9X 'thổi hồn' cho tác phẩm nghệ thuật từ giấy
Nguyễn Nam Sơn dành đam mê với việc sáng tạo ra những tác phẩm Origami (bộ môn nghệ thuật gấp giấy Nhật Bản). Những sản phẩm sống động do Sơn tạo hình công phu, bắt mắt đã thu hút được sự quan tâm và yêu thích của nhiều người.
Nguyễn Nam Sơn (27 tuổi, Hòa Bình) bắt đầu tìm hiểu về Origami từ những năm THPT. Nam Sơn đã đọc qua bộ truyện tranh “Hiệp sĩ giấy” và trong bộ truyện có hướng dẫn gấp Origami. Anh đã gấp theo và tìm hiểu thêm về bộ môn nghệ thuật này. Quá trình tìm hiểu, Nam Sơn nhận ra nhiều điều thú vị để xác định đam mê và theo đuổi lâu dài. Anh chia sẻ: “Mình quyết định theo đuổi bộ môn nghệ thuật này vì cảm thấy nó thú vị và mang lại không gian mở để thể hiện khả năng tư duy. Với Origami, mình sẽ diễn tả lại những điều mong muốn bằng hình thức thể hiện trên một tờ giấy”.
Origami là một bộ môn nghệ thuật gấp giấy có xuất xứ từ Nhật Bản. Origami kết hợp nhiều cách gấp đơn giản để biến mảnh giấy hình chữ nhật hoặc hình vuông thành những hình dạng phức tạp. Tuy nhiên, ở thời điểm Nam Sơn bắt đầu tìm hiểu thì Origami vẫn chưa phổ biến tại Việt Nam. “Mình đã khắc phục những khó khăn ban đầu bằng cách tìm tài liệu, thông tin về gấp giấy qua mạng. Ngoài ra, mình còn viết thư điện tử cho các tác giả Origami nước ngoài. Điều này giúp mình trau dồi thêm khả năng tiếng Anh, tìm hiểu được cách họ thiết kế như thế nào và xin tài liệu về Origami để nâng cao tay nghề”, Nam Sơn nhớ lại.
Nam Sơn và một số tác phẩm của mình.
Thời gian hoàn thành một tác phẩm tùy theo độ phức tạp của mẫu. Những tác phẩm đơn giản anh có thể hoàn thành trong 30 phút. Đối với những tác phẩm phức tạp và độ khó cao có thể lên đến 2-3 tuần hoặc cả tháng. Để làm nên một sản phẩm, Nam Sơn phải thực hiện cẩn thận qua nhiều công đoạn. Anh cho biết: “Đầu tiên, mình tìm ý tưởng thông qua những sách, tranh, truyện minh họa. Sau đó vẽ phác thảo để cụ thể hóa các bộ phận. Tiếp đến, mình thiết kế qua phần mềm để chia tỉ lệ hợp lý. Mình sẽ gấp nháp 7-8 mẫu để xác định tỉ lệ đó đã phù hợp trước khi bước vào việc gấp chính thức”.
Mẫu Hải Mã (Ngựa biển) trong thần thoại Hy Lạp và Bắc Âu.
Mẫu Kỳ Lân châu Á, gấp từ giấy kim loại 50cmx50cm.
Hiện tại Nam Sơn đã sáng tạo ra 32 tác phẩm và thực hiện được nhiều tác phẩm theo mẫu. “Ba tác giả gấp Origami có ảnh hưởng đến việc sáng tạo của bản thân là Kamiya Satoshi của Nhật Bản, Robert J.Lang của Mỹ và Eric Joisel của Pháp”, Nam Sơn nói.
Các tác phẩm được Nam Sơn chú trọng thể hiện ở trạng thái “động” của vật một cách ấn tượng nhất. Một số tác phẩm của anh đã đạt được giải thưởng và trưng bày ở các bảo tàng về nghệ thuật. Năm 2016, tác phẩm "Thần rừng shinigami" tham dự cuộc thi gấp giấy "Global Creative Jongie Jupgi Contest" ở Hàn Quốc và giành giải Nhì. Hiện tác phẩm đang được trưng bày ở bảo tàng Jong Ie Nara (Hàn Quốc). Năm 2017, anh tham gia đóng góp và trưng bày mẫu tại triển lãm Transformando la realidad của bảo tàng Zaragoza Tây Ban Nha. Năm 2018 và 2019 tham dự triển lãm UOSA Convention của Mỹ.
Origami đã mang lại niềm đam mê cho Nam Sơn.
Mẫu thần rừng Shishigami.
Trong số tác phẩm của mình, Nam Sơn lưu lại kỷ niệm đáng nhớ nhất về tác phẩm “Rồng châu Âu”. “Mình gửi tác phẩm này cho một bạn nước ngoài người Na Uy. Khi bạn sang Việt Nam công tác thì bạn đã gặp và xin chữ ký của mình cho mẫu rồng. Mình cảm thấy vui vì mẫu gốc của mình được trân trọng”, anh Sơn chia sẻ.
Thông qua những tác phẩm Origami, Nam Sơn được rèn luyện thêm về tư duy tỉ mỉ. Anh tâm sự, nét độc đáo của Origami là không có sự can thiệp từ cắt dán khiến anh có thêm những kỹ năng về hình học. Bên cạnh đó, Nam Sơn cũng mong muốn có thể phát triển sản xuất nghề thủ công làm giấy dó của quê hương mình. Anh bày tỏ: “Qua bộ môn này, mình có thể phát triển nguyên liệu của làng nghề thủ công chuyên sản xuất giấy dó tại Hòa Bình. Qua rất nhiều thử nghiệm về nhiều loại giấy của các đất nước khác thì mình nhận thấy giấy dó phù hợp với bộ môn Origami. Khi những tác phẩm của mình đi ra nước ngoài, những người bạn Pháp, Nhật, Na Uy có hỏi tác phẩm làm từ nguyên liệu gì, điều này mang lại cơ hội giới thiệu về giấy dó của Việt Nam”.
Nam Sơn cũng là người sáng lập và quản lý trang "Hội những người đam mê đồ chơi giấy" trên nền tảng Facebook. Thông qua trang, anh mong muốn có thể chia sẻ thông tin, tài liệu về bộ môn nghệ thuật này đến nhiều người.
Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/9x-thoi-hon-cho-tac-pham-nghe-thuat-tu-giay-post1360060.tpo