Ác mộng bắt nạt trên mạng có thể thành tấn công ngoài đời

Nhiều người lợi dụng tính ẩn danh trên mạng để thỏa sức bắt nạt, chỉ trích người khác. Tuy nhiên, cấm tài khoản ẩn danh không phải biện pháp tốt nhất để giải quyết điều này.

Ngày 23/8, nền tảng Weibo ở Trung Quốc cho hay sẽ thử nghiệm việc thông báo hoạt động bình luận của người dùng tại trang cá nhân, qua đó cảnh báo mọi người thận trọng trong việc phát ngôn trên nền tảng, nỗ lực hạn chế bạo lực mạng.

Cụ thể, khi người dùng bình luận dưới một số bài đăng nhất định, hoạt động này sẽ được hiển thị lại trên chính trang cá nhân của họ.

Tính năng này sẽ áp dụng cho một số người dùng trong giai đoạn thử nghiệm và cho bình luận trên các phương tiện truyền thông, tài khoản chính phủ, theo Sixth Tone.

Weibo cho biết tính năng này sẽ “thúc đẩy sự tham gia tích cực và thân thiện hơn trong các cuộc thảo luận công khai”.

“Nó sẽ kiềm chế bạo lực mạng và loại bỏ rủi ro ở giai đoạn đầu càng nhiều càng tốt. Mọi người phải chịu trách nhiệm về phát ngôn của mình ở cả đời thực và trên mạng”.

 Weibo thử nghiệm tính năng thông báo hoạt động bình luận của người dùng trên trang cá nhân họ. Ảnh minh họa: AFP.

Weibo thử nghiệm tính năng thông báo hoạt động bình luận của người dùng trên trang cá nhân họ. Ảnh minh họa: AFP.

Bạo lực mạng hay bắt nạt trên mạng từ lâu trở thành vấn đề đau đầu tại nhiều quốc gia, nhất là ở các nền tảng có tính ẩn danh. Một trong số những giải pháp thường xuyên được đề xuất là yêu cầu sử dụng, công khai thông tin cá nhân thật, để người dùng có trách nhiệm và cẩn trọng hơn với lời nói của mình.

Tuy nhiên, đây không phải biện pháp tốt nhất và có thể giải quyết triệt để vấn đề, thậm chí có thể đẩy một số nhóm yếu thế vào nguy cơ bị xác định danh tính và tấn công ngược lại.

Sức mạnh sau những bình luận ẩn danh

Giữa tháng 7, Zheng Linghua (23 tuổi), sinh viên vừa tốt nghiệp đại học ở Chiết Giang (Trung Quốc) đăng lên mạng bức ảnh chụp chung với người ông đang bị bệnh phải nằm viện.

Tuy nhiên, kỷ niệm vui nhanh chóng biến thành cơn ác mộng đối với Zheng khi một số dân mạng bắt đầu tấn công cô vì mái tóc nhuộm hồng. Những người dùng ẩn danh gọi cô là “gái quán bar”, “gái điếm” hay “ác quỷ” và chỉ trích cô không đủ tiêu chuẩn trở thành giáo viên tương lai.

 Zheng bị nhiều người chỉ trích chỉ vì nhuộm tóc hồng. Ảnh: Weibo.

Zheng bị nhiều người chỉ trích chỉ vì nhuộm tóc hồng. Ảnh: Weibo.

Một số người còn lấy cắp hình ảnh của Zheng để quảng cáo khóa học trực tuyến, bịa ra câu chuyện xuyên tạc như người đàn ông già yếu kết hôn với cô gái trẻ hay tạo ra mối liên hệ giữa mái tóc hồng và gái mại dâm.

Theo SCMP, rất khó để cô đưa được ai ra tòa, trừ khi việc lạm dụng dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như tự sát vì không dễ để truy tìm và chứng minh danh tính những kẻ đứng sau các tài khoản.

Liu Xuezhou (17 tuổi) cũng là nạn nhân của những bình luận giấu mặt. Liu bị cha mẹ bán đi từ khi mới lọt lòng và mất bố mẹ nuôi sau một tai nạn vào năm 2009. Đầu năm nay, nhờ đăng video lên mạng, cậu tìm lại được gia đình ruột song hai người sớm đã ly hôn và có mái ấm khác nên từ chối chăm sóc Liu.

Sau đó, Liu tranh cãi với bố mẹ và bị họ đăng bài tố lên mạng.

Chàng trai 17 tuổi bị nhiều dân mạng chỉ trích là ích kỷ. Cuối cùng, không chịu nổi sức ép dư luận, Liu tự tử sau khi để lại bức thư dài 7.000 chữ kể về tuổi thơ mất mát, bị bắt nạt, lạm dụng và trầm cảm.

Hồi tháng 4, khi thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) bị phong tỏa, một phụ nữ ở quận Hồng Khẩu nhờ được một shipper giao đồ ăn cho người bố già yếu vì cô không thể rời nhà. Sau 4 tiếng di chuyển, thậm chí phải dắt bộ xe 2 km vì hết điện, nam tài xế đã giao thành công đơn hàng.

 Nhờ tính ẩn danh, hàng trăm, nghìn người thỏa sức chửi bới người khác trên mạng. Ảnh minh họa: radiomundial.

Nhờ tính ẩn danh, hàng trăm, nghìn người thỏa sức chửi bới người khác trên mạng. Ảnh minh họa: radiomundial.

Sau khi gửi thêm 200 nhân dân tệ cho người shipper vì cảm kích, cô gái chia sẻ câu chuyện lên mạng song không ngờ hứng chỉ trích. Dù cô giải thích đã tặng số tiền lớn nhất có thể vì đang khó khăn, nhiều người vẫn nói cô keo kiệt với cả ân nhân, thậm chí đào lại biên lai cũ của cô trong các đợt mua sắm và trò chơi điện tử để chứng minh cô không nghèo.

Cuối cùng, do đả kích quá lớn, cô gái đã nhảy lầu tự tử từ chính tòa nhà mình sinh sống.

Theo Wu Changchang, phó giáo sư báo chí tại Đại học Sư phạm Hoa Đông, tính ẩn danh của mạng xã hội đã giải phóng người dùng khỏi những ràng buộc của các nguyên tắc đạo đức truyền thống, bao gồm cả nhu cầu giữ thể diện và tôn trọng người khác.

“Họ không thấy nghĩa vụ phải tuân theo những điều tốt đẹp của xã hội trong không gian mạng”, Wu nói trên Sixth Tone.

Lợi bất cập hại

Theo tạp chí New Statesman, cấm tài khoản ẩn danh không phải biện pháp tốt nhất và có thể giải quyết triệt để vấn đề bạo lực mạng, thậm chí có thể đẩy một số nhóm yếu thế vào nguy cơ bị xác định danh tính và tấn công ngược lại, chưa kể đến nguy cơ bị đánh cắp thông tin cá nhân.

Sau vụ nghị sĩ Anh David Amess bị kẻ lạ mặt đâm tử vong trong một cuộc gặp mặt với các cử tri hồi tháng 10/2021, tạp chí này đã đánh giá cảm xúc ở nội dung của 2,3 triệu tweet nhắm vào các nghị sĩ kể từ đầu năm 2021. Kết quả cho thấy “tức giận” là cảm xúc chủ đạo được phát hiện ở 31% tweet.

Trong khi 32% tweet từ tài khoản ẩn danh được xếp vào nhóm tức giận, 30% tweet từ các tài khoản có đầy đủ họ tên cũng vậy. Tương tự, 5,6% tweet từ các tài khoản ẩn danh có chứa từ chửi thề, chỉ cao hơn một chút so với 5,3% của các tài khoản rõ tên.

Ở một ví dụ khác, sau thất bại của tuyển Anh tại chung kết Euro 2020 trên chấm luân lưu, Marcus Rashford, Jadon Sancho và Bukayo Saka, 3 cầu thủ đá hỏng 11 m, đều hứng chịu chỉ trích, nhận nhiều bình luận miệt thị từ các cổ động viên.

Trước tình trạng này, nhiều ý kiến cho rằng áp dụng chính sách tên thật sẽ khiến người dùng mạng có trách nhiệm hơn với các bình luận của mình. Tuy nhiên, Twitter cho biết 99% tài khoản bị khóa do có bình luận sai phạm là tài khoản có thể nhận dạng được. Do đó, chỉ xác minh ID dường như khó có thể ngăn tình trạng bạo lực mạng xảy ra.

 Cấm tài khoản mạng xã hội ẩn danh không phải là phương pháp hữu hiệu nhất để ngăn bạo lực mạng. Ảnh minh họa: Unplash.

Cấm tài khoản mạng xã hội ẩn danh không phải là phương pháp hữu hiệu nhất để ngăn bạo lực mạng. Ảnh minh họa: Unplash.

Bên cạnh đó, việc yêu cầu sử dụng tên thật sẽ gây ảnh hưởng đến các cộng đồng bị thiệt thòi và những người dễ bị tổn thương, theo Polpeo.

Mạng xã hội từ lâu đã trở thành nơi để nhiều thành viên cộng đồng LGBTQ+ gặp gỡ những người chung hoàn cảnh, bởi không phải ai trong số đó cũng có thể tự do làm vậy ngoài đời. Việc phải sử dụng tên thật có thể phá hủy không gian này.

Ở một số quốc gia nơi LGBTQ+ thậm chí bị xem là phạm tội, việc tiết lộ danh tính trên mạng có thể trở thành mối đe dọa thực sự đối với cuộc sống và quyền tự do của nhóm này.

Ngoài ra, còn có các vấn đề đối với nạn nhân của bạo lực gia đình, tội phạm rình rập, những người đang dùng mạng xã hội với biệt danh thay vì tên riêng trong giao tiếp để không bị kẻ lạm dụng phát hiện, quấy rối cả trên mạng và ngoài đời.

Hơn nữa, có không ít người dựa vào việc ẩn danh để có thể thoải mái theo đuổi các sở thích cá nhân, sáng tác nghệ thuật, viết truyện giả tưởng hay lập kênh YouTube. Nhiều người không dám dùng tên thật vì sợ cấp trên, bạn bè hay gia đình đánh giá, bị mất việc hoặc phân biệt đối xử.

Mạng xã hội cần giải quyết vấn đề bạo lực mạng, nhưng cấm ẩn danh không phải là phương án để đạt được điều đó, Polpeo nhận định.

Mai An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ac-mong-bat-nat-tren-mang-co-the-thanh-tan-cong-ngoai-doi-post1349059.html