ADB tăng quy mô gói hỗ trợ ứng phó dịch Covid-19 lên 20 tỷ USD

Tới 18h ngày 13-4, toàn thế giới ghi nhận 1.862.517 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 114.980 trường hợp tử vong và 422.538 người đã hồi phục.

Châu Á - Thái Bình Dương

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã tăng quy mô gói hỗ trợ ứng phó dịch Covid-19 lên tới 20 tỷ USD, tức là gấp ba lần nỗ lực ứng phó ban đầu. Khoản bổ sung 13,5 tỷ USD nằm trong nguồn lực của ADB để giúp các quốc gia thành viên đang phát triển đương đầu với những tác động nghiêm trọng về y tế và kinh tế vĩ mô từ dịch Covid-19. Gói hỗ trợ 20 tỷ USD gồm khoảng 2,5 tỷ USD vốn vay ưu đãi và viện trợ không hoàn lại.

Gói hỗ trợ ứng phó Covid-19 mở rộng của ADB tập trung vào các quốc gia đang phát triển, với trọng tâm là người nghèo và người dễ bị tổn thương.

Gói hỗ trợ mới bao gồm việc thành lập một quỹ ứng phó đại dịch Covid-19 trong khuôn khổ Quỹ hỗ trợ chống khủng hoảng theo chu kỳ của ADB.

Quỹ mới sẽ cung cấp tới 13 tỷ USD để giúp chính phủ của các quốc gia thành viên đang phát triển thực hiện những chương trình chi tiêu khắc phục khủng hoảng theo chu kỳ nhằm giảm thiểu tác động của đại dịch, với trọng tâm cụ thể dành cho người nghèo và người dễ tổn thương. Ngoài ra, khoảng 2 tỷ USD từ gói hỗ trợ 20 tỷ USD sẽ được cung cấp cho khu vực tư nhân.

Cơ quan chức năng Trung Quốc đã phê duyệt giai đoạn thứ nhất và thứ hai của chu trình thử nghiệm lâm sàng vắc xin thứ hai ngừa vi rút SARS-CoV-2 của nước này. Đây là vắc xin thuộc hồ sơ xin phép của Viện Sinh phẩm Vũ Hán thuộc Tập đoàn Dược phẩm Sinopharm của nước này. Trung Quốc hiện ghi nhận 82.160 trường hợp nhiễm bệnh.

Giới chức Australia và New Zealand tuy hoan nghênh những dấu hiệu thành công ban đầu trong kiềm chế tốc độ lây lan của dịch bệnh, nhưng đều thận trọng cho rằng còn quá sớm để nới lỏng các quy định giãn cách xã hội hoặc mở cửa lại nền kinh tế.

Bộ trưởng Y tế Australia Greg Hunt cho rằng, đây là thời điểm cần phải duy trì các biện pháp cách ly và giãn cách xã hội, những biện pháp đã cho thấy tính hiệu quả trong việc giảm mạnh số ca nhiễm mới.

Trong lễ Phục sinh vào cuối tuần qua, Australia đã triển khai các biện pháp mạnh tay như điều trực thăng, lập chốt kiểm soát và phạt nặng những người dân vi phạm lệnh cấm đi lại hoặc lệnh cấm tụ tập. New Zealand cũng đang áp dụng lệnh phong tỏa trên toàn quốc.

Các biện pháp này đã giúp giảm mạnh số ca nhiễm mới và không gây quá tải cho hệ thống y tế của mỗi nước. Australia đã phát hiện 6.359 ca nhiễm (46 ca mới), trong khi New Zealand có 1.349 ca (19 ca nhiễm mới).

Tại Nhật Bản, ngày 13-4, Tokyo ghi nhận thêm 91 ca nhiễm Covid-19, giảm so với con số 166 ca nhiễm mới một ngày trước đó. Đây cũng là lần đầu tiên số ca nhiễm mới trong ngày giảm xuống mức dưới 100 trong vòng 1 tuần qua.

Cùng ngày, Thống đốc tỉnh Ishikawa Tanimoto Masanori đã ban bố lệnh tình trạng khẩn cấp do số ca mắc Covid-19 ở tỉnh này tăng đột biến trong các ngày gần đây. Thống đốc Tanimoto cho biết lệnh tình trạng khẩn cấp ở tỉnh này sẽ có hiệu lực cho đến ngày 6-5 và kêu gọi người dân ở trong nhà, tránh ra ngoài đường nếu không cần thiết. Nhật Bản hiện ghi nhận 7.370 trường hợp nhiễm Covid-19.

Chính quyền Singapore đang bố trí chỗ ở cho hàng trăm lao động nước ngoài trên các nhà thuyền, vốn là nơi ở ngoài khơi của các nhân viên ngành hàng hải trong bối cảnh dịch Covid-19 lây lan nhanh tại các khu nhà trọ của lao động nhập cư.

Châu Âu

Phát biểu sau khi một số bộ trưởng kêu gọi chính phủ nới lỏng lệnh phong tỏa ở Anh từ tháng 5 tới, Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak đã nhận định, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này có thể giảm tới 30% trong quý II-2020 do chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19.

Chính phủ đang xem xét gia hạn các biện pháp hạn chế đi lại thêm 3 tuần và sau đó, nước này mới có thể bắt đầu nới lỏng lệnh phong tỏa. Tới nay, Anh đã ghi nhận 84.279 ca nhiễm Covid-19, vượt qua Trung Quốc.

Trong khi đó, số ca nhiễm mới tại Tây Ban Nha tiếp tục tăng mạnh, với 2.665 trường hợp so với ngày trước đó, nâng tổng số người nhiễm Covid-19 tại quốc gia này lên 169.496 trường hợp – cao thứ hai trên thế giới.

Châu Mỹ

Mỹ tiếp tục là nước có số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 cao nhất thế giới, tương ứng 560.433 và 22.115 trường hợp.

Cảnh sát Peru đã bắt giữ một người Trung Quốc có tên là tên Tianxing Zhang do công khai tiến hành xét nghiệm bất hợp pháp vi rút SARS-CoV-2 cho người dân ở Peru. Kẻ này đã thừa nhận hành vi sai phạm.

Chính phủ Venezuela thông báo sẽ kéo dài tình trạng báo động và lệnh cách ly trên cả nước thêm 30 ngày để đối phó với dịch bệnh. Venezuela hiện ghi nhận 181 ca nhiễm, trong đó 9 người đã tử vong.

Hoàng Linh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-gioi/964359/adb-tang-quy-mo-goi-ho-tro-ung-pho-dich-covid-19-len-20-ty-usd