Ðà Nẵng giúp ngư dân vươn khơi bám biển
Hỗ trợ ngư dân tiếp tục vươn khơi, phát triển nghề đánh bắt xa bờ, nâng cao trình độ kỹ thuật đánh bắt, bảo quản, chế biến... TP Ðà Nẵng đã triển khai nhiều giải pháp giúp ngư dân giảm bớt khó khăn, phát triển nghề đánh bắt thủy sản theo hướng bền vững và làm chủ biển khơi, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.
Trở về sau chuyến đi biển dài ngày tại vùng biển Hoàng Sa, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá lớn nhất miền trung mang số hiệu ÐNa 90444 của thuyền trưởng Lê Văn Sang cập bến cá Thọ Quang (Ðà Nẵng) lúc bình minh, kịp nhập hàng cho các đầu mối công ty chế biến thủy sản đã chờ sẵn. Ðưa tay quệt vội mồ hôi trên trán, anh Sang chia sẻ: Chuyến này biển êm, các tổ tàu ngoài đó khai thác khá, mình cũng đỡ di chuyển nhiều. Hơn ba chục tấn hải sản tươi nguyên về đến bờ là bán hết ngay, lãi gần 50 triệu đồng. Khi mạnh dạn quyết định đầu tư làm ăn lớn, đóng con tàu dịch vụ hậu cần nghề cá lớn nhất ở vùng duyên hải miền trung trị giá gần 3,8 tỷ đồng, Lê Văn Sang được UBND thành phố Ðà Nẵng hỗ trợ tiền đóng mới lên đến 800 triệu đồng, cán bộ chuyên môn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo sát từng bước, tư vấn cụ thể về vật liệu, trang thiết bị kỹ thuật hàng hải, máy móc thiết bị trên tàu. Nhờ đó, tàu đóng mới công suất 1.200 CV, nhưng lượng tiêu hao nhiên liệu chỉ tăng thêm 20%, so với tàu 480 CV, lại chở được gần 70 tấn hàng, hiệu quả gấp ba lần. Chuyến đi ngày 9-5 vừa qua, mới thu được 16 tấn cá thì nhận tin báo có tàu QB 91256 bị gãy chân vịt, đang trôi trên biển cách Ðà Nẵng chừng 86 hải lý, lập tức anh ngừng thu mua, cho tàu từ Hoàng Sa quay vào lai dắt tàu bạn về cảng an toàn mà không nhận một đồng chi phí dầu máy, công sức nào.
Lê Văn Sang là một trong những ngư dân được chính quyền Ðà Nẵng hỗ trợ đóng mới tàu cá theo đề án "Nâng cao hoạt động đánh bắt hải sản trên địa bàn đến năm 2020". Ðây có thể coi là đề án "chuẩn hóa" nghề khai thác hải sản. "Chuẩn hóa", bởi đề án này đặt ra chỉ tiêu tổ chức đào tạo tay nghề hợp chuẩn cho 100% thuyền trưởng, máy trưởng, 70% tàu cá công suất từ 400 CV trở lên được trang bị thiết bị hỗ trợ kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm như: Máy dò cá ngang, tời thu lưới, máy liên lạc tầm xa định vị vệ tinh... Ngoài việc "chuẩn hóa" các tiêu chí về con người, trang bị kỹ thuật, đề án còn hướng đến xây dựng một đội tàu đánh bắt xa bờ khoảng 300 chiếc vào năm 2015 và 400 chiếc vào năm 2020. Ðề án cũng đặt ra chỉ tiêu, chuyển đổi cơ cấu nghề theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường...
Hiện nay, năng lực khai thác hải sản của Ðà Nẵng đang tăng nhanh, trong khi ngư trường khai thác hải sản chưa được mở rộng, làm mất cân đối giữa năng lực khai thác và nguồn lợi. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Ðà Nẵng Hồ Phó cho biết: Lý do chính là sự phát triển ồ ạt, tự phát của tàu thuyền công suất nhỏ, chủ yếu khai thác ven bờ; vừa làm cạn kiệt tài nguyên, vừa gây ra những sự cạnh tranh gay gắt. Tổng lượng tàu thuyền của thành phố là 1.370 chiếc, nhưng tàu đánh bắt xa bờ công suất 90 CV trở lên chỉ có 200 chiếc, còn lại là tàu nhỏ và ghe thúng đánh bắt gần bờ. Chính vì thế, bắt đầu từ năm 2012, Ðà Nẵng ưu tiên hỗ trợ đóng mới hoặc cải hoán tàu thuyền công suất từ 400 CV trở lên, để đủ sức vươn khơi, bám biển dài ngày. Mức hỗ trợ theo quy định cho tàu từ 400 đến dưới 600 CV là 500 triệu đồng, từ 600 CV đến dưới 800 CV là 600 triệu đồng và tàu 800 CV trở lên là 800 triệu đồng. Ngay khi có chủ trương, năm 2012, năm ngư dân đóng tàu mới được hỗ trợ tổng số tiền 3,2 tỷ đồng. Từ đầu năm 2013 tới nay, có bốn tàu đang được đóng mới với tiền hỗ trợ 2,8 tỷ đồng. Ðà Nẵng cũng cho lắp đặt thử nghiệm máy dò cá ngang trên ba tàu đánh bắt xa bờ, trị giá mỗi máy 295 triệu đồng, trong đó thành phố hỗ trợ một nửa, còn lại là tiền đối ứng của ngư dân. Ông Lê Văn Chiến ở tổ 4, phường Xuân Hà (quận Thanh Khê), chủ tàu cá tàu đánh bắt xa bờ ÐNa 90351, một trong ba tàu đầu tiên lắp đặt máy dò cá ngang cho biết: Nhờ sử dụng máy dò ngang, tàu ÐNa 90351 liên tục đạt năng suất cao, chuyến nào cũng thu khoảng 20 tấn. Năm 2012, tàu bám biển chín chuyến, đưa về hơn 170 tấn, trừ các khoản chi phí, lãi hơn một tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, bám biển bốn chuyến, sử dụng máy dò ngang, năng suất khai thác tăng gần gấp đôi so với trước đây, lại đỡ chi phí nhiên liệu nhờ ít phải di chuyển tìm luồng cá, thời gian bám biển cũng ngắn hơn.
Ðể giúp ngư dân tiếp cận với tiến bộ khoa học, kỹ thuật, Sở Khoa học - Công nghệ Ðà Nẵng cũng đang tiến hành thử nghiệm đề tài nghiên cứu "Sử dụng năng lượng điện quang và công nghệ LED cho tàu đánh bắt xa bờ". Kết quả thử nghiệm cho thấy, hệ thống pin năng lượng mặt trời lắp trên hai tàu cá ÐNa 90026 và ÐNa 90169 đã đáp ứng đủ nhu cầu điện sinh hoạt trên tàu như chạy máy tầm ngư, bộ đàm, ICOM, bơm nước mà không cần vận hành động cơ tàu. Qua đó, tiết kiệm mỗi chuyến đi biển từ ba đến bốn triệu đồng chi phí và bảo đảm việc liên lạc thường xuyên với đất liền, với các tàu bạn khi có sự cố. Ðối với hệ thống đèn LED dẫn dụ cá, thay cho hệ thống cao áp tiêu thụ lượng điện lớn, tốn nhiều dầu chạy máy, cho thấy ưu điểm hơn hẳn vì tiêu thụ ít điện năng, độ bền cao hơn hàng chục lần, đỡ tốn chi phí vận hành, bảo dưỡng. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất là giá thành quá cao. Ông Nguyễn Thân, ở tổ 28, phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà) chủ tàu ÐNa 90263 cho rằng, dù ưu thế vượt trội nhưng mỗi hệ thống đèn LED giá hàng tỷ đồng thì ngư dân không thể đủ nguồn lực đầu tư, mà hiệu quả thực tế cũng chưa như mong muốn.
Trong khuôn khổ Dự án "Hệ thống quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh" từ nguồn vốn vay ODA ưu đãi của Cộng hòa Pháp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, cuối năm 2012, Ðà Nẵng lắp thiết bị kết nối vệ tinh VMS cho 51 tàu cá công suất từ 90CV trở lên (chủ tàu là tổ trưởng tổ đoàn kết đánh bắt trên biển). Ngư dân Lê Văn Lễ, chủ tàu ÐNa 90352 cho biết: Thiết bị hoạt động hoàn toàn tự động, có khả năng chống va đập cao, thích ứng tốt với điều kiện môi trường biển và nhiệt độ cao, giúp tàu cá nắm thông tin kịp thời về tình hình thời tiết trên biển từ các đài thông tin trong đất liền, có thể gửi đi các tín hiệu yêu cầu hỗ trợ khẩn cấp (trong vòng 15 giây) khi tàu gặp sự cố, qua đó giúp các cơ quan chức năng xác định chính xác vùng biển để đưa ra các biện pháp xử lý, ứng cứu kịp thời.
Một trong những mục tiêu của đề án "chuẩn hóa" nghề khai thác hải sản mà Ðà Nẵng hướng đến, là giúp ngư dân làm chủ phương tiện, làm chủ ngư trường, am hiểu luật pháp Việt Nam và các quy định, công ước quốc tế khi hành nghề trên biển, chứ không chỉ dựa vào kinh nghiệm mang tính "cha truyền con nối". Vì thế, từ 2007, Ðà Nẵng triển khai chương trình đào tạo miễn phí cho 1.066 máy trưởng, thuyền trưởng tàu 20 CV trở lên, hỗ trợ 700.000 đồng/ngư dân theo học các lớp nâng cao trình độ, nhận thức về luật pháp, kiến thức về ngư trường, thời tiết, sử dụng thiết bị dò tìm luồng cá, liên lạc, bảo quản sản phẩm sau đánh bắt... Từ năm 2012, UBND thành phố Ðà Nẵng quyết định hỗ trợ 100% chi phí mua bảo hiểm tai nạn cho thuyền viên tàu đánh cá xa bờ công suất từ 50 CV trở lên. Mức phí bảo hiểm là 64.000 đồng/thuyền viên/năm. Theo đó, hơn 3.000 lao động làm việc trên các tàu cá của Ðà Nẵng (kể cả lao động ngoại tỉnh) được hưởng chính sách hỗ trợ này. Các chủ tàu sẽ được chọn một trong hai hình thức mua bảo hiểm gồm mua trọn gói theo số lượng thuyền viên trên tàu hoặc mua cho từng thuyền viên, tạo điều kiện cho ngư dân yên tâm bám tàu, bám biển. Ðể nâng cao hiệu quả khai thác hải sản, giảm thiểu rủi ro về người và tài sản trên biển cho ngư dân, từ mô hình tổ đội tàu thuyền đoàn kết đánh bắt trên biển, thành phố đã ban hành "Quy chế tổ chức đánh bắt hải sản trên biển theo hình thức tổ". Ðây là cơ sở tạo khung pháp lý cho việc hình thành các tổ khai thác hải sản, chuyển hoạt động khai thác đơn lẻ thành tổ chức, nghiệp đoàn khai thác hải sản; hỗ trợ tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; hỗ trợ vốn để mua ngư lưới cụ, trang bị phục vụ sản xuất; hỗ trợ nhau về mặt tinh thần; hỗ trợ kết nối thông tin giữa tàu với tàu, giữa biển với đất liền và được đất liền hỗ trợ thông tin về dự báo thời tiết, hướng dẫn phòng, chống thiên tai,... Sau khi Tổ khai thác được thành lập và hoạt động đã nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng của đông đảo bà con ngư dân.
Trên địa bàn Ðà Nẵng hiện có hơn 20 doanh nghiệp chế biến hải sản xuất khẩu tập trung tại Khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Thọ Quang, phần lớn các doanh nghiệp đã năng động tìm kiếm thị trường, sản phẩm có mặt ở tất cả các thị trường khó tính nhất trên thế giới như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản... Khu tổ hợp dịch vụ hậu cần nghề cá tại phường Thọ Quang, quận Sơn Trà có sức chứa cho 1.000 tàu, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư nâng cấp, mở rộng thành cảng cá loại I cấp quốc gia. Ðến năm 2015, cảng cá sẽ đáp ứng nhu cầu neo đậu, cung cấp lương thực, nước ngọt, đá cây, xăng dầu cho khoảng 150.000 đến 200.000 lượt tàu mỗi năm. Ðội tàu dịch vụ hậu cần trên biển của Ðà Nẵng hiện có bốn chiếc, thường xuyên ra khơi thu mua hải sản ngay trên biển, cung cấp nhiên liệu, nhu yếu phẩm, nước đá, nước ngọt, thuốc men, hỗ trợ sửa chữa hư hỏng nhỏ, chở ngư dân đau ốm hoặc lai dắt tàu bị nạn vào bờ. Nhờ đó, ngư dân có thể bám ngư trường dài ngày hơn, chi phí sản xuất thấp hơn, thu nhập cũng cao hơn. Thành phố đang vận động và hỗ trợ ngư dân tiếp tục đóng thêm tàu dịch vụ hậu cần, phấn đấu đến 2015 có mười chiếc công suất lớn, đủ đáp ứng nhu cầu vận chuyển hải sản từ khơi xa về bờ trong thời gian sớm nhất.
Việc TP Ðà Nẵng phê chuẩn và thực thi Ðề án "Nâng cao hoạt động đánh bắt hải sản trên địa bàn đến năm 2020", là nhằm hướng đến mục tiêu phát triển nghề khai thác hải sản mang tính chính quy, chuyên nghiệp; đưa khai thác hải sản trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng của địa phương. Với truyền thống, kinh nghiệm, kết hợp với nguồn lực hỗ trợ từ chính quyền, ngành chức năng, ngư dân Ðà Nẵng đang ngày càng khai thác có hiệu quả nguồn lợi biển, góp phần bảo vệ tài nguyên và chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
THANH TÙNG
Theo
Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/kinhte/tin-tuc/item/20330902-.html