Á hậu Dương Trương Thiên Lý: Hé lộ gia thế và tài sản 'khủng', sở hữu hàng loạt doanh nghiệp có dự án dính lùm xùm án phạt
Á hậu Dương Trương Thiên Lý là bà chủ loạt doanh nghiệp đình đám, từ bất động sản cho đến giáo dục, đáng nói, gia thế của người đẹp Đồng Tháp này cũng rất 'khủng'.
Sở hữu loạt doanh nghiệp đình đám
Dương Trương Thiên Lý (SN 1989, quê Đồng Tháp) từng đoạt danh hiệu Á hậu 2 cuộc thi Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam 2008. Năm 2011, Á hậu Thiên Lý gây xôn xao khi lên xe hoa cùng doanh nhân Nguyễn Quốc Toàn, người từng giữ chức Chủ tịch HĐQT Nam Á Bank.
Á hậu Thiên Lý được biết đến bà chủ loạt doanh nghiệp "khủng" từ bất động sản đến giáo dục. Người đẹp Đồng Tháp này là cổ đông sáng lập CTCP Hoàn Cầu Đà Lạt. Công ty này là chủ đầu tư của dự án Khu du lịch, dịch vụ và nghỉ dưỡng cao cấp King Palace (nằm trên đường Trần Quang Diệu, P.10, TP. Đà Lạt, UBND tỉnh Lâm Đồng).
Đáng nói, mới đây, công ty này vừa bị chấm dứt hoạt động, thu hồi đất. Theo đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu CTCP Hoàn Cầu Đà Lạt bàn giao 15,86ha đất của dự án và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Quy mô ban đầu của dự án là 18,18ha, được UBND tỉnh Lâm Đồng cho CTCP Hoàn Cầu Đà Lạt thuê để thực hiện dự án King Palace từ năm 2014.
Ngoài ra, Á hậu Thiên Lý cũng là cổ đông sáng lập CTCP Hoàng Gia ĐL. Doanh nghiệp này là chủ sở hữu của khách sạn 5 sao Dalat Palace Heritage Hotel (trước đây là Sofitel Dalat Palace), khách sạn 4 sao là Du Parc Hotel Dalat (trước đây là Novotel Dalat) và sân golf Dalat Golf Club.
Tiền thân của CTCP Hoàng Gia ĐL là Công ty TNHH khu nghỉ mát Đà Lạt, thành lập năm 1991. Vốn điều lệ ban đầu là 433 tỷ đồng sau đó nâng lên 848 tỷ đồng vào tháng 2/2016. Tháng 4/2016, doanh nghiệp đổi sang mô hình công ty cổ phần.
Từ năm 1991, công ty này được UBND tỉnh Lâm Đồng chấp thuận cho thuê 71,5ha đất thực hiện dự án Khu nghỉ mát Đà Lạt trong thời hạn 50 năm. CTCP Hoàng Gia ĐL được quyền khai thác các hoạt động kinh doanh, dịch vụ du lịch sân golf Đồi Cù, khách sạn Dalat Palace, khách sạn Du Parc Dalat, biệt thự số 27A và 27B Trần Hưng Đạo. Tuy nhiên, tại sân golf Đồi Cù, mới đây, CTCP Hoàng Gia ĐL đã bị UBND TP. Đà Lạt xử phạt 240 triệu đồng vì xây dựng tòa nhà câu lạc bộ golf sai phép và có hạng mục xây không phép.
Ngoài ra, doanh nghiệp này còn phải dừng thi công tại công trình và liên hệ cơ quan chức năng xin cấp phép. Trong trường hợp được cấp phép, công ty này buộc tháo dỡ toàn bộ phần công trình vi phạm ngoài phần được phê duyệt, trong thời gian 90 ngày để khắc phục. Cơ quan chức năng xác định bên trong Đồi Cù Đà Lạt, tại khu vực lỗ golf số 8 (phía đường Đinh Tiên Hoàng) có 2 khối công trình lớn. Trong 2 khối công trình này, một khối công trình có diện tích 6.120m2 là công trình đã được cấp phép. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, chủ đầu tư đã cho xây vượt diện tích lẫn khối tích dẫn đến sai phép hơn 3.000m2.
Ngoài vai trò cổ đông sáng lập, tại CTCP Hoàn Cầu Đà Lạt, Á hậu Thiên Lý đang sở hữu 91% vốn góp. Còn tại CTCP Hoàng Gia ĐL, Á hậu Thiên Lý vẫn là cổ đông lớn nhất khi sở hữu 661,5 tỷ đồng, tương đương 78% vốn.
Cùng hai công ty nói trên, vài năm qua, Á hậu Thiên Lý đã và đang góp vốn thành lập hoặc sở hữu nhiều doanh nghiệp liên quan khác. Á hậu Thiên Lý là cổ đông sáng lập và đang sở hữu 85% vốn góp, tại CTCP Hoàn vũ Sài Gòn, đơn vị sở hữu bản quyền cuộc thi Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam trong 15 năm qua.
Á hậu Thiên Lý còn là cổ đông sáng lập của CTCP Rồng Ngọc, vốn góp 400 tỷ đồng, tương đương 80% vốn điều lệ. Công ty này được thành lập năm 2016, vốn điều lệ ban đầu 500 tỷ đồng. Ngành nghề kinh doanh chính của công ty là tư vấn, môi giới, đấu giá bất động sản, đấu giá quyền sử dụng đất. Nhưng hiện Á hậu Thiên Lý đã thoái hết vốn tại CTCP Rồng Ngọc. Á hậu Thiên Lý từng sở hữu 99,94% vốn góp tại Công ty TNHH Rồng Thái Bình Dương trước khi chuyển nhượng toàn bộ vốn góp cho người khác vào năm 2013.
Á hậu Thiên Lý cũng từng sở hữu Công ty TNHH Quốc Anh NT, doanh nghiệp được thành lập năm 2012, trụ sở chính tại TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa và ngành nghề chính là xây dựng nhà các loại. Ngoài bất động sản, Á hậu Thiên Lý cũng lấn sân sang lĩnh vực giáo dục khi góp vốn thành lập Công ty TNHH Giáo dục Wisdomland vào năm 2016. Doanh nghiệp này sở hữu hệ thống 5 trường mầm non quốc tế tại TP.HCM. Á hậu Thiên Lý hiện vẫn nắm giữ 50% vốn góp tại Wisdomland.
Gia thế "khủng" ít người biết
Ít người biết rằng, gia thế của Á hậu Dương Trương Thiên Lý cũng rất đáng nể. Bố của Á hậu Thiên Lý là ông Dương Tiến Dũng, ông là giảng viên Đại học Khoa học tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM từ năm 1978-2014.
Sau khi nghỉ hưu, ông cùng một cổ đông khác lập ra CTCP Cấp thoát nước Thủy Anh; ngành nghề kinh doanh chính là khai thác, xử lý và cung cấp nước sạch. Tại thời điểm đó, ông Dũng nắm 91% vốn điều lệ (tương đương 455 tỷ đồng), còn cô con gái Dương Thị Duyên Hải nắm 4,5%, bà Nguyễn Thị Kim Phượng nắm 4,5% còn lại.
Năm 2015, ông Dũng và Cấp thoát nước Thủy Anh trở thành cổ đông lớn tại CTCP Cấp thoát nước Bình Định (mã chứng khoán: BDW) với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 5% và 24,9%. Ông Dũng từng là Thành viên HĐQT tại doanh nghiệp nhiệm kỳ 2015-2020.Tháng 8/2016, ông Dũng và con gái đã chuyển nhượng 91% vốn tại Cấp thoát nước Thủy Anh cho bà Trần Thị Y - người có cùng địa chỉ thường trú với ông Dũng. Sau 6 lần thay đổi đăng ký kinh doanh, Cấp thoát nước Thủy Anh vẫn có vốn điều lệ là 500 tỷ đồng.
Ngoài ra, gia đình Á hậu Dương Trương Thiên Lý còn có liên quan đến CTCP Cấp thoát nước Lâm Đồng (mã chứng khoán: LDW). Báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2023 của CTCP Cấp thoát nước Lâm Đồng cho biết ông Dũng từng là Thành viên HĐQT không điều hành của doanh nghiệp này. Ông trúng cử vào HĐQT từ tháng 6/2018 và hết nhiệm kỳ từ tháng 5/2023.
Ông Dũng đại diện cho CTCP Cấp thoát nước Thủy Anh sở hữu 15,87% tại CTCP Cấp thoát nước Lâm Đồng. Tại thời điểm 31/12/2023, CTCP Cấp thoát nước Thủy Anh góp 125 tỷ đồng trong số 788 tỷ đồng vốn điều lệ của CTCP Cấp thoát nước Lâm Đồng. Bà Trương Thị Mỹ An (vợ ông Dũng) cũng sở hữu 17,74% vốn cổ phần tại CTCP Cấp thoát nước Lâm Đồng.
Ngoài việc tham gia góp vốn, thành lập các công ty cung cấp nước sạch, bố mẹ của Á hậu Thiên Lý còn là cổ đông lớn của CTCP Chứng khoán Bảo Minh (mã chứng khoán: BMS) từ năm 2017-2018.Theo BCTC bán niên 2023 đã soát xét của BMS, tính đến ngày 30/6/2023, nhóm cổ đông của ông Dũng nắm giữ đến 70% vốn chủ sở hữu của BMS. Trong đó, ông Dũng sở hữu 23%, bà Mỹ An nắm giữ 23% và CTCP Rồng Ngọc nắm 24%.