Những ngân hàng đầu tiên công bố lợi nhuận quý II/2025: Tăng nhiều hơn giảm
Các ngân hàng bắt đầu công bố kết quả kinh doanh quý II và lũy kế 6 tháng đầu năm cho thấy, lợi nhuận của các nhà băng vẫn tăng trưởng đáng kể.

Lợi nhuận phân hóa
Cụ thể, VPBank cho biết, lợi nhuận trước thuế hợp nhất nửa đầu năm đạt 11.229 tỷ đồng, tăng trưởng 30% so với cùng kỳ, thực hiện 44% kế hoạch cả năm. Riêng trong quý II/2025, Ngân hàng ghi nhận lợi nhuận ở mức 6.215 tỷ đồng, tăng 38,2% so với cùng kỳ năm trước.
Động lực tăng trưởng của VPBank đến từ cả ngân hàng mẹ và các công ty thành viên. Ngân hàng riêng lẻ tiếp tục đóng vai trò trụ cột, với lợi nhuận trước thuế đạt 5.753 tỷ đồng trong quý II, tăng trưởng 61%. VPBankS báo cáo lãi kỷ lục trong nửa đầu năm nay với gần 900 tỷ đồng, tăng 80%. FE Credit có lãi quý thứ 5 liên tiếp, đạt 270 tỷ đồng trong nửa đầu năm.
ACB cũng vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2025 với lợi nhuận trước thuế trong quý đạt 6.093 tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ, là ngân hàng tư nhân có lợi nhuận lớn thứ ba sau Techcombank và VPBank tính đến thời điểm hiện tại.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của ACB ở mức 10.690 tỷ đồng, tăng 1,9% so với cùng kỳ, thực hiện được 46,5% kế hoạch cả năm. Tính đến ngày 30/6/2025, tổng tài sản của ACB đạt 933.541 tỷ đồng, tăng 8%. Dư nợ tín dụng của Ngân hàng ở mức 633.749 tỷ đồng, tăng 9,1% so với đầu năm. Trong khi đó, tiền gửi khách hàng tăng 5,6%, đạt 567.407 tỷ đồng.
Nam A Bank cho biết, 6 tháng đầu năm ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt trên 2.500 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2024. Kết quả trên góp phần giúp ROE duy trì mức gần 20%, ROA đạt 1,5%.
Tương tự, TPBank cũng đã hé lộ kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2025, với lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt trên 4.100 tỷ đồng, tăng hơn 12% so với cùng kỳ. Tăng trưởng tín dụng 6 tháng đạt gần 11,7%, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực bán lẻ, bất động sản có kiểm soát và tài chính tiêu dùng có NIM cao.
VietABank báo cáo tài chính quý II/2025 với lợi nhuận trước thuế đạt 361 tỷ đồng, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 283 tỷ đồng, tăng 14,4%. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế Ngân hàng đạt 714 tỷ đồng, tăng gần 27% so với cùng kỳ năm trước.
Kienlongbank cho biết, lợi nhuận trước thuế hợp nhất quý II/2025 đạt 565 tỷ đồng, tăng 67,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức lợi nhuận theo quý cao nhất của Ngân hàng kể từ quý I/2021. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng ở mức 921 tỷ đồng, tăng 67%. Với kết quả trên, Kienlongbank đã thực hiện được gần 67% kế hoạch kinh doanh năm 2025 với mục tiêu lãi trước thuế 1.379 tỷ đồng.
PGBank công bố báo cáo tài chính quý II/2025 với lợi nhuận trước thuế đạt 188 tỷ đồng, tăng 98,3% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 150 tỷ đồng, tăng 98,1%. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng ở mức 284 tỷ đồng, tăng 34,7%; lợi nhuận sau thuế đạt 227 tỷ đồng, tăng 34,5% so với cùng kỳ.
NCB ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý II/2025 ước đạt hơn 311 tỷ đồng và lũy kế 6 tháng ước đạt hơn 462 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 6 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2024. Tổng tài sản tại 30/06/2025 ước đạt hơn 144.054 tỷ đồng, tăng 21,6% so với cuối năm 2024 và vượt 6,3% so với mức kế hoạch cả năm 2025 là 135.500 tỷ đồng.
Techcombank cũng công bố báo cáo tài chính quý II/2025 với lợi nhuận trước thuế đạt 7.899 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước và lũy kế 6 tháng đạt 15.135 tỷ đồng, giảm 3,2% so với cùng kỳ.
Còn tại LPBank, Ngân hàng ghi nhận lãi trước thuế quý II/2025 đạt 2.988 tỷ đồng, giảm 1,5% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 2.396 tỷ đồng, giảm 1,1%. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế LPBank ở mức 6.164 tỷ đồng, tăng 4,1%; lợi nhuận sau thuế đạt 4.930 tỷ đồng, tăng 4,4% so với cùng kỳ. Với kết quả trên, 6 tháng, Ngân hàng đã hoàn thành 41,5% kế hoạch năm.
Bức tranh nợ xấu
Tính đến ngày 30/6, tổng tài sản của LPBank tăng 1% so với cùng kỳ, đạt 513.613 tỷ đồng. Trong khi đó, cho vay khách hàng tăng 11,2%, cao hơn đáng kể so với mức tăng trưởng chung của toàn ngành (9,9%). Tiền gửi khách hàng đạt 313.174 tỷ đồng, tăng 10,6% từ đầu năm đến nay. Về chất lượng tài sản, số dư nợ xấu Ngân hàng tăng 23,3%, lên 6.480 tỷ đồng kéo theo tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,58% lên 1,76% tính đến cuối tháng 6/2025.
Tổng tài sản Nam A Bank cuối tháng 6/2025 đạt gần 315.000 tỷ đồng, tăng hơn 30% so đầu năm. Trong khi đó, dư nợ tín dụng đạt gần 193.000 tỷ đồng, tăng trưởng 14,7% so với đầu năm, huy động từ các tổ chức kinh tế và dân cư đạt gần 211.000 tỷ đồng tăng mạnh hơn 22% so với đầu năm.
Theo Nam A Bank, chất lượng tài sản của Ngân hàng cũng đang cải thiện dần, khi nợ nhóm 2 (trước CIC) đã giảm đáng kể từ mức 1,47% ở đầu năm 2025 xuống mức 0,62%, tỷ lệ nợ xấu (từ nhóm 3 đến nhóm 5) ở mức 2,63%. Tính đến cuối tháng 6, tỷ lệ cho vay trên huy động (LDR) được Nam A Bank kiểm soát ở mức 67,17%. Tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giảm từ 22,33% xuống còn mức 21,94%.
Số dư nợ xấu (từ nhóm 3 đến nhóm 5) của ACB ở mức 7.964 tỷ đồng, giảm 7,9% so với cuối năm trước, kéo theo tỷ lệ nợ xấu giảm về mức 1,26%. Trong đó, nợ nhóm 5 giảm hơn 12,6% so với cuối năm trước, từ 6.748 tỷ đồng xuống 5.894 tỷ đồng.
Tại VietABank, tính đến ngày 30/6, số dư nợ nhóm 3 đến nhóm 5 của Ngân hàng ở mức 972 tỷ đồng, giảm 11% so với đầu năm. Cả ba nhóm nợ nói trên đều đồng thời sụt giảm so với đầu năm, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) giảm mạnh nhất (67%), từ gần 14 tỷ đồng về còn hơn 4 tỷ đồng.
Agribank cho biết, lũy kế 6 tháng đầu năm, nguồn vốn huy động của Ngân hàng đạt trên 2,1 triệu tỷ đồng, tăng 6,4% so với đầu năm, cao nhất từ năm 2021 trở lại đây, trong đó tiền gửi dân cư chiếm tỷ trọng lớn; dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 1,85 triệu tỷ đồng, tăng 7,6% so với đầu năm, cao hơn cùng kỳ 2024. Trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt hơn 1,13 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ trọng trên 61% dư nợ nền kinh tế.
Trong khi đó, 6 tháng đầu năm, dư nợ tín dụng tại VietinBank tăng trưởng ước đạt 10% so với cuối năm 2024; nguồn vốn huy động tăng ước đạt hơn 9%. Mặc dù không công bố chi tiết con số lợi nhuận cụ thể nhưng lãnh đạo Vietinbank cho hay, lợi nhuận trước trích lập dự phòng rủi ro tiếp tục tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2024. Theo số liệu từ báo cáo tài chính hợp nhất nửa đầu năm 2024, chỉ tiêu này của VietinBank đạt 28.826 tỷ đồng.
Vietcombank cũng cho biết, Ngân hàng đã hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kinh doanh trong nửa đầu năm nay. Tổng tài sản ước đạt trên 2,1 triệu tỷ đồng, tăng 1,8% so với cuối năm 2024; tổng dư nợ cấp tín dụng đối với nền kinh tế sau khi hỗ trợ VCBNeo ước tăng hơn 5,0% so với cuối năm 2024, cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng chất lượng, hiệu quả, bền vững. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức dưới 1%, thấp nhất trong số các tổ chức tín dụng quy mô lớn. Tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu đạt xấp xỉ 219%, cao nhất hệ thống ngân hàng. Thu nợ ngoại bảng đạt 1.900 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2024; Tỷ lệ CIR được kiểm soát tốt và dự kiến giảm so với cuối năm 2024.
Giới phân tích cho rằng, với mục tiêu tín dụng 16% ngành ngân hàng đưa ra cho năm nay không khó để đạt, do đó lợi nhuận của ngành ngân hàng cũng sẽ được tác động tích cực. Bởi nợ xấu phần nào được đẩy nhanh khi Nghị quyết 42 được luật hóa, các ngân hàng sẽ có cơ hội giảm dự phòng rủi ro, thu hẹp khoảng cách lợi nhuận, dù NIM đối mặt co hẹp.