ADB cấp khoản vay 600 triệu USD giúp Indonesia cải thiện điện lưới quốc gia
ADB vừa phê duyệt khoản vay 85 nghìn tỷ Rp (tương đương 600 triệu USD) để hỗ trợ Công ty Điện lực Quốc gia Indonesia (PLN) tăng khả năng tiếp cận điện năng và sử dụng năng lượng tái tạo.
Khoản vay trên được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cấp cho giai đoạn hai của Chương trình tiếp cận năng lượng bền vững ở miền Đông Indonesia nhằm cải thiện khả năng tiếp cận điện năng và cải thiện chất lượng dịch vụ tại 9 tỉnh, trong đó có Kalimantan, Maluku và Papua.
Giám đốc Bộ phận năng lượng Đông Nam Á của ADB Toru Kubo ngày 25/11 cho biết, việc mua sắm điện đáng tin cậy là rất quan trọng để mọi người có thể tiếp cận các cơ hội việc làm cũng như các dịch vụ giáo dục và y tế, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Chương trình này sẽ cải thiện khả năng tiếp cận nguồn điện bền vững, công bằng và đáng tin cậy cho người dân ở miền Đông Indonesia, bao gồm cả việc sử dụng năng lượng Mặt Trời và các nguồn tái tạo khác.
Ông Toru Kubo nói thêm khoản vay trên cũng sẽ hỗ trợ đà phục hồi kinh tế ở miền Đông Indonesia trước các tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19.
Hiện tại, việc thúc đẩy điện khí hóa ở miền Đông Indonesia là một phần quan trọng trong kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng của chính phủ nước này nhằm cung cấp điện trên toàn quốc vào năm 2024.
Chính phủ Indonesia cũng đang tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu năng lượng lên 23% vào năm 2025, từ 13% năm 2016. Ngoài ra, chính phủ nước này hy vọng sẽ sớm loại bỏ dầu diesel trong sản xuất điện.
Khoản vay mới nhất của ADB sẽ hỗ trợ các nỗ lực của PLN trong việc lắp đặt cơ sở hạ tầng phân phối điện trung và hạ thế nhằm cung cấp điện cho 1,55 triệu khách hàng mới ở 9 tỉnh của Indonesia vào năm 2024.
Hiện Chính phủ Indonesia đang thúc đẩy các trung tâm tăng trưởng kinh tế bên ngoài Java bằng cách tăng cường mạng lưới điện, trong bối cảnh nhiều người dân ở miền Đông Indonesia không được sử dụng điện đầy đủ.
Hiện tại, khoảng 56% số hộ gia đình ở Papua và 28% hộ gia đình ở Maluku chỉ được tiếp cận điện hạn chế do thiếu cơ sở hạ tầng./.