Ðặc sản trà Mã Dọ trên núi Cù Mông

Từ trà Mã Dọ, người dân cho ra đời sản phẩm rượu Quán Ðế trà Mã Dọ được nhiều khách thập phương ưa thích. Ảnh: NGÔ XUÂN

Cứ vào tiết lập xuân, người dân xã Xuân Lộc, TX Sông Cầu lại nô nức rủ nhau lên các ngọn núi trên đỉnh Cù Mông hái trà Mã Dọ. Từ trà này chế biến thành loại thức uống quen thuộc, giá trị.

Trà Mã Dọ là một loại trà xanh, mọc tự nhiên trên các đỉnh núi cao từ 500-700m so với mặt nước biển; rải rác ở các đỉnh núi giáp ranh giữa Phú Yên và Bình Ðịnh. Trà Mã Dọ ngon nhất khi được hái vào mùa xuân (từ lúc lập xuân đến hết tháng 3 âm lịch).

LẬP XUÂN, ÐI HÁI “LỘC TRỜI”

Hiện cả xã Xuân Lộc có khoảng 60 người làm nghề hái trà núi, chủ yếu ở thôn Long Bình. Trà Mã Dọ mọc tự nhiên trên các dãy núi cao, hưởng nước trời, sương sớm, nên số lượng không nhiều. Bình quân mỗi ngày, một người đi hái trà chuyên nghiệp cũng chỉ hái được khoảng 1-4kg trà tươi (4kg trà tươi được 1kg trà khô); người không chuyên thì chỉ được phân nửa.

Trà hái về, người ta chọn những búp trà non xé nhỏ rồi rải ra cho héo. Sau 2 giờ, những ngọn trà hơi héo được mang ra vò, chà cho đến khi ngọn trà nhàu nát sẽ được ủ chín trong 3-4 giờ. Khi trời vừa sáng thì trà được phơi nắng cho chín tới, có mùi thơm là được. Ðiểm khác biệt của trà Mã Dọ là lá trà khô có màu đen, khi pha sẽ ra màu đen rồi nhạt dần thành màu hồng cánh sen rất đẹp mắt. Khi uống, trà có vị chát nhẹ, sau đó chuyển sang vị ngọt, hương thơm lưu giữ rất lâu.

“Nếu không biết vò, ủ đúng cách, trà không chín và có mùi hôi ê, vị trà cũng nhạt nhẽo, khó uống. Người làm nghề vừa phải tỉ mỉ, vừa có kỹ thuật và thực sự có tình yêu trà mới làm được ra đúng vị trà ngon”, bà Trần Thị Hạnh, người đã gắn bó cả đời với nghề hái và chế biến trà núi ở Xuân Lộc, cho hay.

Nhiều năm nay, người dân Xuân Lộc sử dụng trà Mã Dọ như một loại thuốc chữa ho và các bệnh liên quan đến tiêu hóa. Người ta dùng lá trà già vò nấu nước tắm để chữa ghẻ, ngứa, rôm sảy cho trẻ em hoặc lấy lá trà tía cho phụ nữ mới sinh uống lợi sữa, ăn ngon, ngủ tốt. Gần đây, một số hộ dân ở xã Xuân Lộc còn khéo léo ngâm trà Mã Dọ với rượu Quán Ðế, cho ra đặc sản rượu Quán Ðế trà Mã Dọ. Hiện trà Mã Dọ có giá từ 1,6-2,5 triệu đồng/kg tùy thời điểm.

ƯỚC MƠ BẢO TỒN GIỐNG TRÀ QUÝ

Một “thợ” hái trà chuyên nghiệp hái trà Mã Dọ trên đỉnh núi cao hơn 700m. Ảnh: NGÔ XUÂN

Một “thợ” hái trà chuyên nghiệp hái trà Mã Dọ trên đỉnh núi cao hơn 700m. Ảnh: NGÔ XUÂN

Với phần lớn người dân xã Xuân Lộc, trà núi Mã Dọ là “lộc trời” và đang đứng trước nguy cơ suy kiệt. Hiện nay, số gốc trà tự nhiên chỉ còn một phần rất nhỏ sau khi bị tàn phá bởi chiến tranh, nạn cháy rừng, đốt than...

Tương truyền, ngày xưa vua Gia Long trên đường đi đã dừng ngựa nghỉ ngơi ở khu vực đèo Cù Mông. Người dân nơi đây đã hái trà dâng vua uống và nhà vua rất thích. Từ đó, người dân đặt tên cho loại trà này là trà Mã Dọ (tức dừng ngựa).

Dường như có dự cảm về tương lai suy kiệt của giống trà quý, hơn 40 năm trước, ông Nguyễn Nhi (ở xã Xuân Lộc) đã ấp ủ giấc mơ bảo tồn cây trà Mã Dọ. Thuở nhỏ theo cha lên núi hái trà, ông Nhi đã nhổ nhiều cây trà con về trồng. Ðến nay, gia đình ông sở hữu vườn trà núi hơn 300 gốc. “Khi ấy, cây trà núi rất nhiều; mọi người đổ xô đi hái, bẻ cành, chặt cả cây xuống để hái ngọn, thậm chí đốt làm củi than. Dần dà, diện tích vùng trà tự nhiên ngày càng thu hẹp. Chứng kiến cảnh này, tôi rất xót xa nên cố gắng mang cây nhỏ về chăm sóc, nhưng vì không hợp khí hậu nên đến nay chỉ còn hơn 300 gốc; mỗi gốc cũng có đến trên 30 tuổi. Hiện mỗi năm vườn trà “trả lộc” cho vợ chồng tôi vài chục ký trà khô”, ông Nhi chia sẻ.

Gắn bó với nghề hái trà núi từ nhỏ, ông Từ Văn Mười ở thôn Long Thạnh cũng luôn ước mơ trồng và bảo tồn giống trà quý. Năm 2018, ông Mười được phân công dẫn đoàn công tác của Sở KH-CN đi khảo sát giống trà núi này. Họ đã lấy mẫu, thử nghiệm nuôi cấy mô tạo cây con để bảo tồn giống trà quý. Ông Mười cũng mang một số cây con về ươm trồng thử nghiệm; đến nay được khoảng 5 sào, đang phát triển tốt. Hiện ông Mười đang tiếp tục phát dọn khoảng 5ha rẫy của gia đình trên đỉnh núi Suối Ngổ để trồng cây trà núi, nhằm tạo môi trường tự nhiên để giữ được độ chát, độ ngọt tự nhiên của cây trà.

Năm 2018, Sở KH-CN tổ chức đoàn khảo sát giống trà Mã Dọ tại xã Xuân Lộc và lấy cây giống về nghiên cứu, nuôi cấy mô; mục đích là nhân giống, tạo cây con cho người dân trồng và chăm sóc. Dự kiến năm 2020, đơn vị sẽ triển khai mô hình này để bảo tồn giống trà quý.

NGÔ XUÂN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/234285/%C3%B0ac-san-tra-ma-do-tren-nui-cu-mong.html