9X đạt điểm khóa luận gần tuyệt đối, trở thành thủ khoa ĐH Bách khoa Hà Nội
Trương Tiến Hoàng Dương (sinh năm 1997) tốt nghiệp thủ khoa Đại học Bách khoa Hà Nội với điểm tích lũy học tập 3,54/4 và đạt 9,5 khóa luận.
Tháng 10/2020, nam sinh gốc Hà Nam Trương Tiến Hoàng Dương nhận bằng tốt nghiệp loại giỏi, chuyên ngành Khoa học vật liệu, Đại học Bách khoa Hà Nội.
Sinh ra trong gia đình có bố là kỹ sư Cơ khí, mẹ là kỹ sư Nông nghiệp, từ bé, Dương may mắn được sống và tiếp xúc nhiều với môi trường nghiên cứu khoa học. Bố mẹ luôn bận rộn với công việc, thường xuyên vắng nhà, những lúc như vậy em lựa chọn đọc sách và tự khám phá kiến thức thông qua những quyển sách chuyên ngành để trong nhà.
Hoàng Dương tự nhận có niềm đam mê đặc biệt với những con số và các môn học tự nhiên. Ngay từ cấp 1, cấp 2, môn học tốt nhất của Dương là Toán học. Lên cấp 3, Dương lựa chọn theo học lớp chuyên toán, trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên (Đại học Khoa học tự nhiên- Đại học Quốc gia Hà Nội).
Năm 2015, Hoàng Dương thi đỗ vào ngành Khoa học Vật liệu- chương trình học bằng tiếng Anh với 25,5 điểm khối A. Bước chân vào môi trường đại học, em bị sốc khoảng 2 tuần đầu tiên. Cách học gần như thay đổi hoàn toàn, khiến em phải tự học là chủ yếu, bắt buộc phải thêm nhiều tài liệu trước khi bước vào bài mới. Như ở bậc phổ thông, giáo viên sẽ hướng dẫn bài trước, sau đó học sinh làm bài tập và tìm hiểu mở rộng kiến thức sau.
Ở đại học, lớp học rất đông khoảng 60- 80 sinh viên/giảng đường, gần như các bạn đều không biết mặt nhau, mỗi môn học lại có những người bạn mới khác nhau. Do vậy sinh viên luôn phải tự học và làm việc độc lập.
Điểm khó khăn lớn nhất trong chương trình học của Dương là hoàn toàn bằng tiếng Anh, có nhiều từ chuyên ngành, khó hiểu. Trong khi đó, bước chân vào đại học, xuất phát điểm của Dương chỉ đạt 650 điểm TOEIC, có phần hụt hơi hơn so với các bạn cùng lớp.
Nhiều khi học trên lớp, giảng viên dạy lướt qua các nội dung, nhiều từ vựng trong giáo trình em không hiểu. Những lúc như vậy em cẩn thận ghi ra sổ để về nhà tra cứu trong từ điển. Đặc biệt là những từ chuyên ngành càng hiếm gặp, có khi phải tra cứu nửa ngày mới tìm ra ý nghĩa đúng của từ.
Quyết không bỏ cuộc, nam sinh gốc Hà Nội biến điểm yếu thành lợi thế của bản thân. Ngoài thời gian học trên lớp, em kiên trì tự trau đồi kiến thức, từ vựng, ngữ pháp bằng cách tập đọc các tài liệu chuyên ngành ở nước ngoài; thường xuyên nghe nhạc, xem phim bằng tiếng Anh.
Rèn luyện thói quen tự học cộng với sự nỗ lực không ngừng trong suốt 5 năm đại học, hiện Hoàng Dương đạt TOEIC đạt 950 điểm, IELTS 7.5. Em đang ôn tập, chuẩn bị thêm cho kỳ thi IELTS dự kiến diễn ra vào tháng 10/2021 với mục tiêu đạt 8.5 điểm.
Từ cuối năm thứ 2 đại học, cậu bị cuốn hút vào nghiên cứu khoa học khi được tiếp xúc với các thầy dạy chuyên ngành. Nhìn các thầy luôn khao khát khám phá điều mới mẻ, Dương thấy đó như động lực thôi thúc em tìm hiểu và học tập theo.
Những ngày đầu tham gia nghiên cứu, em bị choáng ngợp với lượng kiến thức chuyên ngành đồ sộ. Đây là quãng thời gian em gặp nhiều khó khăn vì mới là sinh viên năm hai, đa phần các môn được học là lý thuyết cơ bản, chưa đi vào chuyên sâu.
Thêm vào đó, đặc thù của các ngành nghiên cứu khoa học cơ bản là luôn phải vận động tư duy để tìm đề tài mới, chưa có ai làm và đòi hỏi tính ứng dụng cao. Do vậy, việc nghiên cứu, thu thập số liệu, thông tin gặp nhiều khó khăn và thất bại là điều không tránh khỏi.
Mỗi khi so sánh số liệu qua từng lần thí nghiệm không khớp nhau, em thấy nản và thường tự trách bản thân chưa đủ giỏi. Từng có những thí nghiệm em phải thực hiện đến hơn 10 lần mới tìm được ra công thức, hướng đi đúng.
Sau những lần thất bại, cậu sinh viên trẻ tự rút ra bài học kinh nghiệm: “Làm nghiên cứu khoa học thật sự mới thấm thía, giỏi thôi chưa đủ, quan trọng nhất là sự kiên trì”.
Ngoài những kiến thức, kinh nghiệm học được từ thầy giáo và các thành viên trong nhóm nghiên cứu, em thường dành thời gian rảnh để tìm hiểu thêm các tài liệu khoa học nước ngoài. Cứ như vậy, Dương dần quen và say mê với con đường mình chọn.
Hoàng Dương đang sở hữu hai bài báo nghiên cứu khoa học được công bố trong nước và quốc tế.
Đề tài khoa học cậu tâm đắc nhất là tập trung vào nghiên cứu nhằm tăng khả năng ứng dụng vật liệu compozite trên nền đồng, cốt hạt Al2O3 kích thước nanomet. Vật liệu compozite là các vật liệu được tổng hợp từ hai hoặc nhiều loại vật liệu thuần như kim loại, polyme hay gốm... nhằm kết hợp các tính chất của chúng lại với nhau. Kết quả của đề tài nghiên cứu này sẽ giúp nâng cao hiệu suất và mở rộng phạm vi ứng dụng cho vật liệu vào sản xuất công nghiệp hiện nay.
Đề tài này cũng chính là khóa luận tốt nghiệp của Hoàng Dương. Em bỏ ra thời gian gần 3 năm miệt mài nghiên cứu, thí nghiệm và khảo sát tại nhiều nhà máy trên cả nước mới có thể hoàn thành.
Dương sống tự lập, nên ngoài thời gian đi học, em tranh thủ làm việc bán thời gian để có thêm tiền trang trải cho bản thân. Em không muốn việc nghiên cứu và học tập của mình trở thành gánh nặng tài chính cho gia đình.
Sau khi lấy bằng cử nhân, Dương dự định sang Đức học tiếp lên bậc thạc sĩ. Tuy nhiên, do dịch COVID-19 nên em phải thay đổi mục tiêu của bản thân. Không thể đi nước ngoài, Dương quyết định ở lại nước học nghiên cứu chuyên sâu.
Hồi tháng 11/2020, em được nhận hai học bổng toàn phần của Tập đoàn Vingroup và Đại học Bách khoa Hà Nội tại Viện Đào tạo Quốc tế- chuyên ngành Khoa học vật liệu (ITIMS). Đây là một cơ sở nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và đào tạo sau đại học của Đại học Bách khoa Hà Nội.
Học bổng này giúp em có thêm thu nhập khoảng 10 triệu/tháng, có thể tự trang trải cuộc sống mà không cần phải đi làm thêm. Nhờ đó, em có thể tập trung toàn lực cho việc nghiên cứu.
Với Hoàng Dương, việc được học thạc sĩ tại Viện ITIMS sẽ làm bước đệm tốt giúp cậu đạt được mục tiêu xin học bổng toàn phần bậc tiến sĩ ở các trường đại học nổi tiếng trên thế giới vào năm 2022.