'Ác mộng' mang tên phim trường của đạo diễn Việt
Phim trường dựng lên lại bị 'chết yểu' là câu chuyện buồn của nền điện ảnh - truyền hình Việt trong nhiều năm qua.
Việc thiếu phim trường ảnh hưởng rất lớn đến các tác phẩm điện ảnh, truyền hình và thực sự là cơn “ác mộng” đối với các nhà làm phim Việt.
Phải sửa kịch bản nếu không tìm được bối cảnh
Trước đây, Đài HTV từng có phim trường ở huyện Củ Chi, TP HCM nhưng không có đủ kinh phí xây dựng. Đài HTV3 từng làm phim trường cho phim “Dù gió có thổi”, Hãng Chánh Phương có phim trường của “Cá Rô, em yêu anh”… nhưng chỉ theo một số dự án, được một thời gian phải dừng, không được đầu tư. Hãng Vifa có phim trường tại quận 7, TP HCM cho các phim: “Mùi ngò gai”, “Gia đình phép thuật”… nhưng cũng lụi tàn vì không có phim đầu tư.
Năm 2015, khi Dự án Trường quay phim cổ trang Việt Nam (tại xã Thượng Yên Công, TP Uông Bí) được UBND tỉnh Quảng Ninh giao Công ty CP Việt Nam Tinh Hoa làm chủ đầu tư, giới làm phim đã khấp khởi mừng. Tuy nhiên, phim trường này tiếp tục rơi vào tình trạng “chết từ trong trứng nước” khi vừa dựng lên lại bị phá bỏ. Lý do vì dự án chậm tiến độ 1 năm 6 tháng và không được UBND tỉnh Quảng Ninh xem xét gia hạn thời gian thực hiện theo đề xuất của nhà đầu tư.
Nhiều năm qua, các đạo diễn Việt vẫn luôn phải mỏi mắt đi tìm bối cảnh cho các bộ phim của mình. Đến ngay hãng phim lớn như VFC cũng rất nhiều lần bị khán giả “bắt lỗi” khi một số bối cảnh quen thuộc xuất hiện liên tục từ phim này sang phim khác.
Đạo diễn Trần Bửu Lộc (phim “Tấm Cám: Chuyện chưa kể”; “Kiều”) thừa nhận, bối cảnh luôn là công đoạn tốn nhiều thời gian nhất, đặc biệt với các dòng phim cổ trang. Để tìm được bối cảnh ưng ý, anh phải đi dọc các tỉnh thành từ Nam ra Bắc trong suốt 6 tháng trời. Mỗi bối cảnh có khi phải đi lại tới 10 lần mới có thể quyết định lựa chọn. Thậm chí, nếu không tìm được bối cảnh ưng ý, anh buộc phải sửa kịch bản và tình trạng này xảy ra thường xuyên.
Việc có phim trường không chỉ giúp đạo diễn bớt nặng gánh mà còn nâng cao chất lượng và tiết kiệm chi phí, thời gian trong quá trình ghi hình. Đặc biệt, việc quay ở phim trường có thuận lợi là không bị ảnh hưởng bởi yếu tố thời tiết, không bị tiếng ồn để có thể thực hiện thu tiếng đồng bộ, tối ưu cho những phân cảnh nội.
Đạo diễn Phương Điền cũng chia sẻ: “Trước đó, quá trình tìm bối cảnh bộ phim truyền hình “Tiếng sét trong mưa” (được phóng tác từ tác phẩm sân khấu nổi tiếng “Lôi Vũ”) cũng gặp rất nhiều khó khăn. Ê-kíp đã phải chạy vạy khắp nơi, thậm chí phải nhờ đến mối quan hệ mới có được những bối cảnh mong muốn. Một trong những lý do khiến kinh phí tăng lên chính là do không có phim trường”.
Trông người mà ngẫm đến ta
Thực tế, từ thời bao cấp Nhà nước đã quan tâm đầu tư cho điện ảnh khi cho xây dựng các phim trường tại số 4 Thụy Khuê và Cổ Loa (Hà Nội), tại Hãng phim Giải phóng và Hãng Phim Nguyễn Đình Chiểu (TP HCM)... Đến những năm 90 của thế kỷ trước, một số phim trường tư nhân được dựng ở TP HCM, song tất cả chỉ theo một số dự án rồi lại nằm “đắp chiếu”.
Trong khi đó, Trung Quốc nổi tiếng với phim trường Hoành Điếm, Hàn Quốc có phim trường Suncheon ở tỉnh Jeollanam-do, với diện tích gần 39.600m2, bao gồm 200 ngôi nhà và những con phố được xây dựng đậm chất thời xưa. Những phim trường tại đây không những “sáng đèn” từ tối tới khuya mà còn được khai thác nhằm thúc đẩy ngành du lịch văn hóa, lịch sử.
Điển hình như phim “Ký sinh trùng” càn quét các giải thưởng danh giá quốc tế, chính quyền thành phố Goyang (Hàn Quốc) đã nhanh chóng triển khai kế hoạch phát triển khu phức hợp văn hóa ở Studio Goyang với quy mô khoảng 247.000m2 xung quanh nơi này, biến đây trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn du khách. Hay các phim trường Suncheon, Seorak, Ongjin-gun… nhiều năm qua cũng mở các tour du lịch, thu vé tham quan, chụp ảnh kết hợp kinh doanh dịch vụ ăn uống, cho thuê trang phục...
Từng được đào tạo về phim trường ở Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ… đạo diễn Phương Điền nhận định, phim trường ở những nước này được xây dựng và đầu tư một cách bài bản. Đơn cử, hầu hết các tỉnh của Hàn Quốc đều có một phim trường chuyên nghiệp, các đơn vị sản xuất phim chỉ cần lựa chọn phim trường phù hợp nhất với bối cảnh, nội dung tác phẩm của mình.
Trong khi đó, phim trường tại Việt Nam chỉ làm theo từng dự án riêng lẻ, còn lại đi xin bối cảnh thực tế như nhà hàng, biệt thự có sẵn… “Các nhà làm phim Việt có tâm lý không thích quay ở phim trường vì nơi đây thường không toát được cái hồn từ cảnh thật, vật thật. Chi phí thuê lại khá cao, cộng thêm với việc phải dựng lại và bổ sung rất nhiều mới ra được bối cảnh như ý muốn. Đó là lý do bất cứ tỉnh, thành nào trong cả nước cũng có thể thành phim trường, việc thuê mướn nhà dân hay trường học, bệnh viện, công ty để ghi hình vẫn được ưa chuộng”, đạo diễn phim “Tiếng sét trong mưa” nói.
Đồng quan điểm, bà Bích Liên - Giám đốc công ty Mega GS thừa nhận, nếu thuê phim trường chỉ là một bãi đất trống, ê-kíp phải tiến hành xây dựng mọi thứ thì chi phí sẽ đội lên rất nhiều: “Nếu cái gì cũng phải xây dựng, làm mới thì thà thuê nhà thật, bối cảnh thật còn hơn!”.
Sẽ là điều đáng tiếc khi một nền điện ảnh - truyền hình trải qua hàng chục năm phát triển mà không có lấy phim trường chuyên nghiệp đúng nghĩa. Đạo diễn Trần Bửu Lộc vẫn trăn trở: “Những người làm nghề như chúng tôi cần lắm một phim trường chuyên nghiệp, đặc biệt phim trường liên quan đến lịch sử như ở Đại nội Huế để có thể làm được nhiều tác phẩm điện ảnh chất lượng, quảng bá văn hóa Việt Nam”.
Dự án Trường quay phim cổ trang Việt Nam nằm trong Khu di tích và rừng quốc gia Yên Tử, với diện tích 14,6ha. Trong đó, khu phim trường chính có diện tích trên 6,1ha, được thiết kế với mô hình “Kinh thành Thăng Long thu nhỏ” với trên 40 hạng mục. Dự án vốn được kỳ vọng là phim trường cổ trang chuyên nghiệp đầu tiên và lớn nhất Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay dự án bị chậm tiến độ 1 năm 6 tháng, dẫn đến tình trạng bị xóa bỏ. Điều này dẫn tới dự án phim truyền hình “Phật hoàng Trần Nhân Tông” dài 45 tập (đạo diễn NSƯT Văn Lượng) cũng bị trì hoãn vô thời hạn sau 5 năm chuẩn bị.