Ða Mi - xã vùng cao no ấm
Đa Mi, xã vùng cao của huyện Hàm Thuận Bắc giờ đã khác rất nhiều, một Đa Mi với màu xanh ngút ngàn. Màu xanh ở đây một phần của núi rừng, một phần do Đa Mi có rất nhiều vườn cây ăn trái, cây công nghiệp dài ngày. Theo Bí thư Đảng ủy Ngô Xuân Vân, đến nay sau gần 20 năm thành lập, Đa Mi có 2.307 ha cây trồng các loại. Trong đó, 1.620 ha cà phê cho thu hoạch, sầu riêng 645 ha, bơ 700 ha, điều 203 ha và lượng lớn cam, quýt. Ở Đa Mi gần như mùa nào thức ấy. Chưa kể người dân còn chăn nuôi các loại gia súc có sừng dưới tán rừng nên quanh năm có thu nhập. Đây là lý do vì sao, đến cuối năm 2019, Đa Mi được công nhận bình quân thu nhập của dân 41 triệu đồng/người/năm. No đủ, người dân đã cùng chính quyền tập trung xây dựng nông thôn mới mà rõ nhất là làm giao thông ở 4 thôn khó khăn về đi lại: Đaguri, La Dày, Đa Kim và Đa Tro; cũng như xây dựng trường lớp để con em không phải đi học xa. Nhân nói về làm đường nông thôn, Bí thư Ngô Xuân Vân, cho hay: Ở độ cao trên 500 m so với mặt biển, những con đường ở Đa Mi không bao giờ bằng phẳng. Lúc thì chạy trên đỉnh đồi, lúc len qua hẻm núi, lúc lao xuống trũng. Làm một con đường đi lại ở Đa Mi tốn 2 - 3 lần công so với đồng bằng. Đó là chưa nói về khó khăn trong vận chuyển vật tư. Thường là phải tập kết vật tư đầu mùa nắng và cũng thi công ngay sau đó. Gian nan là thế, nhưng nhờ sự đồng lòng; cũng như thấy rõ việc có đường kiên cố sẽ giúp ích cho vận chuyển nông sản thuận lợi nên 4.318 người dân trong xã đều chung sức, chung lòng đóng góp ngày công và tài chính, bên cạnh phần nhà nước hỗ trợ.
Ða Mi - xã vùng cao no ấm
Đến nay, toàn Đa Mi có gần 10 km đường bê tông, do dân đóng góp xây dựng. Đáng chú ý là 3 tổ: 4, 5, 6 của thôn Đa Kim, bốn bề là rừng cũng có đường. Nhờ đường bê tông, người dân sắm xe tải loại nhỏ vận chuyển nông sản đi Phan Thiết, Bảo Lộc, về Đà Lạt một cách nhanh chóng thay vì phải mất 1 - 2 ngày như trước đây. Điều này góp phần làm cho Đa Kim tuy là thôn xa nhất xã (20 km) nhưng lại có không ít nhà khá giả, giàu có. Có đường, trường học theo đường mọc lên. Hiện nay, các trường từ mẫu giáo đến trung học cơ sở của Đa Mi thu nhận trên 800 học sinh/năm. Chất lượng học tập theo đánh giá của Phòng Giáo dục huyện luôn cao về chất lượng. Không dừng lại đó, các chương trình y tế quốc gia được triển khai thực hiện hiệu quả nhờ vào mạng lưới y tế thôn và trạm y tế xã. Đến nay 99,9% số hộ trong xã đều sử dụng nước sạch, vì vậy gần như không xảy ra bệnh nhiễm trùng đường ruột trong dân.
Từ một xã thành lập sau khi có thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi, Đa Mi hiện nay mang bộ mặt của một địa phương no ấm. Đời sống kinh tế - văn hóa của dân khá lên. Trò chuyện với Bí thư Đảng ủy Ngô Xuân Vân vào những ngày sắp kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng tỉnh Bình Thuận (19/4/1975 - 19/4/2020), về cảm nhận của ông trước con đường đi lên của xã, ông Vân cho biết: Rất vui, nhưng không khỏi lo lắng vì con đường đi lên nào cũng gian nan, nhọc nhằn, đòi hỏi sự đồng cam cộng khổ của cán bộ và người dân địa phương. Tuy nhiên, không một khó khăn nào mà Đa Mi không quyết tâm vượt qua. Sắp tới, UBND xã có lẽ không tổ chức lễ kỷ niệm ngày 19/4 vì đang chống dịch, nhưng tinh thần về lễ kỷ niệm sẽ được thông báo đến dân để mọi người cùng vui chung và thêm nỗ lực vượt qua những khó khăn trước mắt.
Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/doi-song/%C3%B0a-mi-xa-vung-cao-no-am-126693.html