tính xách tay tại Bắc Giang.
Bên cạnh đó, theo Tổng cục Thống kê, trong giai đoạn 2016-2020, Samsung Electronics đóng góp hơn 1/5 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, trở thành động lực quyết định trong thặng dư thương mại của Việt Nam. Hiện Việt Nam là trung tâm sản xuất điện thoại di động thông minh của tập đoàn.
Mặc dù vậy, cơ quan này cho rằng ngành điện tử Việt Nam vẫn đang dừng ở giai đoạn đầu trong chuỗi sản xuất sản phẩm điện tử và phụ thuộc phần lớn vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
"Các doanh nghiệp trong nước cần tham gia nhiều hơn nữa trong chuỗi giá trị toàn cầu. Muốn làm được như vậy, bản thân doanh nghiệp Việt Nam phải mạnh hơn, thiết lập được hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ và đủ sức bắt tay với tập đoàn công nghệ quốc tế lớn", Tổng cục Thống kê đánh giá.