Taliban hiện đã bắt tay vào quá trình "xây dựng thương hiệu" trong mắt cộng đồng quốc tế, một trong những việc đầu tiên là tìm cách loại bỏ tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) - đối thủ đáng gờm.
Trên thực tế, mục tiêu tương tự cũng được theo đuổi bởi Washington, nếu thành công trong cuộc chiến chống khủng bố IS sẽ giúp ích rất nhiều cho chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden trước bối cảnh những lời chỉ trích ngày càng tăng về "thất bại" tại Afghanistan.
Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa ra những tín hiệu ngụ ý rằng Washinton có ý định hỗ trợ chính quyền mới tại Kabul. Mặc dù cả thế giới đều nhớ đến mối thù "truyền kiếp" giữa họ với Taliban sau sự kiện ngày 11/9/2001.
Nếu có hành động chung giữa Mỹ và Taliban thì nó sẽ nằm trong khuôn khổ chiến thuật "liên minh vì sự thuận tiện". Washington gần đây đang xem xét hình thức tốt nhất để tiến hành hợp tác như vậy.
Có lẽ đó là lý do tại sao những bước đi thận trọng đang được thực hiện, đầu tiên là thăm dò trên các phương tiện truyền thông, để phân tích tất cả những ưu và khuyết điểm của "tình bạn" công khai giữa hai kẻ thù không đội trời chung trong quá khứ.
Sự khởi đầu hợp tác có thể là việc xảy ra vụ tấn công ở Kabul. Nhóm khủng bố IS nhận trách nhiệm cho cái chết của 13 binh sĩ Mỹ, sau đó Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin tiết lộ Lầu Năm Góc đang đối thoại với Taliban - mặc dù trong"phạm vi hẹp".
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân, tướng Mark A. Milli cũng không trực tiếp phủ nhận triển vọng có thể phối hợp hành động chung với Taliban nếu điều này là cần thiết để tiêu diệt cái gọi là Nhà nước Hồi giáo tỉnh Khorasan (IS-K).
Theo các báo cáo không chính thức, Taliban đã cung cấp cho Mỹ dữ liệu tình báo từ máy bay không người lái thu được gần Jalalabad và Kabul. Theo thời gian, lực lượng này tổ chức nhiều cuộc tấn công lẻ tẻ vào các vị trí của quân khủng bố.
Nhận xét về khả năng tham vấn hiệu quả cũng như trao đổi thông tin hoạt động giữa Mỹ và Taliban đã được lên tiếng nhiều lần ở cấp chuyên gia cao.
Chuyên gia Farana Jeffrey - Phó giám đốc bộ phận chống khủng bố khu vực Nam Á thuộc Trung tâm phân tích “Thần học Hồi giáo về chống khủng bố” cùng với ông Michael Kugelman, một thành viên cấp cao tại Trung tâm Woodrow Wilson Washington về Nam Á đã bày tỏ quan điểm tương tự.
"Ý tưởng về việc Mỹ hợp tác với một tổ chức đã giết hại binh lính của họ trong gần hai thập kỷ chắc chắn là điều khó chịu. Nhưng một lần nữa, lợi ích thường quan trọng hơn đạo đức trong quan hệ quốc tế".
"Mỹ sẽ hợp tác với Taliban nếu họ tin rằng lực lượng này có thể thúc đẩy tốt nhất lợi ích của mình trong việc giảm thiểu mối đe dọa từ IS-K", các chuyên gia kết luận.
Sự tham gia của Mỹ - Taliban trong việc chống lại IS không phải bắt đầu trong một sớm một chiều: những dấu hiệu đầu tiên của sự hội tụ lợi ích đã xuất hiện vài năm trước, khi Taliban tiến hành những cuộc tấn công ở tỉnh Nangarhar, miền Đông Afghanistan, giáp biên giới Pakistan.
Cuối cùng, hành động trên của Taliban đã giúp loại bỏ các thành viên IS khỏi Nangarhar và Kunar - mặc dù chỉ có những suy đoán về khả năng đóng góp của tình báo Mỹ trong việc đánh bại những kẻ khủng bố.
Tuy nhiên để xác định đầy đủ chức năng và vai trò của mình trong các hoạt động ở Afghanistan, Lầu Năm Góc trước tiên sẽ phải điều phối việc cung cấp thông tin trong hàng ngũ của mình.
Tại cuộc họp báo ngày 26/8, Tư lệnh Bộ chỉ huy Trung tâm - Tướng Mackenzie đã lặp lại những tuyên bố trước đó của ông rằng Taliban đang nhận được "sự hỗ trợ hạn chế" từ người Mỹ. Đồng thời nhấn mạnh thông tin được chia sẻ theo phương thức rất đặc biệt.
Sau những tiết lộ như vậy, Tổng thống Joe Biden buộc phải nói rằng ông ta được hướng dẫn bởi sự cân nhắc về an ninh và tuân thủ lợi ích quốc gia, sử dụng tất cả phương án có thể trong cuộc chiến chống khủng bố quốc tế, với điều kiện có lợi cho nước Mỹ.
Sự công nhận của công chúng trong việc hợp tác với phía Mỹ không chắc sẽ giúp Taliban cải thiện chất lượng hình ảnh quốc tế của họ, nhưng vẫn là yếu tố không thể thiếu đối với lực lượng đang cầm quyền tại Afghanistan.
Cần lưu ý, sự hợp tác giữa Mỹ và Taliban có thể trở thành ác mộng đối với Liên minh phương Bắc, khi quân kháng chiến tại Panjshir vẫn mong nhận được hỗ trợ quân sự từ Washington.
Khi công khai hợp tác với Taliban, gần như không thể có chuyện Mỹ sẽ cung cấp viện trợ trực tiếp cho lực lượng kháng chiến đang cố thủ tại Thung lũng Panjshir.
Bạch Dương