ACV trình kế hoạch chia cổ phiếu thưởng 'khủng' tỷ lệ 64,58%, vốn điều lệ sẽ vượt 35.800 tỷ đồng
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa công bố kế hoạch sử dụng gần 14.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến cuối năm 2023 để chia cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông với tỷ lệ lên tới 64,58%. Nếu được thông qua, đây sẽ là lần đầu tiên ACV chia cổ tức bằng cổ phiếu kể từ khi lên sàn, đưa vốn điều lệ vượt mốc 35.800 tỷ đồng.
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (UPCoM: ACV) dự kiến trình Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2025 kế hoạch phân phối lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến cuối năm 2023, với tổng giá trị lên tới 21.192 tỷ đồng.
Cụ thể, ACV dự kiến sẽ trích 7.130 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận này để bổ sung quỹ đầu tư phát triển. Phần lợi nhuận còn lại, khoảng 14.000 tỷ đồng, sẽ được sử dụng để chia cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Theo đó, ACV dự kiến phát hành khoảng 1,4 tỷ cổ phiếu mới, tương ứng tỷ lệ phát hành 64,58% (cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu sẽ nhận thêm 645 cổ phiếu mới).
Nếu kế hoạch này được ĐHĐCĐ thông qua, vốn điều lệ của ACV sẽ tăng mạnh từ mức 21.771 tỷ đồng hiện tại lên khoảng 35.830 tỷ đồng. Điều này sẽ đưa ACV vào nhóm các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối có quy mô vốn điều lệ trên 1 tỷ USD trên thị trường chứng khoán, sau những tên tuổi như Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR), CTCP Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR) và Viettel Global (VGI).
Đây cũng là lần đầu tiên ACV thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu kể từ khi cổ phần hóa và chính thức giao dịch trên thị trường chứng khoán vào năm 2016. "Ông trùm" ngành cảng hàng không Việt Nam từng có giai đoạn chia cổ tức đều đặn bằng tiền mặt với tỷ lệ 6-9% trong ba năm đầu sau khi lên sàn, trước khi dừng hoạt động này từ năm 2019.
Theo số liệu tại Báo cáo thường niên 2024 của ACV, tính đến ngày 23/12/2024, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) là cổ đông lớn nhất, đại diện phần vốn Nhà nước nắm giữ 95,4% vốn cổ phần của ACV. Công đoàn ACV nắm giữ hơn 3 triệu cổ phiếu (tương đương 0,14%). Ngoài ra, 105 tổ chức nắm giữ 3,62% vốn và khoảng 8.000 cổ đông cá nhân sở hữu 0,83% cổ phần còn lại (tương đương hơn 18 triệu cổ phiếu).
Kế hoạch chia cổ tức "khủng" trong bối cảnh kinh doanh kỷ lục
Kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ lớn được ACV đưa ra trong bối cảnh doanh nghiệp này vừa ghi nhận kết quả kinh doanh kỷ lục trong năm 2024. Lũy kế cả năm 2024, ACV đạt doanh thu 22.661 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 14.177 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 35% so với kết quả năm 2023. Biên lợi nhuận gộp và biên lợi nhuận ròng của ACV tiếp tục duy trì ở mức rất cao, lần lượt đạt trên 61% và 52%.
Đà tăng trưởng này tiếp tục được duy trì sang quý 1/2025. Trong quý đầu năm, ACV ghi nhận doanh thu hơn 6.368 tỷ đồng, tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ đi giá vốn và các chi phí phát sinh, ACV báo lãi sau thuế 3.014 tỷ đồng.
ACV hiện là đơn vị độc quyền cung cấp nhiều dịch vụ hàng không thiết yếu cho các hãng bay trong và ngoài nước như dịch vụ an ninh soi chiếu, dịch vụ mặt đất, phục vụ hành khách, dịch vụ cất cánh và hạ cánh… Tổng công ty được Chính phủ giao quản lý, điều phối hoạt động và đầu tư khai thác toàn bộ hệ thống 22 cảng hàng không trên toàn lãnh thổ Việt Nam, bao gồm 9 cảng hàng không quốc tế và 13 cảng hàng không nội địa.
Vào ngày 29/05/2025 tới đây, ACV sẽ thực hiện chốt danh sách cổ đông có quyền tham dự ĐHĐCĐ thường niên năm 2025. Cuộc họp dự kiến được tổ chức vào cuối tháng 6/2025. Các nội dung chính trình tại đại hội bao gồm báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh năm 2024 và kế hoạch, định hướng hoạt động năm 2025; phương án trích lập các quỹ và phân phối lợi nhuận (trong đó có kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu nêu trên); tờ trình về lương và thù lao cho HĐQT, Ban Kiểm soát; cùng việc phê duyệt đơn vị kiểm toán cho năm tài chính tiếp theo.