Ả Rập Saudi bị tấn công, vùng Vịnh thêm căng thẳng
Tehran cảnh báo mọi căn cứ, tàu sân bay Mỹ đều nằm trong tầm bắn của tên lửa Iran và họ luôn sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh toàn diện sau khi bị tố có trách nhiệm trong vụ tấn công 2 cơ sở của Tập đoàn Dầu khí nhà nước Ả Rập Saudi
Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman hôm 14-9 khẳng định với Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng quốc gia của ông "sẵn sàng" đáp trả đợt không kích trước đó cùng ngày do nhóm vũ trang Houthi được Iran hậu thuẫn ở Yemen nhận trách nhiệm. "Ả Rập Saudi sẵn sàng và đủ khả năng đáp trả cuộc tấn công khủng bố này" - Thái tử Mohammed bin Salman tuyên bố.
Đáp lại, Tổng thống Donald Trump khẳng định Mỹ sẵn sàng hợp tác với Ả Rập Saudi để bảo đảm an ninh cho quốc gia này, đồng thời nhấn mạnh cuộc tấn công nêu trên đã làm tổn hại kinh tế Mỹ và thế giới.
Những tuyên bố trên được đưa ra không lâu sau khi nhóm vũ trang Houthi nhận trách nhiệm đợt không kích, nói rằng 10 máy bay không người lái (UAV) đã được triển khai để tấn công 2 cơ sở của Tập đoàn Dầu khí nhà nước Ả Rập Saudi Aramco tại Abqaiq và Khurais.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo quy trách nhiệm vụ việc cho Iran khi khẳng định nước này vừa thực hiện "một cuộc tấn công chưa từng có" nhằm vào chuỗi cung cấp năng lượng thế giới giữa lúc các bên đang kêu gọi xuống thang căng thẳng ở Trung Đông. "Tehran đứng sau gần 100 cuộc tấn công ở Ả Rập Saudi trong lúc Tổng thống Iran Hassan Rouhani và Bộ trưởng Ngoại giao Mohammad Javad Zarif vờ như đang tham gia vào các nỗ lực ngoại giao" - ông Pompeo khẳng định trên mạng xã hội Twitter hôm 14-9.
Cùng ngày, Tổng thống Donald Trump cho biết ông đã bàn bạc với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu về việc ký kết Hiệp ước Phòng thủ chung (MDT) để thắt chặt hơn nữa quan hệ đồng minh 2 nước. Theo Reuters, một số quan chức Israel đã thúc đẩy ý tưởng xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa Thủ tướng Netanyahu và chính quyền Tổng thống Donald Trump để thiết lập một hiệp ước phòng thủ chung chính thức, tập trung đặc biệt vào việc bảo đảm Israel sẽ được Mỹ hỗ trợ quân sự trong trường hợp xung đột nổ ra với Iran.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi hôm 15-9 khẳng định Tehran không liên quan đến các cuộc tấn công nêu trên, đồng thời chỉ trích các cáo buộc của Mỹ là "vô căn cứ".
Cùng ngày, Tư lệnh Lực lượng Không gian thuộc Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) - ông Amirali Hajizadeh - cảnh báo mọi căn cứ và tàu sân bay Mỹ đều nằm trong tầm bắn của tên lửa Iran. Ngoài ra, theo hãng thông tin Tasnim, ông Hajizadeh còn tuyên bố Iran luôn sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh toàn diện, song ông không đề cập đến các cuộc tấn công ở Ả Rập Saudi hôm 14-9.
Trước những diễn biến nêu trên, Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc (LHQ) về Yemen - ông Martin Griffiths - đã thể hiện sự "quan ngại sâu sắc", đồng thời kêu gọi các bên xuống thang căng thẳng, tránh làm phức tạp thêm tình hình trong lúc LHQ đang nỗ lực tìm ra một giải pháp chính trị cho "xung đột vũ trang nhiều phe phái" ở Yemen, vốn đã khiến hàng chục ngàn người thiệt mạng và đẩy hàng triệu người đến bên bờ nạn đói.
Trong những tuần qua, một mặt trận mới đã nổ ra giữa quân chính phủ Yemen được quốc tế công nhận và các tay súng ly khai ở miền Nam nước này.
Giá dầu thế giới có nguy cơ tăng mạnh
Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi Abdulaziz bin Salman hôm 15-9 khẳng định đợt tấn công nêu trên đã làm gián đoạn tạm thời khoảng 50% khả năng sản xuất dầu của nước này, tương đương 5% sản lượng dầu mỗi ngày của thế giới. "Đợt tấn công này không chỉ nhằm vào các cơ sở quan trọng của Ả Rập Saudi mà còn nhằm vào an ninh và chuỗi cung cấp dầu thế giới, gây đe dọa kinh tế toàn cầu" - ông Abdulaziz bin Salman khẳng định, đồng thời cho biết Tập đoàn Aramco đang nỗ lực khắc phục thiệt hại và sẽ ra tuyên bố cập nhật tình hình trong 2 ngày tới.
Trong khi đó, ông Jason Bordoff, Trường ĐH Columbia (Mỹ), nhận định giá dầu thế giới sẽ tăng mạnh sau đợt tấn công nêu trên bởi Abqaiq "có lẽ là nhà máy lọc quan trọng nhất đối với chuỗi cung cấp dầu thế giới".
Theo Reuters, các cuộc tấn công nhằm vào 2 nhà máy lọc quan trọng của Tập đoàn Aramco ở Abqaiq và Khurais đã biến Mỹ thành quốc gia duy nhất đủ khả năng xoa dịu chuỗi cung cấp dầu toàn cầu thông qua 2 giải pháp: Gia tăng sản lượng nội địa và nới lỏng lệnh trừng phạt cho các quốc gia xuất khẩu dầu khác.