ACV thừa nhận hệ thống soi chiếu ở Tân Sơn Nhất quá tải

'Hạ tầng chỉ phục vụ được 1.700 khách/giờ nhưng lúc cao điểm phải đón tới 2.400 khách. Chúng tôi cần họp với các hãng bay để giải quyết tình trạng này', đại diện ACV chia sẻ.

Sân bay Tân Sơn Nhất liên tục ùn tắc khu vực cửa soi chiếu trong thời điểm "chạy đà" cho dịp cao điểm du lịch hè. Doanh nghiệp và hành khách lo ngại du lịch nội địa sẽ bị ảnh hưởng vì hạn chế hạ tầng hàng không.

Sau 5 ngày tìm cách khắc phục nhưng không đạt hiệu quả triệt để, đại diện Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết lưu lượng hành khách trong giờ cao điểm vượt quá năng lực đáp ứng của hạ tầng là nguyên nhân chính gây ra ùn tắc.

Quá tải trong "giờ vàng"

Trao đổi với Zing, đại diện ACV cho biết sản lượng khách trong một ngày tại Tân Sơn Nhất chưa chạm ngưỡng giới hạn phục vụ của nhà ga, nhưng lưu lượng từ 6h đến 9h đã vượt quá năng lực hạ tầng, khiến hệ thống soi chiếu an ninh quá tải.

Theo phê duyệt, sảnh A ga nội địa Tân Sơn Nhất có thể phục vụ hơn 1.700 khách/giờ. Tuy nhiên, từ ngày 14 đến 19/4, mỗi khung giờ cao điểm có tới 2.100-2.400 khách thông qua sảnh A, lưu lượng vượt 20%-35% khả năng đáp ứng.

 Hành khách khai báo y tế online trước khi vào soi chiếu an ninh. Ảnh: Quỳnh Danh.

Hành khách khai báo y tế online trước khi vào soi chiếu an ninh. Ảnh: Quỳnh Danh.

Theo đại diện ACV, sảnh A là nơi làm thủ tục của Vietnam Airlines và Bamboo Airways. Đây là 2 hãng bay sở hữu các máy bay thân rộng với sức chứa trên 300 hành khách. Thời gian qua, do đường bay quốc tế ngưng trệ nên các hãng này dồn máy bay thân rộng vào phục vụ đường bay nội địa, đặc biệt là chặng bay vàng Hà Nội - TP.HCM.

ACV cho rằng tình trạng các hãng bay sử dụng nhiều máy bay thân rộng, cộng với tỷ lệ lấp đầy trên các chuyến bay này luôn ở mức cao lên tới 95% là nguyên nhân chính khiến lưu lượng khách trong một khung giờ vượt quá 30% năng lực hạ tầng.

Đại diện ACV cho biết tình trạng ách tắc tại nhà ga Tân Sơn Nhất chỉ diễn ra cục bộ trong một số khung giờ vàng, không phải ùn tắc cả ngày nên việc dẫn số liệu sản lượng hành khách trên một ngày để khẳng định chưa "vượt trần" là chưa thuyết phục.

"Ngày 20/4, chúng tôi sẽ họp với các hãng hàng không để thống nhất phương án chuyển bớt hành khách từ sảnh A sang soi chiếu an ninh ở sảnh B. Sảnh B có khả năng thông qua 1.584 khách/giờ, hiện chủ yếu cho VietJet khai thác nên năng lực vẫn còn", người phát ngôn của ACV chia sẻ và cho biết sẽ đề nghị Cục Hàng không điều chỉnh lưu lượng khách trong một khung giờ.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Như Nam, Giám đốc điều hành Quỹ Xúc tiến phát triển du lịch TP Đà Nẵng, cho rằng sẽ rất khó điều chỉnh được xu hướng bay tập trung vào một khung giờ của khách đi máy bay.

"Lượng khách từ TP.HCM đi Đà Nẵng đang rất lớn. Họ luôn có nhu cầu khởi hành từ sáng sớm để tối đa thời gian thụ hưởng các trải nghiệm tại điểm đến. Nếu vừa dậy sớm ra sân bay mà phải chờ đợi lâu thì hành khách sẽ ức chế, rồi mang theo bực dọc đó trong suốt hành trình", chuyên gia du lịch bày tỏ lo ngại.

Cao điểm hè còn đông hơn

Đại diện ACV cho biết làn soi chiếu ưu tiên của sân bay Tân Sơn Nhất trong những ngày qua cũng đã đông đúc như làn thường. Đây là nơi hành khách có nguy cơ lỡ chuyến bay sẽ được nhân viên hãng hàng không đưa qua để làm thủ tục.

Để ưu tiên cho hành khách, sân bay Tân Sơn Nhất đã yêu cầu cán bộ, nhân viên chỉ được đi qua làn ưu tiên trong khung giờ cố định, thời gian còn lại nhường cho hành khách lưu thông.

 Tình trạng ùn tắc tại Tân Sơn Nhất khiến nhiều hãng du lịch lo ngại sẽ ảnh hưởng đến việc đi lại của hành khách trong dịp cao điểm hè. Ảnh: Quỳnh Danh.

Tình trạng ùn tắc tại Tân Sơn Nhất khiến nhiều hãng du lịch lo ngại sẽ ảnh hưởng đến việc đi lại của hành khách trong dịp cao điểm hè. Ảnh: Quỳnh Danh.

Theo ước tính của ACV, khi bước vào dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 và cao điểm hè, lưu lượng hành khách qua sân bay Tân Sơn Nhất sẽ còn tăng thêm khoảng 15%. Nguy cơ ùn tắc sẽ lớn hơn nếu nhà chức trách không có biện pháp khắc phục.

Về phương án đưa khách sang nhà ga quốc tế T2, đại diện ACV cho rằng không thể thực hiện ngay. Ga quốc tế vẫn đang phục vụ các chuyến bay quốc tế. Riêng ngày 19/4 có hơn 170 chuyến cất cánh từ Tân Sơn Nhất.

"Dù chủ yếu là chuyến bay chở hàng nhưng vẫn cần nhà ga để cho tổ bay và nhân viên di chuyển. Nếu chuyển một phần khách sang ga quốc tế thì hãng bay nào chịu sang?", đại diện ACV đặt câu hỏi.

Giai đoạn cao điểm năm 2020, sân bay Tân Sơn Nhất đã cho hành khách sử dụng một phần phòng chờ của ga quốc tế, nhưng chỉ dùng được phòng chờ, không dùng được hệ thống máy soi chiếu.

"Bây giờ muốn sang thì phải thống nhất với công an cửa khẩu, hải quan... để sử dụng hệ thống thiết bị dây chuyền lắp đặt. Vấn đề này chúng tôi sẽ báo cáo với Cục Hàng không để làm việc với các bộ ngành", đại diện ACV thông tin.

Về dài hạn, ACV đang làm việc với Bộ Quốc phòng để nhận bàn giao đất xây nhà ga T3 Tân Sơn Nhất trong tháng 10. Việc có thêm nhà ga T3 là giải pháp căn cơ, lâu dài để cải thiện tình trạng quá tải hạ tần tại sân bay đông đúc nhất Việt Nam.

Ngày thứ 2 liên tiếp ùn tắc tại cửa soi chiếu sân bay Tân Sơn Nhất Sáng 16/4, tình trạng ùn tắc tiếp tục diễn ra tại khu vực soi chiếu của sân bay Tân Sơn Nhất. Hành khách tỏ ra mệt mỏi vì mất gần một giờ mới ra khỏi khu vực này.

Ngọc Tân

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/acv-thua-nhan-he-thong-soi-chieu-o-tan-son-nhat-qua-tai-post1205993.html