Chàng trai Nguyễn Phước Quý Thành (27 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TP.HCM) bắt đầu làm tranh từ rác thải nhựa gần 2 năm nay. Chủ đề tranh thường nêu thực trạng ô nhiễm, kêu gọi cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường, nói không với rác thải nhựa, cổ động phòng chống dịch bệnh.
Khoảng 2 tháng nay, Quý Thành tập trung làm tranh chủ đề kêu gọi cộng đồng cảnh giác và ý thức ứng phó dịch Covid-19. Tranh được tạo trên nền giấy trắng, chất liệu là những chiếc nút áo cũ.
Tùy vào cách tạo hình sẽ cho ra những thông điệp khác nhau. Mong muốn của 9X là kêu gọi cộng đồng chú ý giữ vệ sinh đôi tay, thường xuyên dùng nước rửa tay sát khuẩn để tránh lây lan virus.
Cách làm của Quý Thành có khá nhiều điểm tương đồng với thể loại tranh plastic. Để xây dựng ý tưởng, cậu thường lên Internet tham khảo các tạo hình, logo, ảnh slogan.
Dù mới chuyển qua làm tranh ở đề tài Covid-19 nhưng Quý Thành tỏ ra rất thích thú với công việc hiện tại. Cậu thường làm việc cả ngày lẫn đêm và ít khi nghỉ ngơi. Góc làm việc chính là căn phòng ngủ với chi chít vật dụng cá nhân, tranh ảnh, nút áo và nhiều vật liệu nhựa khác.
Để làm sản phẩm tranh này, Quý Thành tìm mua những chiếc nút áo, vật liệu nhựa cũ. Sau đó, vẽ phác họa hoặc in ra giấy tạo hình. Tiếp theo là dán nút bằng keo sữa. Đây là công đoạn quyết định tính thẩm mỹ và giá trị thông điệp của bức tranh. Cuối cùng là đợi keo khô rồi mang đi đóng khung.
Trong gần 2 năm qua, Quý Thành làm gần 100 bức. Tranh thường được dùng để tặng, ký gửi hoặc bán cho khách hàng. Giá mỗi bức thường từ vài trăm nghìn đến hơn 1 triệu đồng tùy vào độ khó và tính thẩm mỹ.
Quý Thành từng tốt nghiệp ĐH chuyên ngành kỹ sư hóa học. Tuy nhiên, cậu không làm việc liên quan ngành học mà chỉ tập trung làm tranh từ vật liệu rác thải nhựa. Công việc này ban đầu không được gia đình ủng hộ. Tuy nhiên càng về sau, nhận thấy niềm đam mê lớn của con, cha mẹ đã không phản đối như trước.
Theo Quý Thành, hiện có khá nhiều đơn đặt hàng tranh từ bạn bè, sắp tới cậu sẽ tập trung làm thêm giờ để có nhiều sản phẩm mới, chủ đề chính là kêu gọi ứng phó dịch Covid-19. "Em làm tranh nhưng chưa từng đi học một lớp đào tạo nào về hội họa hay tạo hình điêu khắc. Việc làm tranh hiện tại là tự mày mò, tự học và sáng tạo", cậu chia sẻ.
Phạm Ngôn