Ác mộng bóng bổng của tuyển Việt Nam

Từ thời HLV Troussier đến Kim Sang-sik, đội tuyển Việt Nam vẫn chưa thể vá lỗ hổng trong các pha bóng từ trên cao.

 Tuyển Việt Nam luôn nhận bàn thua từ bóng bổng. Ảnh: Việt Linh.

Tuyển Việt Nam luôn nhận bàn thua từ bóng bổng. Ảnh: Việt Linh.

Cuộc khủng hoảng của đội tuyển Việt Nam kéo dài từ tháng 9/2023 đến nay vẫn tiếp diễn dưới thời HLV Kim Sang-sik. Sau khi thua 10 trong số 11 trận dưới “triều đại” ông Philippe Troussier, đội tuyển Việt Nam tưởng như đã tìm thấy ánh sáng khi thắng 3-2 trong trận ra mắt của HLV Kim. Tuy nhiên, đà thất bại đã trở lại với 3 trận thua liên tục trước Iraq, Nga và Thái Lan.

Ác mộng bóng bổng

Dù khả năng tấn công đã cải thiện với 5 bàn trong 4 trận gần nhất, hàng thủ vẫn đầy rẫy lỗ hổng khi để thua tới 10 bàn, trung bình mỗi trận lọt lưới 2,5 bàn. Tấm lá chắn kiên cố từng lập nhiều kỷ lục phòng ngự trong giai đoạn đỉnh cao của HLV Park Hang-seo đã không còn.

Điểm yếu chí mạng dễ thấy của đội tuyển Việt Nam là khả năng phòng ngự bóng bổng, khi toàn đội để thủng lưới 3 bàn trước Philippines, Thái Lan và Nga đều từ những pha bóng trên không.

Trong khi bàn thua bóng bổng trước Nga xuất phát từ quả tạt ở góc gần, hai lần vào lưới nhặt bóng trước các đội Đông Nam Á lại đến từ những tình huống đá phạt cố định giống hệt nhau. Bóng được treo về phía cột xa để một cầu thủ nhảy lên đánh đầu làm tường, rồi đồng đội ập vào dứt điểm. Vấn đề này xuất hiện từ thời HLV Troussier, nhưng ông Kim chưa thể tìm ra lời giải thỏa đáng.

 Tình huống Văn Lâm giật mình dẫn đến lao ra thụ động trong bàn thua đầu ở trận gặp Nga. Ảnh: Việt Linh.

Tình huống Văn Lâm giật mình dẫn đến lao ra thụ động trong bàn thua đầu ở trận gặp Nga. Ảnh: Việt Linh.

Vấn đề trước tiên của đội tuyển Việt Nam nằm ở chiều cao của hàng trung vệ, khi thiếu một “cây sào” chống bóng bổng đúng nghĩa.

Thời ông Troussier còn nắm quyền, bộ ba phòng ngự quen thuộc gồm Bùi Hoàng Việt Anh, Phan Tuấn Tài và Nguyễn Thanh Bình, trong đó Tuấn Tài chỉ cao 1,76m, không giỏi tranh chấp bóng bổng. Việt Anh là trung vệ hiếm hoi giỏi chơi đầu, bên cạnh Thanh Bình không chiến ở mức tạm ổn.

Để khỏa lấp điểm yếu, ông Kim đã triệu tập Nguyễn Thành Chung, một trong những trung vệ chơi đầu tốt nhất. Song, với chỉ 2, 3 cầu thủ thực sự chơi đầu tốt, đội tuyển Việt Nam không thể thiết lập thế trận phòng ngự trên cao đủ an toàn. Đây là lỗi cá nhân, nhiều hơn chiến thuật tập thể.

HLV Kim Sang-sik lý giải: “Các cầu thủ Việt Nam nếu rèn luyện có thể sẽ tì đè, tranh chấp tốt như Thái Lan. Đây là giai đoạn V.League tạm nghỉ, nên họ chưa có thể trạng tốt”.

Chiều cao hàng thủ đội tuyển Việt Nam không đủ lý tưởng (chỉ cao xấp xỉ 1,8 m) là nguyên nhân. Tuy nhiên, tranh chấp bóng bổng không chỉ đòi hỏi chiều cao, mà còn là khả năng chọn điểm rơi, độ dày cơ thể, kỹ năng bật nhảy và tì đè. Đây mới là vấn đề của đội tuyển Việt Nam, hay nhìn rộng hơn là bóng đá Việt Nam hiện tại.

 Hàng thủ tuyển Việt Nam có Thành Chung và Ngọc Hải chơi ổn, nhưng chưa đủ để gánh cả hệ thống. Ảnh: Việt Linh.

Hàng thủ tuyển Việt Nam có Thành Chung và Ngọc Hải chơi ổn, nhưng chưa đủ để gánh cả hệ thống. Ảnh: Việt Linh.

Chiều cao là chưa đủ

Các cầu thủ không đủ dày người để tranh chấp sòng phẳng với đối thủ. Đơn cử ở trận đấu với Thái Lan, cầu thủ Việt Nam thua hầu hết pha tranh chấp quan trọng cả trong phòng ngự lẫn tấn công.

Tình huống Thanh Bình bất lực trước pha bật nhảy dũng mãnh của Patrick Gustavsson, hay Bùi Vĩ Hào vượt qua hậu vệ Thái Lan, nhưng sau đó trượt trụ với chỉ một pha tì của đối thủ là ví dụ. Một khi tranh chấp thua toàn diện, rất khó triển khai lối chơi, dù kiểm soát bóng để tấn công hay phòng ngự phản công.

Có nhiều lý do khiến đội tuyển Việt Nam mong manh ở các pha tranh chấp. Cơ địa bẩm sinh, khả năng tập luyện thể lực ở CLB, dinh dưỡng và môi trường thi đấu đóng vai trò chìa khóa.

Yếu tố đầu tiên, các nước như Indonesia hay Thái Lan đã khắc phục bằng cách đưa về những cầu thủ mang dòng máu nước ngoài, có sẵn thể hình lý tưởng với thân trên rất dày. Gustavsson của Thái Lan, hay Ivar Jenner, Justin Hubner của Indonesia là minh chứng.

Yếu tố thứ hai và ba, các đội V.League còn rất kém, khi rất ít đội có HLV thể lực, dinh dưỡng cũng không đảm bảo từ lứa trẻ cho đến chuyên nghiệp.

Còn yếu tố cuối, nhìn cách các đội Việt Nam “khoán” việc tranh chấp bóng bổng cho ngoại binh là đủ hiểu. V.League có 14 đội thì có phân nửa cho trung vệ ngoại đá chính.

Những bàn thua bóng bổng chỉ là đầu ra của hệ thống bóng đá xưa nay chưa đề cao khoa học trong dinh dưỡng, tập luyện, mà huấn luyện bằng chủ nghĩa kinh nghiệm. Lỗ hổng xuất phát từ bản chất bóng đá, khó mong HLV Kim giải quyết triệt để.

Trà Giang

Nguồn Znews: https://znews.vn/ac-mong-bong-bong-cua-tuyen-viet-nam-post1497004.html