99% ca tử vong tại Anh là những người chưa tiêm chủng đầy đủ
Tiêm vắc xin ngừa COVID-19 tại Anh. Nguồn: wsj
Phóng viên TTXVN tại London dẫn nghiên cứu mới nhất của Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) cho biết khoảng 99% trường hợp tử vong do COVID-19 tại xứ England là những người chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin.
Nghiên cứu đầu tiên của ONS về các ca tử vong dựa trên tình trạng tiêm chủng cho thấy, trong số hơn 50.000 ca tử vong do COVID-19 tại vùng England trong năm nay, chỉ có 59 trường hợp là những người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin ngừa COVID-19 và không có vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Theo nghiên cứu này, số người tử vong do COVID-19 dù đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin chỉ chiếm 1,2% (640 người) trong tổng số ca tử vong, nhưng ONS cho biết nhiều người trong số này có thể đã mắc COVID-19 trước khi tiêm mũi 2.
Bà Julie Stanborough, Phó giám đốc phụ trách các sự kiện y tế và đời sống tại ONS cho biết nguy cơ tử vong liên quan đến COVID-19 ở những người đã tiêm 2 mũi vắc xin thấp hơn nhiều so với những người chưa tiêm hoặc mới tiêm 1 mũi.
Hơn 3/4 người trưởng thành tại Anh hiện đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin ngừa COVID-19 và các số liệu mới nhất cho thấy vắc xin đã giúp ngăn ngừa 95.200 ca tử vong, 23,9 triệu ca mắc và 82.100 ca nhập viện do COVID-19 tại nước này.
Nhóm nghiên cứu từ Đại học Oxford, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cũng ước tính vắc xin giúp ngăn ngừa tới 95% các ca bệnh nặng và hơn 80% các ca mắc COVID-19, đối với cả biến thể Alpha và Delta.
Các số liệu nghiên cứu cho thấy tác dụng bảo vệ của việc tiêm đủ 2 mũi vắc xin ngừa COVID-19, vì vậy đặt ra câu hỏi liệu tiêm mũi vắc xin tăng cường có thực sự cần thiết.
Nhiều nhà khoa học Anh cho rằng tiêm mũi tăng cường cho những người bình thường không mang lại nhiều lợi ích, trong bối cảnh nước này đã bắt đầu tiêm mũi thứ ba cho những người có hệ miễn dịch suy giảm nghiêm trọng.
Giáo sư Dame Sarah Gilbert, người phát triển vắc xin Oxford/AstraZeneca, không ủng hộ việc tiêm đại trà mũi vắc xin tăng cường.
Bà tin rằng hai mũi vắc xin là quá đủ để đạt miễn dịch và các liều vắc xin dành cho chương trình tiêm chủng tăng cường cần được chuyển tới các quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng thấp.
Các chuyên gia đồng ý rằng sẽ hợp lý hơn khi tập trung tiêm vắc xin ở các khu vực có tỉ lệ tiêm chủng còn thấp, thay vì tiêm mũi tăng cường, bởi chính nhóm thiểu số chưa tiêm vắc xin mới là nguồn lây lan dịch bệnh.
Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 14/9 cảnh báo dịch COVID-19 vẫn là một nguy cơ và Anh có thể áp dụng trở lại các biện pháp hạn chế, thậm chí bao gồm việc áp đặt lệnh phong tỏa vào mùa thu này.
Theo phóng viên TTXVN tại London, tại cuộc họp báo về kế hoạch ứng phó với dịch COVID-19 của chính phủ trong mùa thu và mùa đông năm nay, Thủ tướng Johnson cảnh báo tình hình dịch năm nay tại Anh thậm chí còn khó khăn hơn so với năm ngoái trong bối cảnh số ca mắc, nhập viện và tử vong do COVID-19 hiện tại cao hơn so với cùng thời điểm tháng Chín năm ngoái.
Tuy nhiên, ông Johnson cho biết Anh hiện có thể ứng phó với COVID-19 tốt hơn nhiều nhờ vào tỉ lệ tiêm chủng và miễn dịch cộng đồng cao. Vì vậy, ông tin rằng Anh sẽ không phải quay trở lại biện pháp phong tỏa như năm ngoái.
Kế hoạch của Thủ tướng Johnson đưa ra 2 phương án, theo đó Kế hoạch A tiếp tục thúc đẩy chương trình tiêm chủng, khuyến khích người dân sử dụng khẩu trang, thường xuyên rửa tay và thực hiện xét nghiệm.
Theo kế hoạch này, khoảng 30 triệu người, gồm những người trên 50 tuổi, những người trẻ tuổi có vấn đề về sức khỏe và nhân viên y tế tuyến đầu và nhân viên chăm sóc xã hội, sẽ được tiêm mũi vắc xin tăng cường, dự kiến sẽ bắt đầu vào tuần tới.
Kế hoạch A cũng tập trung vào chương trình tiêm chủng cho trẻ em trong độ tuổi từ 12-15, đồng thời khuyến khích những người chưa tiêm vắc xin thực hiện tiêm chủng.
Các chuyên gia tin rằng tỉ lệ tiêm chủng cao sẽ ngăn chặn số ca nhập viện tăng nhanh trong những tuần tới, do đó chính phủ sẽ tiếp tục tập trung thúc đẩy chương trình tiêm chủng nhằm tránh những bất ổn kinh tế và xã hội gây nên bởi một đợt phong tỏa mới.
Tuy nhiên, trong trường hợp dịch COVID-19 gây áp lực quá lớn lên hệ thống y tế, Kế hoạch B sẽ được kích hoạt, theo đó hộ chiếu vắc xin, đeo khẩu trang và làm việc tại nhà sẽ trở thành yêu cầu bắt buộc.
Theo kế hoạch này, hộ chiếu vắc xin sẽ được áp dụng đối với các câu lạc bộ đêm, địa điểm trong nhà với sức chứa hơn 500 người và các cơ sở ngoài trời với hơn 1.000 người.
Giám đốc y tế vùng England, Giáo sư Chris Whitty, cho biết Kế hoạch B sẽ được kích hoạt dựa trên 3 tiêu chí: tỉ lệ người nhập viện; sự thay đổi nhanh trong số liệu các ca mắc và nhập viện; và tình trạng tổng thể của Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS). Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid nhấn mạnh Kế hoạch B sẽ chỉ được thực hiện nếu NHS phải đối mặt với áp lực quá tải và các biện pháp bổ sung tiếp theo sẽ được áp dụng dựa trên dữ liệu.
Thủ tướng Johnson cũng khẳng định chính phủ đã sẵn sàng với Kế hoạch B nếu dịch bệnh bùng phát trở lại trong những tháng tới, và không loại trừ khả năng có thể áp đặt trở lại lệnh phong tỏa.
Theo kế hoạch của ông Johnson, “Chính phủ vẫn cam kết thực hiện bất kỳ hành động nào cần thiết để bảo vệ NHS khỏi bị quá tải, song những biện pháp hạn chế gây thiệt hại về kinh tế và xã hội sẽ chỉ được coi là phương cách cuối cùng".
Hiện nay, Anh đã dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19, theo đó đeo khẩu trang không còn là quy định bắt buộc, mặc dù chính phủ vẫn khuyến cáo người dân thực hiện biện pháp này ở những nơi đông người hoặc trong không gian kín. Yêu cầu giữ khoảng cách hơn 1m cũng được dỡ bỏ và hiện chỉ được áp dụng tại một số nơi như bệnh viện.