AFC khiến Đông Nam Á chịu bất công ở Futsal Asian Cup?
Khu vực Tây Á không có thành tích tốt ở môn futsal, nhưng lại chiếm nhiều suất tham dự nhất tại Asian Cup 2022.
Tại AFC Futsal Asian Cup 2022, 16 đội sẽ cùng góp mặt để tranh tài. Trong đó, các suất được phân bố là Tây Á có 5 đội, Trung và Nam Á có 4 đội, Đông Nam Á có 3 đội, Đông Á có 3 đội. Nếu tính thêm đội chủ nhà Kuwait, khu vực Tây Á có đến 6 đội góp mặt ở giải đấu này.
Giải đấu lớn luôn dựa vào thành tích của các đội thuộc khu vực để đánh giá và phân bổ số lượng đội tham dự. Ví dụ, ở World Cup, các đội thuộc Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) sẽ chiếm 13 suất nhờ bề dày thành tích. Các đội thuộc Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) không có thành tích tốt nên sở hữu 4,5 suất.
Dựa trên tiêu chí này, AFC đang không công bằng trong cách phân chia suất tham dự.
Ở AFC Futsal Asian Cup 2018, khu vực Tây Á có 4 đại diện là Bahrain, Iraq, Lebanon và Jordan. 4 đội của Đông Nam Á góp mặt là Thái Lan, Việt Nam, Myanmar và Malaysia.
Sau 5 năm, nếu không tính suất của đội chủ nhà, một suất của Đông Nam Á đã chuyển sang cho Tây Á. Đó là quyết định khó hiểu. Bởi ở giải đấu cách đây 5 năm, thành tích của Đông Nam Á và Tây Á là tương đồng khi cùng có 2 đội vào tứ kết.
Ở giải đấu lớn gần nhất của môn futsal là World Cup 2021, các đội thuộc AFC tham dự là Iran, Nhật Bản, Uzbekistan, Thái Lan và Việt Nam. Nếu chia theo khu vực nhỏ, Trung và Nam Á có Iran, Uzbekistan. Đông Á có Nhật Bản, còn Đông Nam Á có Thái Lan và Việt Nam.
Thành tích của các đội này cũng ấn tượng. Trong khi Iran vào đến tứ kết, thì 4 đội còn lại cũng vượt qua vòng bảng, chỉ dừng chân ở vòng 16 đội.
Trước đó, ở vòng play-off tranh vé dự vòng chung kết futsal World Cup 2021, các đội Tây Á đều thất bại trước Đông Nam Á. Iraq thua Thái Lan 2-11 còn Lebanon bị Việt Nam đánh bại bằng bàn thắng duy nhất của Châu Đoàn Phát.
Trên bảng xếp hạng futsal thế giới mới cập nhật vào tháng 4, khu vực Đông Nam Á cũng vượt trội Tây Á. Thứ tự trong top 10 của các đội AFC là Iran (Trung và Nam Á), Nhật Bản (Đông Á), Thái Lan (Đông Nam Á), Uzbekistan (Trung và Nam Á), Australia (Đông Nam Á), Việt Nam (Đông Nam Á), Indonesia (Đông Nam Á), Lebanon (Tây Á), Kuwait (Tây Á), Kyrgyzstan (Trung và Nam Á).
Trên bảng xếp hạng thế giới, thành tích ở giải châu Á gần nhất cũng như World Cup 2021, khu vực Đông Nam Á vượt trội Tây Á nhưng lại mất đi một suất dự AFC Futsal Asian Cup 2022. Điều đó khiến nhiều người nghi ngờ AFC thiên vị khu vực Tây Á.