9X mê làm giáo dục, 2 lần học chậm để trải nghiệm nhiều hơn
Có hoạch định rõ ràng cho tương lai, Quang Tùng không ngần ngại 'gap year' một năm để bắt tay vào các dự án cá nhân và thực hiện chuyến đi xuyên Việt. Nhưng những điều Tùng làm không dừng lại ở một chuyến đi khám phá đất nước.
“Mọi người thường đưa ra những mốc thời gian như 6 tuổi phải vào lớp 1, 18 tuổi phải vào đại học; 22 tuổi phải tốt nghiệp đi làm.
Nhưng thực tế, không có ai chậm và cũng chẳng có ai nhanh. Cuộc đời mỗi người đều là một đường chạy riêng và mục tiêu lớn nhất của ta là không lùi bước”, Nguyễn Quang Tùng, cậu sinh viên năm thứ 2 của Trường ĐH Macalester College (Mỹ) viết như thế trên blog cá nhân, để giải thích cho hàng loạt những quyết định khác biệt của mình.
Ước mơ “học sinh Việt Nam không cần phải đi du học”
Quang Tùng từng là học sinh của Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ. Năm lớp 11, khi nhận được học bổng của United World College (Trường Liên kết Thế giới - UWC), Tùng quyết định đi du học.
Một mình “khăn gói” sang Trung Quốc học cấp 3 và sẽ tốt nghiệp chậm 1 năm so với bạn bè cùng tuổi ở Việt Nam, Tùng nhận được không ít câu hỏi, rằng: “Điều đó có đáng hay không?”.
Nhưng những trải nghiệm tại đây đã khiến cậu tin rằng, “rất đáng để mình ‘chậm’ lại một năm như thế”.
Năm đầu tiên du học, Tùng được tới dạy học tại một ngôi trường liên cấp ở vùng khó khăn nhất của tỉnh Hồ Bắc. Sau đó là hàng loạt những hoạt động ý nghĩa khác được Tùng và các bạn thực hiện trong suốt 2 năm học tập ở đây.
Những hoạt động ấy đã giúp Tùng rèn được nhiều kỹ năng khác nhau và khiến cậu nhận ra rằng, mình có một niềm say mê đặc biệt với việc “làm giáo dục”.
Vì thế, sau hai năm ở UWC, Tùng giành được học bổng toàn phần 280.000 USD (hơn 6,5 tỉ đồng), lựa chọn học song song hai ngành là Giáo dục và Kinh tế tại Trường ĐH Macalester College (Mỹ).
Ngôi trường này sẵn sàng cấp cho Tùng 5.000 USD khi cậu đưa ra đề xuất sẽ tổ chức một trại hè nhằm phát huy khả năng sáng tạo của học sinh từ phương pháp học qua trải nghiệm.
Sau thành công của trại hè đầu tiên, Tùng đã tổ chức thêm 3 trại hè khác. Trong đó, trại hè gần nhất với tên gọi “Đường nhiều chiều” được cậu thực hiện trong 10 ngày, 9 đêm với sự tham gia của 80 học sinh.
Tại đây, học sinh được học về tư duy thiết kế - thứ mà theo Tùng, rất nhiều tổ chức phi chính phủ và các startup nổi tiếng đã và đang sử dụng để giải quyết vấn đề. Vì thế, Tùng đã mời 10 diễn giả ở 10 lĩnh vực khác nhau đến để chia sẻ cho học sinh.
Cậu kỳ vọng, 10 người với những cách giải quyết khác nhau sẽ giúp học sinh nhận ra, không có bất kỳ một khuôn mẫu nào cho việc cải thiện mọi thứ xung quanh mình.
Sau những cuộc chia sẻ, đối thoại, học sinh tham gia trại hè sẽ cùng nhau làm các dự án xã hội. Thông qua đó, các em sẽ được học những kỹ năng cơ bản như quản lý dự án, kỹ năng thuyết trình, quản lý tài chính, truyền thông,…
Tùng nói: “Khi nhìn lại, em nhận thấy rằng, du học cũng chỉ dành cho những bạn khá giỏi hoặc khá giả. Nếu không có hai điều kiện ấy sẽ rất khó để đi du học được. Vì thế, em muốn tạo ra những thay đổi ở Việt Nam. Ước mơ của em là mọi người không cần phải đi du học cũng có thể có được những trải nghiệm giáo dục tốt nhất”.
Giấc mơ làm giáo dục của Tùng bắt đầu với ý tưởng xây dựng một trung tâm tư vấn du học giá thành rẻ. Nhưng cậu nhanh chóng nhận ra, điều này cũng giống như việc “mình cử người giỏi của mình đi ra nước ngoài” chứ không thể thay đổi hiện trạng giáo dục.
Vì thế, chàng trai 22 tuổi bắt đầu làm nhiều dự án xã hội hơn.
Cũng trong thời gian này, Tùng tham gia vào chương trình Sea Fall 2019 Voyage. Đó là một chuyến hành trình trên biển kéo dài 109 ngày, đến 12 quốc gia ở 4 châu lục khác nhau. Với mỗi quốc gia, những thành viên trên tàu sẽ có từ 5 – 7 ngày để vừa học, vừa trải nghiệm.
Chuyến đi này đã khiến chàng trai sinh năm 1999 thay đổi nhiều về tư duy.
“Em được đặt chân đến nhiều nơi, nhìn được nhiều thứ mà mình vẫn từng mơ tưởng. Em nhận thấy thế giới thực sự rộng lớn, nhưng mình hoàn toàn có thể chinh phục được”. Từ chuyến đi ấy, Tùng bắt đầu viết blog để chia sẻ trải nghiệm của bản thân.
Một ngày, Tùng nhận được dòng tin nhắn của một cô bé ở Đồng Nai, mong muốn Tùng có thể đến tham quan và chia sẻ về những trải nghiệm “đi ra bên ngoài thế giới” của mình. Cũng từ lời đề nghị này, Tùng nghĩ đến việc đi dọc Việt Nam để truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ hơn nữa.
Ý tưởng vừa được nhen nhóm, không mất nhiều thời gian suy nghĩ, cậu bắt tay ngay vào việc gây quỹ cho chuyến hành trình.
“Dù thế nào cũng phải liều và thử”, Tùng nghĩ.
Từ Mỹ bay về Việt Nam, cậu đã xây dựng được một nhóm gồm 16 bạn trẻ ở khắp cả nước, đi tới 11 tỉnh thành để chia sẻ về hành trình vươn ra biển lớn của mình. Những buổi nói chuyện đầy tâm huyết của Tùng đã thu hút tới hơn 600 người tham gia.
Mơ về những lớp học dọc theo đất nước
Covid-19 khiến nhiều du học sinh phải chuyển từ học trực tiếp sang học online. Tùng quyết định ‘gap year’ một năm để trở về Việt Nam. Mặt khác, cậu cũng muốn dành thời gian này để khám phá những miền đất của tổ quốc.
Biết được có nhiều bạn trẻ chưa thể lên đường du học vì Covid-19, Tùng nghĩ ra ý tưởng thành lập một cộng đồng với tên gọi “MỞ - Mơ và Hỏi”.
“Em muốn đây sẽ là nơi truyền đam mê cho các bạn trẻ khác. Tại đây sẽ có những môn học hay ho, sáng tạo và không thể tìm thấy được ở những lớp học bình thường”.
Kỳ đầu tiên, Tùng cùng các thành viên đã mở 5 lớp học với 5 chủ đề: Nói trước đám đông, Phê bình phim, Tư duy thiết kế, Hiểu mình qua lăng kính thơ văn, Quan hệ công chúng. Kỳ học diễn ra thành công với triết lý giáo dục “học những gì bắt đầu từ đam mê”.
Nam sinh kỳ vọng, khi hoàn thành chương trình, khóa học sẽ không kết thúc mà tiếp tục tạo ra một cộng đồng - nơi mọi người có thể chia sẻ đam mê với nhau.
Thành công của kỳ học này đã thôi thúc Tùng tiếp tục lên ý tưởng về “Siêu khóa mùa hè” vào năm sau.
“Đó sẽ là những lớp học đi dọc Việt Nam, và học sinh sẽ được học tại chính những nơi mình sẽ đi qua”, Tùng nói.
Quyết định dành một năm để ‘gap year’, điều đó có nghĩa Tùng sẽ phải học chậm hơn các bạn thêm một năm nữa. Nhưng cậu cho rằng, sự phát triển của một con người không thể đo đếm bằng năm họ tốt nghiệp cấp 3 hay đại học mà chỉ có thể đánh giá qua giá trị của những việc họ làm.
“Em từng được nghe câu chuyện của những người bạn phải cày ngày cày đêm để vào đại học, nhưng rồi họ nhận ra rằng mình không biết phải làm gì vào ngày tốt nghiệp. Do vậy, em tin rằng, nếu mình hiểu rõ bản thân muốn gì thì việc học sẽ nhanh hơn và thích thú hơn rất nhiều.
Em có thể sẽ tốt nghiệp vào năm 2022 hay 2023, nhưng em tin rằng, những gì em đang làm đều không vô nghĩa”, Tùng nói.