A dua trên mạng

Gần đây, cộng đồng sử dụng mạng xã hội đã có ý thức kiểm chứng độ xác thực khi xuất hiện một thông tin 'nóng', đang thu hút sự chú ý. Tuy nhiên, việc buổi sáng mở mạng xã hội, thấy hàng loạt status mang nội dung thông tin giống nhau với đủ cách bình luận vẫn ngày ngày diễn ra...

“Mở lon Việt Nam” là tiêu đề bàn tán xôn xao trên mạng, kéo dài khoảng ba ngày. Bắt đầu khi Cục Văn hóa Cơ sở (Bộ VH-TT-DL) gửi công văn yêu cầu chấn chỉnh việc quảng cáo sản phẩm của Cocacola, nhất là slogan “Mở lon Việt Nam”. Slogan được cho là thiếu thẩm mỹ, không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam cũng như không đảm bảo thông tin rõ ràng của nội dung với sản phẩm hàng hóa được quảng cáo, vi phạm các quy định tại khoản 3, điều 8 và khoản 1, điều 19 luật Quảng cáo. Đồng loạt các tài khoản cá nhân bình luận xoay quanh từ “lon”, phần lớn đều mang tính phản đối, chế giễu ý kiến này của Cục Văn hóa Cơ sở. Hình ảnh của bà Cục trưởng bị đưa ra, gắn với câu nói đã bị cắt xén ra khỏi ngữ cảnh. Nhiều status, từ người dân lao động đến trí thức, thậm chí cả văn nghệ sĩ dẫn lại với bình phẩm ác ý. Báo chí xoay quanh giải thích cụm từ, đúng hay sai, nên hay không… và mời chuyên gia ngôn ngữ bàn luận.

Kết thúc đột ngột cũng như khi xuất hiện, sau một đêm, dân mạng lại ầm ĩ lên chuyện… áo dài của một nữ chính khách, nhưng sự ồn ào này nhanh chóng bị dập tắt khi nhận được sự phản đối từ chính các chị em phụ nữ, khi họ cho rằng đó là việc rất thường tình của phái đẹp…

Sự a dua thông tin như một làn sóng đồng tình phẫn nộ ào lên, để rồi lại tan loãng đi, không đọng lại bất cứ điều gì, trong khi thông tin quan trọng về việc Việt Nam ký kết với EU Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) vừa sau đàm phán kéo dài đến chín năm hầu như không ai bàn luận đến, dù EVFTA sẽ xóa bỏ 99% dòng thuế hàng Việt Nam sang EU và 1% còn lại sẽ được gỡ bỏ thông qua hạn ngạch thuế quan. Việt Nam mở cửa thị trường mua sắm, nhờ đó các công ty Việt Nam có thể mua thiết bị, dịch vụ giá cạnh tranh.

Đồng thời, vụ cháy rừng kéo dài qua ba ngày ở Hà Tĩnh, cũng như một số vụ cháy rừng khác đang diễn ra tại miền Trung cũng hầu như không được nhắc tới. Cho đến khi cháy rừng Hà Tĩnh được hàng nghìn lính chữa cháy, dân và quân Hà Tĩnh đang dần dập tắt và khu vực này được thông báo sẽ có trận mưa, dân mạng mới hướng sự quan tâm đến. Nhưng chỉ một số ít cầu nguyện bình yên cho Hà Tĩnh, bày tỏ sự tri ân với đội quân dân đang cứu rừng, còn lại phần lớn tiếp tục sự chế giễu phương pháp thô sơ đã được áp dụng để chữa cháy…

Chính vì việc sử dụng mạng xã hội, thay vì đưa ra giải thích bản chất vấn đề, giải pháp cho một sự việc hay làm điều có ích tích cực thì cộng đồng mạng chủ yếu thể hiện khả năng phán xét, bêu xấu, chửi bới vô hạn của mình. Không ít người cho rằng mạng xã hội ngày càng trở nên tiêu cực với những hình ảnh xấu xí, là một “bãi rác” tư duy khổng lồ. Đó cũng là mặt trái của Facebook”.

Việt Quỳnh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/a-dua-tren-mang-tintuc442894