AFF Cup 2020: Cơ hội viết lại lịch sử cho đội tuyển Việt Nam

Việt Nam sẽ bước vào AFF Cup 2020 với mục tiêu bảo vệ ngôi vô địch. Nhưng bên cạnh đó, đây còn là cơ hội để Những chiến binh Sao Vàng viết lại lịch sử, xóa bỏ cái gọi là 'chu kỳ 10 năm'.

Sau khi lập công mang lại danh hiệu vô địch AFF Cup thứ 2 cho đội tuyển Việt Nam, Tiến Linh tiếp tục chơi thăng hoa dưới sự dẫn dắt của HLV Park Hang-seo Ảnh: Anh Đoàn

Chờ 10 năm

11 năm trước tại AFF Cup 2010, Việt Nam đã nghĩ rằng sẽ bảo vệ thành công chức vô địch khi đối thủ chính Thái Lan bất ngờ dừng bước sau vòng bảng. Thế nhưng giấc mơ đẹp đã tan vỡ ngay ở bán kết, trước đối thủ Malaysia mà chúng ta từng đánh bại trên hành trình đăng quang trước đó. 2 sai lầm của Tấn Trường ở trận lượt đi đã đặt một ngọn núi trước mặt Việt Nam, và chúng ta không thể vượt qua ở trận lượt về.

Tất cả đều biết, đăng quang đã khó, giữ được ngôi vương còn khó hơn. Các đối thủ mang trong mình quyết tâm lật đổ trong khi đương kim vô địch phải chơi với áp lực lớn. Họ thường gắn bó với bộ khung cũ, và dễ bị bắt bài bởi phần còn lại đương nhiên nghiên cứu kỹ lối chơi. Và Việt Nam năm ấy không những thất bại trong việc bảo vệ ngôi vị số một mà phải chờ đến 10 năm sau mới lại được nâng chiếc Cúp AFF.

Có một chi tiết rất đáng chú ý là trong lịch sử tham dự AFF Cup, Việt Nam vào chung kết 3 lần và mỗi lần cách nhau một thập kỷ (1998, 2008, 2018). Trong bóng đá, khoảng cách ấy dài bằng cả một thế hệ. Người hâm mộ đã nếm trải cảm giác cay đắng cùng Hồng Sơn và Thế hệ Vàng năm 1998, vỡ òa sau cú đánh đầu của Công Vinh năm 2008 rồi thêm 10 năm nữa để tận hưởng niềm hạnh phúc khi Quang Hải cùng các đồng đội trở thành nhà vô địch 2018.

Vậy chu kỳ ấy có lặp lại, khiến chúng ta tiếp tục đợi chờ? Câu trả lời là không. Bởi đây là một Việt Nam khác, được xây dựng bằng nền móng chắc chắn, sau đó gặt hái vinh quang chứ không phải hiện tượng nhất thời.

Ðủ tự tin

Hãy nhớ lại chiến tích cách đây 3 năm, Những chiến binh Sao Vàng đã chơi với tâm thế nhà vô địch trong suốt cuộc hành trình. Họ ra sân để chiến thắng và biết cách giành chiến thắng. Họ cũng đủ tự tin để đối phó với áp lực.

Trận chung kết lượt đi với Malaysia, chính tại Bukit Jalil, sân vận động được các Ultras Malaya biến thành chảo lửa và chôn vùi giấc mơ Việt Nam năm 2010, đội quân của HLV Park Hang-seo sớm ghi được 2 bàn bằng chiến lược thông minh. Bị gỡ hòa, họ cũng không hoảng loạn. Thay vào đó, thể hiện bản lĩnh khi kiềm chế sự hưng phấn của đối thủ và chờ dịp khác để giành chiến thắng.

4 ngày sau, Việt Nam cho thấy sự khác biệt không chỉ với Malaysia mà còn cả phần còn lại của Đông Nam Á. Đó chính là đẳng cấp. Họ kiểm soát trận đấu trước khi ra đòn kết liễu bằng cú volley tuyệt đẹp của Anh Đức. Mỹ Đình vốn chứng kiến rất nhiều nỗi đau quá khứ nay hóa thành sân khấu tôn vinh những chàng trai áo đỏ.

Đại dịch COVID-19 khiến 3 năm sau AFF Cup mới lại khởi tranh. Khoảng thời gian đó đủ dài để Thái Lan, Malaysia, thậm chí cả Myanmar hay Lào có những bước tiến. Tuy nhiên chúng ta cũng không đứng im. Sau khi gây tiếng vang ở Asian Cup 2019, đội quân của HLV Park Hang-seo còn tạo nên chiến tích kỳ vĩ hơn: góp mặt ở vòng loại cuối World Cup 2022.

Thật không may, Việt Nam vẫn chưa có điểm ở sân chơi quá lớn này. Nhưng mỗi thất bại là một bài học lớn để chúng ta trưởng thành. Cũng có thể xem đây chính là quá trình chuẩn bị cho AFF Cup. Nếu như các đội bóng trong khu vực có rất ít cơ hội thi đấu trong khoảng thời gian đại dịch, chúng ta lại được cọ xát với những đối thủ chất lượng cao, qua đó hoàn thiện và nâng cấp bản thân. Mặc dù thiếu vắng một số nhân tố quan trọng nhưng so với 3 năm trước, Việt Nam bản lĩnh, khó lường hơn nhiều.

THANH HẢI

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn