ACB báo lãi bán niên gần 10.700 tỷ bất chấp áp lực NIM
Trong bối cảnh thu nhập lãi thuần suy yếu trong nửa đầu năm, đóng góp tích cực của các nguồn thu ngoài lãi trở thành động lực tăng trưởng lợi nhuận cho ACB.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2025 mới công bố, trong quý vừa qua, Ngân hàng TMCP Á Châu (mã: ACB) ghi nhận lợi nhuận trước thuế hơn 6.093 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2024.
Trong khi thu nhập lãi thuần trong quý giảm 6% xuống 6.684 tỷ đồng, thu nhập ngoài lãi trở thành điểm sáng với mức tăng trưởng tích cực 68%. Trong đó, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng 57%, hoạt động khác lãi gấp gần 3 lần cùng kỳ đạt 813 tỷ đồng. Các hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh và chứng khoán đầu tư đều khởi sắc khi chuyển từ lỗ thành lãi lần lượt 37 tỷ đồng và 446 tỷ đồng. Chỉ riêng hoạt động dịch vụ suy giảm 33%, mang về 585 tỷ đồng.
Cùng với việc tiết giảm chi phí dự phòng rủi ro trong bối cảnh chất lượng tài sản ổn định, lợi nhuận trước thuế quý II của ACB đạt hơn 6.093 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, ACB báo thu nhập lãi thuần đạt 13.043 tỷ đồng, giảm gần 6% so với cùng kỳ, một phần do tăng trưởng tín dụng thận trọng và áp lực biên lãi thuần (NIM). Ước tính NIM quý II/2025 của ACB đạt khoảng 3%, gần như đi ngang so với quý I và giảm từ mức khoảng 3,6% hồi cuối năm 2024.
Tuy nhiên với động lực từ nguồn thu ngoài lãi tích cực, lợi nhuận trước thuế bán niên của ACB đã đạt 10.690 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ và hoàn thành khoảng 46% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Tại thời điểm 30/6/2025, tổng tài sản của ACB đạt 933.541 tỷ đồng, tăng 8% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng đạt 633.749 tỷ đồng, tăng 9,1% so với đầu năm, phản ánh mức tăng thận trọng so với các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý II đến nay.
Trước đó, kết thúc quý I, tăng trưởng tín dụng của ACB đạt 3,1%, thấp hơn so với tăng trưởng toàn hệ thống là 3,9%, một phần do đặc thù tín dụng thấp điểm trong quý đầu năm với các ngân hàng bán lẻ. Trong một báo cáo gần đây, Chứng khoán DSC kỳ vọng tín dụng của ACB sẽ trở lại đà tăng bền vững trong các quý tiếp theo, nhưng lưu ý một số yếu tố có thể gây áp lực lên việc gia tăng tín dụng của ngân hàng bao gồm biên lãi thuần (NIM) có mức giảm mạnh hơn so với trung bình ngành trong quý đầu năm do áp lực giảm lãi suất cho vay cũng như sự phục hồi chậm hơn của mảng cho vay cá nhân...
Một điểm sáng là chất lượng tài sản duy trì phong độ ổn định trong nửa đầu năm. Dư nợ xấu tại thời điểm cuối quý II/2025 (không bao gồm các khoản cho vay ký quỹ của ACBS) là 7.965 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ nợ xấu khoảng 1,28%, cải thiện đáng kể so với mức 1,51% hồi đầu năm. Trong một vài quý gần đây, tỷ lệ nợ xấu tại ACB luôn ở top thấp nhất trong số các ngân hàng bán lẻ.
Huy động vốn (bao gồm tiền gửi khách hàng và phát hành giấy tờ có giá) đạt 706.960 tỷ đồng, tăng 10,6% so với đầu năm. Tỷ lệ CASA đạt 22,6%, tăng nhẹ so với quý I và gần tương đương mức CASA tại cuối năm 2024.
Tỷ lệ LDR thuần tại cuối quý II/2025 đã tăng lên 111,7% từ mức 108,1% hồi đầu năm. Ngân hàng tiếp tục tăng cường phát hành giấy tờ có giá trong nửa đầu năm, đạt 139.553 tỷ đồng, tăng 37% so với đầu năm và tăng 22% so với quý trước.
Việc COF của huy động từ giấy tờ có giá cao hơn cũng là một nguyên nhân góp phần gây áp lực lên NIM. Theo chia sẻ từ Ban lãnh đạo, việc đẩy mạnh phát hành giấy tờ có giá nhằm để giảm áp lực huy động từ thị trường 1. Cụ thể, đối với kỳ hạn dài thì ACB không đẩy mạnh huy động trên thị trường 1 mà tăng cường phát hành giấy tờ có giá.
Ban lãnh đạo ACB cho hay việc đẩy mạnh phát hành giấy tờ có giá nhằm giảm áp lực huy động từ thị trường 1. Cụ thể, đối với kỳ hạn dài, ACB không đẩy mạnh huy động trên thị trường 1 mà tăng cường phát hành giấy tờ có giá.