AEON đang tìm kiếm địa điểm xây thêm đại siêu thị tại Hà Nội
Tổng giám đốc AEON Việt Nam cho biết vẫn đang tích cực tìm kiếm các địa điểm phù hợp để xây dựng thêm đại siêu thị quy mô lớn tại Hà Nội.
Trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị (GMS) đầu tiên nằm ngoài hệ thống trung tâm mua sắm lớn của AEON Việt Nam vừa khai trương tại Xuân Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội).
Mô hình GMS kỳ vọng giúp AEON thực hiện chiến lược mở rộng mạng lưới bán lẻ, nâng cao trải nghiệm khách hàng và tận dụng lợi thế mô hình kết hợp. Tập đoàn bán lẻ tới từ Nhật Bản cũng đặt mục tiêu củng cố vị thế tại thị trường Việt Nam, nơi được nhấn mạnh là trọng điểm thứ hai chỉ sau quê nhà Nhật Bản.
Mở GMS mới tại Hà Nội
Việc AEON lựa chọn mở GMS đầu tiên tại Xuân Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội) thu hút sự chú ý bởi đây là lần đầu tiên tập đoàn này triển khai mô hình GMS nằm ngoài hệ thống trung tâm mua sắm lớn tại Việt Nam.
Điểm khác biệt lớn tại GMS Xuân Thủy là việc tối ưu hóa không gian và dịch vụ mang tính địa phương hóa. Trong đó, trung tâm sẽ tích hợp các cửa hàng thời trang, khu vui chơi và siêu thị thực phẩm, đáp ứng nhu cầu của mọi đối tượng từ học sinh, sinh viên, nhân viên văn phòng đến các hộ gia đình quanh khu vực.
Ông Furusawa Yasuyuki, Thành viên Ban giám đốc điều hành, Tập đoàn AEON (Nhật Bản) phụ trách thị trường Việt Nam kiêm Tổng giám đốc AEON Việt Nam, chia sẻ bước đi này không chỉ nhằm mở rộng điểm tiếp xúc với khách hàng mà còn để tăng tốc độ phủ sóng thương hiệu.
Hà Nội, đặc biệt là quận Cầu Giấy, được xem như một khu vực chiến lược nhờ mật độ dân cư cao, sự đa dạng tầng lớp xã hội, cùng nhu cầu tiêu dùng ngày càng lớn.
Việc tận dụng sức mạnh của hệ sinh thái bán lẻ - vốn là một lợi thế độc quyền của AEON - giúp công ty tự tin rằng mô hình này sẽ thành công và tạo tiền đề cho các kế hoạch mở rộng tương tự trong tương lai.
Ông Furusawa Yasuyuki đánh giá thị trường bán lẻ Việt Nam đang trở thành mảnh đất màu mỡ cho các nhà đầu tư quốc tế. Tuy nhiên, phía AEON Việt Nam vẫn tự tin vào lợi thế đặc biệt của mình.
“Điểm nổi bật chúng tôi có là mô hình kết hợp độc đáo giữa phát triển trung tâm thương mại, bách hóa tổng hợp và siêu thị theo nhiều quy mô khác nhau. Điều này giúp AEON linh hoạt hơn trong việc tiếp cận khách hàng và thích nghi với những thay đổi của thị trường”, sếp AEON Việt Nam nhấn mạnh.
Trong bối cảnh lạm phát gia tăng, người tiêu dùng Việt Nam đang có xu hướng tập trung vào các sản phẩm thiết yếu, tiết kiệm chi tiêu cho các mặt hàng không cần thiết, AEON Việt Nam hiện đã triển khai chương trình “giá thấp mỗi ngày”, cung cấp các sản phẩm thiết yếu với mức giá cạnh tranh nhất thị trường.
Tổng giám đốc AEON Việt Nam cho biết đây không chỉ là chiến lược kinh doanh mà còn thể hiện cam kết của công ty trong việc đồng hành cùng khách hàng, đặc biệt trong giai đoạn kinh tế khó khăn.
Mở rộng thị phần phía Bắc
Dù đã có mặt tại Việt Nam hơn 10 năm, AEON hiện vận hành 9 trung tâm mua sắm, con số khiêm tốn so với các đối thủ. Tuy nhiên, đại diện AEON cho biết tập đoàn hiện nhắm tới Việt Nam là thị trường trọng điểm thứ hai, sau Nhật Bản.
Trong 3 năm tới, tập đoàn dự kiến tăng tốc mở rộng các điểm bán lẻ trên toàn quốc. Sau khi AEON Huế được khai trương vào tháng 9 năm ngoái, AEON Việt Nam đang lên kế hoạch tiến về các tỉnh thành miền Bắc như Thanh Hóa, Quảng Ninh.
“Tại Hà Nội, AEON vẫn đang tích cực tìm kiếm các địa điểm phù hợp để xây dựng thêm đại siêu thị quy mô lớn. Nhưng trong thời gian trước mắt, chúng tôi sẽ tập trung phát triển vào các GMS ở ngoài trung tâm mua sắm như mô hình GMS Xuân Thủy để tăng cơ hội tiếp xúc với khách hàng”, ông Furusawa Yasuyuki nói.
Việt Nam là thị trường trọng điểm thứ hai của AEON sau Nhật Bản. Trong 3 năm tới, tập đoàn dự kiến tăng tốc mở rộng các điểm bán lẻ trong đó lên kế hoạch tiến về các tỉnh thành phía Bắc như Thanh Hóa, Quảng Ninh
Ông Furusawa Yasuyuki, Tổng giám đốc AEON Việt Nam
Bên cạnh đó, lãnh đạo AEON Việt Nam tiết lộ việc kết hợp giữa AEON Việt Nam (chuyên về bán lẻ) và AEON Mall Việt Nam (đơn vị phát triển bất động sản thương mại) trong thời gian tới sẽ hứa hẹn tạo động lực lớn hơn cho sự mở rộng này.
Liên quan tới thị phần hàng hóa của thương hiệu Việt tại các gian hàng của AEON Việt Nam, Ông Furusawa Yasuyuki cho biết hiện gần 90% sản phẩm trong hệ thống là tới từ các nhà cung cấp địa phương.
Việc này không chỉ giúp giảm chi phí vận chuyển, tăng sức cạnh tranh về giá mà còn thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam.
“AEON Việt Nam đã hợp tác với hơn 2.000 nhà cung cấp địa phương, từ những thương hiệu lớn đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các sản phẩm Việt không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn được chúng tôi xuất khẩu sang các thị trường quốc tế mà AEON hiện diện”, Tổng giám đốc AEON Việt Nam cho biết thêm.