ACV rót vốn khủng vào dự án sân bay Long Thành và Tân Sơn Nhất

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) là 'gã khổng lồ' trong ngành hàng không với giá trị vốn hóa gần 7,7 tỷ USD. ACV đang triển khai loạt dự án với tổng mức đầu tư lên đến 138 ngàn tỷ đồng. Trong đó, dự án sân bay Long Thành và Tân Sơn Nhất được kỳ vọng về đích trước thời hạn.

Trong 3 tháng đầu năm 2024, cổ phiếu Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (Mã Upcom: ACV) đã tăng hơn 30%, đang nằm ở vùng giá cao nhất từ khi niêm yết trên sàn Upcom với giá khoảng 86.000 đồng/cp. Qua đó giá trị vốn hóa của ACV cũng theo đó tăng thêm gần 44.000 tỷ (~2 tỷ USD), lên trên 188.000 tỷ đồng (~7,7 tỷ USD).

Như vậy, ACV đang có giá trị vốn hóa gần gấp đôi của Viettel Global (VGI), Masan Consumer (MCH) và gấp hơn 3 lần giá trị của Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), VEAM (VEA),… Doanh nghiệp này hiện đang ở vị trí thứ 5 trong danh sách các doanh nghiệp lớn nhất toàn sàn chứng khoán, đứng trên hàng loạt cái tên "đình đám" như Hòa Phát, Vingroup, Vinamilk, VPBank, Techcombank,… Chỉ kém "Big 3" ngành ngân hàng Vietcombank, BIDV, VietinBank và Vinhomes.

 Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam quyết tâm đẩy nhanh tiến độ hai dự án sân bay Long Thành và Tân Sơn Nhất.

Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam quyết tâm đẩy nhanh tiến độ hai dự án sân bay Long Thành và Tân Sơn Nhất.

ACV đang triển khai đồng loạt các dự án với tổng mức đầu tư là 138.000 tỷ đồng trên tổng số 165.000 tỷ đồng của cả giai đoạn 2021-2025. Lãnh đạo ACV cho biết, doanh nghiệp này quyết tâm đưa hai dự án trọng điểm là Tân Sơn Nhất và Long Thành về đích trước 2 tháng.

Cụ thể, với dự án nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, nhu cầu đưa dự án vào khai thác sớm là rất cấp thiết nhằm giảm tải cho nhà ga T1. Vì vậy, lãnh đạo Chính phủ đề nghị ACV cần phấn đấu rút ngắn tiến độ, hoàn thành và đưa vào khai thác công trình trước ngày 30/4/2025, chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước (ngày 30/4/1975).

Về tiến độ dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, đây là dự án quan trọng quốc gia, đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2017, Thủ tướng Chính phủ duyệt dự án đầu tư từ năm 2020 nhưng quá trình triển khai giai đoạn đầu rất chậm do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chủ quan của chủ đầu tư.

Trên công trường xây dựng sân bay Long Thành hiện có hơn 4.000 kỹ sư, công nhân trong nước và quốc tế cùng khoảng 2.000 máy móc, trang thiết bị được huy động để phục vụ thi công tận dụng mùa khô để bứt tốc ở các hạng mục. Các mũi thi công cũng được triển khai tối đa, thi công ngày đêm liên tục với mục tiêu cao nhất là đẩy nhanh tiến độ.

Dự kiến, dự án sân bay Long Thành sẽ hoàn thành toàn bộ phần xây dựng, trước tháng 12/2025, hoàn thành lắp dựng mặt đứng trước tháng 3/2026 song song với công tác hoàn thiện, lắp đặt thiết bị vận hành thử (test) từ đầu năm 2026.

ACV được thành lập vào năm 2012 trên cơ sở hợp nhất Tổng Công ty Cảng Hàng không Miền Bắc, Tổng Công ty Cảng Hàng không miền Trung và Tổng Công ty Cảng Hàng không Miền Nam. Tổng Công ty chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ năm 2016. ACV là đơn vị duy nhất quản lý, vận hành và khai thác toàn bộ hệ thống 22 Cảng hàng không quốc tế và quốc nội trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Tổng công ty hiện có 2 công ty con là Dịch vụ Nhiên liệu Hàng không Nội Bài (NAFSC) và Dịch vụ Bảo dưỡng máy bay Cảng hàng không Miền Nam (SAAM).

Ngoài ra, ACV còn có 10 công ty liên kết, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ hàng không, trong đó có nhiều cái tên trên sàn chứng khoán như Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO – mã SAS), Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (SAGS – mã SGN), Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (mã SCS),…

Đáng chú ý, mới đây ACV đã báo cáo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về một số công tác cần triển khai thực hiện nhằm thu hồi công nợ của các hãng hàng không trong nước đang vi phạm nghĩa vụ thanh toán với đơn vị. Theo báo cáo tài chính của ACV, tính đến cuối quý 4/2023, ACV có các khoản nợ phải thu rất lớn từ các hãng hàng không Việt Nam đang hoạt động tại nhiều sân bay do ACV quản lý, khai thác.

Theo ACV, đến cuối năm 2023, công ty đã phải trích lập dự phòng khoản phải thu ngắn hạn khó đòi gần 3.600 tỷ đồng từ các hãng hàng không trong nước, chiếm 40% các khoản phải thu khách hàng. Cụ thể, với Vietjet là hơn 552 tỷ đồng; Bamboo Airways là hơn 1.907 tỷ đồng; Vietnam Airlines hơn 141 tỷ đồng; Pacific Airlines hơn 760 tỷ đồng; Vietravel Airlines hơn 246 tỷ đồng; Công ty CP Hàng không Mê Kông hơn 25 tỷ đồng; Công ty CP Hoàng Long Yến hơn 2,8 tỷ đồng.

Hoài Thương

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/acv-rot-von-khung-vao-du-an-san-bay-long-thanh-va-tan-son-nhat-d46590.html