Á hậu Thụy Vân nói gì về vai diễn trong phim 100 tỷ giống Trung Quốc?
Á hậu Thụy Vân có cuộc chia sẻ với Zing về bộ phim 'Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long'. Đây là bộ phim đầu tay và cũng là cuối cùng của người đẹp khi tham gia diễn xuất.
Năm 2009, Á hậu Thụy Vân được lựa chọn để vào vai Thanh Liên trong bộ phim 100 tỷ Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long. Đây bộ phim được dự kiến sản xuất nhằm phục vụ đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Tuy nhiên, khi ra mắt truyền thông, bộ phim bị chỉ trích vì phục trang, bối cảnh quá giống Trung Quốc. Trước làn sóng tranh cãi dữ dội, Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long bị hoãn sóng từ đó tới nay. Đây là bộ phim đầu tay và cũng là cuối cùng của Á hậu Thụy Vân.
Zing có cuộc trao đổi với Thụy Vân về vai diễn trong bộ phim này.
- Cơ duyên nào đưa chị tới với diễn xuất 11 năm trước?
- Năm 2010, trong không khí kỷ niệm đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhiều đoàn làm phim và nhà sản xuất ấp ủ thực hiện những bộ phim tái hiện lịch sử hào hùng của dân tộc.
Về cá nhân tôi, sau khi giành vị trí á hậu tại cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm 2008, tôi vẫn được đánh giá là có vẻ đẹp phúc hậu, tròn trịa. Vậy nên, khi Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long tổ chức casting, đoàn phim đã liên hệ mời tôi tới thử vai. Nhà sản xuất đánh giá cao gương mặt thuần Việt của tôi. Hơn nữa, họ cũng muốn có một nhân tố mới trong phim nên tôi được trao cho vai diễn Thanh Liên.
- Là một người đẹp đi đóng phim, chị phải đối mặt với những khó khăn như thế nào vào thời điểm đó?
- Tôi là kẻ tay ngang trong diễn xuất, không được học về khẩu hình hay cách nhả chữ như diễn viên chuyên nghiệp. Tuy nhiên, cũng may thời điểm đó phim truyền hình vẫn sử dụng công nghệ lồng tiếng nên tôi đã được hỗ trợ rất nhiều.
Nói về vai diễn, Thanh Liên có cuộc đời gian truân vất vả, gặp nhiều nghi kỵ, từng bị chà đạp, nhưng luôn giữ vững niềm tin vào tình yêu. Vì vậy, tôi gặp khó khăn trong việc lột tả nội tâm của Thanh Liên vì đó là lần đầu diễn xuất. Do cảm thấy có nhiều điểm chung với nhân vật, tôi đã vận dụng không ít tư liệu cảm xúc cá nhân khi hóa thân. Song, nhiều phân đoạn vẫn khiến tôi cảm thấy tiếc nuối và nghĩ rằng "giá như mình làm tốt hơn".
Các diễn viên trong Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long đều là những nghệ sĩ gạo cội. Ai cũng khiến tôi ấn tượng và cảm thấy muốn học hỏi. Trong phim, tôi chủ yếu tương tác với anh Tiến Lộc (vai vua Lý Công Uẩn). Anh đã truyền đạt cho tôi rất nhiều về kinh nghiệm chuyên môn.
Tôi bị góp ý về diễn xuất nhiều lần. Tôi vẫn nhớ có lần đạo diễn gọi tôi ra nói chuyện riêng. Ông hỏi tôi: "Bạn là ai". Với sự giúp sức của phiên dịch viên, tôi đáp rằng: "Tôi tên là Vân". Tuy nhiên, đạo diễn đã lắc đầu và bảo tôi không phải Vân, tôi là Thanh Liên. Lúc đó, tôi hiểu rằng mình cần phải quên bản thân và hóa thân vào Thanh Liên.
- Nhìn lại hình ảnh bản thân 11 năm trước, chị có suy nghĩ gì?
- Trong thời gian bấm máy, tôi ăn và ngủ nhiều, nhìn khá tròn trịa. Vào vai người phụ nữ thời xưa, tôi không được phép trang điểm đậm. Phần lông mi của tôi không dài nhưng vẫn phải kẻ mắt nhạt và không được gắn mi giả. Xem lại hình ảnh của mình trong phim tôi cảm thấy "không còn gì để nói" (cười).
- Kỷ niệm của chị về vai diễn đầu tiên và cuối cùng này?
- Tôi nhớ mãi về lần đón Tết ở nơi đất khách quê người. Hôm đó là 30 Tết, chuẩn bị bước sang năm 2010, chúng tôi vẫn đang ở bối cảnh - Hoành Điếm, Trung Quốc. Khi đó, những bác cao tuổi bản địa đã ra chợ và mua ít hoa quả cho đoàn chúng tôi. Đúng 11h30 (giờ Trung Quốc), anh em trong đoàn phim đều thắp hương và hướng về Việt Nam.
Ngoài ra, tôi còn nhớ về một phân cảnh diễn ra từ 7h sáng tới 4h sáng hôm sau, trong tiết trời âm 10 độ giá lạnh. Đó là cảnh quay ông của Thanh Liên (diễn viên Lê Văn Học) qua đời. Bác Học bị cao huyết áp nên không thể nằm dưới đất lạnh. Tôi phải ôm một cái chiếu, giả vờ là Thanh Liên đang thương tiếc người ông, rồi khóc vật vã.
- Khán giả đánh giá phim bị "Trung Quốc hóa" và phim bị hoãn sóng vô thời hạn. Suy nghĩ của chị?
- Tuy phim lấy bối cảnh Trung Quốc, chúng tôi vẫn có các nhà sử học đồng hành trong quá trình sản xuất. Đoàn làm phim lựa chọn sản xuất ở Hoành Điếm vì ở đây việc sắp đặt bối cảnh có phần tiện lợi. Họ có sẵn nhiều địa điểm có kiến trúc cung, đình. Hơn nữa, tại Trung Quốc cũng có nhiều đơn vị nhận đặt hàng theo yêu cầu, thiết kế đạo cụ phim cổ trang. Những tranh cãi xảy ra là điều ngoài dự tính, tôi cũng không có gì để lạm bàn thêm.
- Từng là á hậu, diễn viên và nay là người dẫn chương trình, đâu là vị trí thách thức nhất với chị?
- Tất cả đều từng là thách thức không nhỏ với tôi. Trên quan điểm cá nhân, tôi cho rằng mọi việc không còn là khó khăn khi mình đã chinh phục được nó. Vì vậy, trong 3 lĩnh vực được hỏi, điện ảnh có lẽ là khó khăn lớn nhất với tôi. Bởi vì, tời giờ, tôi vẫn chưa được xem bộ phim duy nhất mình đóng. Tôi chưa đánh giá được bản thân đã chinh phục được thử thách diễn xuất hay chưa.
- Đến nay, chị có còn giữ ý định làm diễn viên?
- Tôi đã từ bỏ diễn xuất từ lâu (cười).
- Những tranh cãi từ Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long khiến chị bỏ cuộc?
- Tôi nghĩ làm diễn viên phải có tài năng, năng khiếu. Người diễn viên cần có sự nhạy cảm trong tâm hồn, sự thấu hiểu và cả “sự quên” - quên bản thân để hóa thân vào nhân vật. Tới nay, tôi chưa từng có ý định tiếp tục với nghề diễn một phần vì không có duyên, phần còn lại do yêu cầu từ đài truyền hình nơi tôi làm việc.
Dẫn chính luận ở đài vẫn luôn có yêu cầu khắt khe. Chúng tôi không được phép đóng quảng cáo hay phim ảnh vì lãnh đạo đài không muốn khán giả bị nhầm lẫn giữa hình ảnh chính thống và cuộc sống đời tư của các MC. Hơn hết, tôi yêu con đường làm truyền hình hơn nên sau trải nghiệm đó, tôi chỉ muốn dành tâm sức cho công việc dẫn chương trình.
Bộ phim Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long được chỉ đạo bởi đạo diễn Tạ Huy Cường và đạo diễn Trung Quốc - Cận Đức Mậu, quy tụ các diễn viên: Tiến Lộc (vai vua Lý Công Uẩn), Hoàng Hải (vai vua Lê Hoàn), Phan Hòa (vai Dương Vân Nga), NSƯT Trung Hiếu (vai vua Đinh Bộ Lĩnh), Á hậu Thụy Vân (vai Thanh Liên).
Dự án phim lịch sử này được đầu tư 100 tỷ đồng sản xuất và quay tại trường quay Hoành Điếm, Trung Quốc. Phim gồm 19 tập lấy câu chuyện trung tâm xoay quanh nhân vật lịch sử Lý Công Uẩn và quyết định rời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Thăng Long.
Trước những tranh cãi từ dư luận, với nhiều chiều thông tin cho rằng bộ phim đã bị "Trung Quốc hóa", ngày 20/9/2010, phim nhận quyết định chính thức không được lên sóng truyền hình trong dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long. Tới nay, Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long vẫn chưa có kế hoạch phát sóng.