Adidas có thể bị lỗ theo năm lần đầu tiên trong hơn 3 thập kỷ
Hôm 8/3, nhà sản xuất đồ dùng thể thao Adidas của Đức cảnh báo công ty có khả năng sẽ phải chịu khoản lỗ hoạt động hàng năm đầu tiên trong hơn 3 thập kỷ vào năm 2023, chủ yếu do xóa sổ nhãn hiệu Yeezy.
Trong một thông báo chính thức hôm 8/3, CNN trích dẫn nhà sản xuất đồ thể thao của Đức cho biết công ty có khả năng sẽ phải đối mặt với khoản lỗ hoạt động 736 triệu USD trong năm nay. Đây sẽ là khoản lỗ đầu tiên sau 31 năm và được công ty giải thích chủ yếu tới từ khoản lỗ 527 triệu USD liên quan tới hàng tồn kho các sản phẩm giày và quần áo nhãn hiệu Yeezy và chi phí đánh giá chiến lược.
Trước đó hồi tháng 10/2022, Adidas đã cắt đứt quan hệ đối tác kéo dài tới 9 năm giữa công ty và nhà thiết kế nhãn hiệu Yeezy là rapper Kanye West. Tại thời điểm đó, rapper này đã có những tranh cãi liên quan tới phát ngôn bài Do Thái của mình và do đó đã bị tẩy chay rộng rãi bởi công chúng.
Tài thời điểm dừng hợp tác, Adidas cho biết công ty "không dung thứ cho chủ nghĩa bài Do Thái và bất kỳ loại lời nói căm thù nào khác. Những nhận xét và hành động gần đây của Kanye West là không thể chấp nhận được, mang tính hận thù và nguy hiểm, đồng thời chúng vi phạm các giá trị của công ty về sự đa dạng và hòa nhập, tôn trọng lẫn nhau và công bằng".
Hồi tháng 2/2023, Adidas cũng từng cảnh báo doanh thu hàng năm của mình có thể giảm 1,27 tỷ USD trong 2023 do hậu quả trực tiếp của việc dừng hợp tác với rapper Kanye West. Trong khi đó, nó đã làm giảm khoảng 633 triệu USD doanh thu quý 4/2022 của công ty.
Triển vọng ảm đạm của Adidas trong năm 2023 được Giám đốc tài chính công ty là ông Harm Ohlmeyer nhận định là “một năm đáng thất vọng” với gã khổng lồ nước Đức.
Khi trình bày về kết quả kinh doanh của Adidas hôm 8/3, ông bày tỏ rằng công ty đã “không hoạt động hiệu quả theo cách mà đáng nhẽ ra nó cần phải làm”. Lợi nhuận hoạt động của Adidas đã giảm 66% so với cùng kỳ năm 2021 xuống còn 705 triệu USD trong năm 2022.
Tuy doanh số bán hàng toàn cầu của công ty tăng 1% vào năm ngoái, nhưng doanh số bán hàng hàng năm tại Trung Quốc - thị trường lớn nhất của họ - giảm 36% - một phần do chính sách zero-Covid hiện đã bị loại bỏ của quốc gia này.
Sau khi công bố kết quả kinh doanh năm 2022 và triển vọng cho năm 2023 này, cổ phiếu Adidas đã giảm 2,2% trong phiên giao dịch sáng 8/3.
Tuy nhiên, hy vọng cho Adidas không phải đều đã biến mất. Các tranh cãi xung quanh Yeezy và nhà thiết kế nhãn hiệu này có vẻ như đã thúc đẩy nhu cầu đối với giày thể thao Yeezy. Trên thực tế, hồi đầu tháng 3, CNN trích dẫn ông John Mocadlo, giám đốc điều hành của một nhà bán lẻ trực tuyến lớn về giày thể thao và quần áo cao cấp là Impossible Kicks, cho biết nhu cầu về những đôi giày này đã tăng 30% kể từ khoảng tháng 10 năm ngoái.
Nắm bắt xu hướng trên, Adidas cho biết công ty có thể cố gắng khắc phục hình huống bằng cách “tái sử dụng” một số sản phẩm Yeezy của mình. Tuy nhiên khi được hỏi chi tiết hơn, đại diện Adidas không đưa thêm bất kỳ phản hồi nào.
Ở một diễn biến khác, Adidas cũng đang hy vọng năm nay sẽ đánh dấu một bước ngoặt đối với công ty. Giám đốc điều hành Bjørn Gulden cho biết trong một tuyên bố vào tháng trước: “Năm 2023 sẽ là một năm chuyển đổi để thiết lập cơ sở giúp Adidas trở lại là một công ty đang phát triển và có lãi”.
Ông khẳng định: “Tôi tin rằng theo thời gian, chúng tôi sẽ giúp Adidas tỏa sáng trở lại. Nhưng chúng tôi cần một chút thời gian”.