Afghanistan căng như dây đàn, Kabul lâm nguy, phương Tây 'nháo nhào chạy'

Chiến sự Afghanistan đang diễn biến căng thẳng. Taliban đang khép chặt vòng vây thủ đô Kabul, sau khi chiếm được các thành phố lớn thứ 2, thứ 3 của nước này cùng thủ phủ nhiều tỉnh chiến lược. Nhiều người lo ngại, cuộc tấn công vào Kabul sẽ sớm diễn ra.

14/34 thủ phủ cấp tỉnh đã bị Taliban chiếm trong vòng 1 tuần nay, từ ngày 6/8. Trong đó, Kandahar và Herat - trung tâm kinh tế phía Nam và phía Tây Afghanistan cũng đang rơi vào tay lực lượng này. Đây là những tổn thất vô cùng lớn và gây bất ngờ cho phía quân đội Chính phủ Afghanistan của Tổng thống Ashraf Ghani – lực lượng mà Mỹ cho rằng đông hơn về số lượng, chất lượng hơn về khí tài quân sự và không quân.

Một vụ nổ bom ở Afghanistan. Ảnh:

Một vụ nổ bom ở Afghanistan. Ảnh:

Nhiều nguồn tin cho biết, thống đốc tỉnh Gazni đã bị bắt vì đã đầu hàng Taliban thay vì chiến đấu; Phó Tổng thống Amrullah Saleh đã sang Tajikistan lánh nạn – tuy nhiên, thông tin này đã được phía chính phủ Afghanistan bác bỏ ngay sau đó.

Và để đối phó với đà tấn công của Taliban, chính phủ Afghanistan đã lên các kế hoạch an ninh cụ thể, cũng như động viên tinh thần chiến đấu cho quân đội, kỷ luật nghiêm những ai đầu hàng Taliban mà không chiến đấu; vũ trang cho người dân để chống lại Taliban.

Dẫu vậy, mọi thứ đang diễn biến bất lợi cho phía chính phủ Afghanistan, hay nói đúng là họ đang chịu tổn thất lớn, thất thủ trước Taliban. Theo Reuters, một chỉ huy hàng đầu nổi tiếng của phía quân đội có tên là Mohammad Ismail Khan đã bị phía Taliban bắt giữ. Thông điệp ông gửi đi khi bị bắt là hi vọng Taliban có thể tạo ra bầu không khí hòa bình cho đất nước: “Tôi hy vọng rằng Taliban sẽ có thể mang lại bầu không khí hòa bình và chấm dứt bạo lực và tạo ra an ninh và ổn định ở Afghanistan.”

Nhiều nguồn tin cho biết, với diễn biến chiến sự bất lợi, chính phủ Afghanistan đã đưa ra đề xuất chia sẻ quyền lực với Taliban và đề xuất này đã gửi cho Qatar – quốc gia trung gian hòa giải cho hai bên.

Trước các diễn biến chiến sự leo thang chóng vánh tại Afghanistan, các nước phương Tây đã vội vã sơ tán công dân của mình, đồng thời kêu gọi Taliban ngừng tấn công và ngồi vào bàn đàm phán.

Dù Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, Tổng thống Mỹ Joe Biden đều khẳng định, sẽ tiếp tục duy trì sự hiện diện ngoại giao và dân sự tại Afghanistan cũng như cam kết sẽ hỗ trợ chính phủ và lực lượng an ninh Afghanistan trước các đợt tấn công của lực lượng Taliban; song trên thực tế, các nước phương Tây cũng đang vội vã phải sơ tán công dân của mình.

Tối qua (13/8), Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương NATO – lực lượng hậu thuẫn chính phủ Afghanistan trong suốt cuộc chiến chống Taliban 2 thập kỷ qua đã phải tiến hành họp khẩn, bàn về nội dung chính là sơ tán công dân của các nước thành viên.

Mỹ, Anh, Đức và mới nhất là Canada đã quyết định điều thêm nhân lực tới Afghanistan, với con số lên tới hàng trăm, hàng nghìn người, để sơ tán công dân về nước.

Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm qua cũng đã phải họp khẩn với Ngoại trưởng, Bộ trưởng Quốc phòng và Cố vấn an ninh Quốc gia để bàn về cách sơ tán. Nhiều nguồn tin cho biết, Đại sứ quán Mỹ tại Afghanistan cũng đã ra lệnh cho nhân viên sẵn sàng sử dụng các thùng đốt để hủy các tài liệu nhạy cảm do lo sợ rơi vào tay Taliban.

Nhiều quốc gia khác thông báo cắt giảm nhân viên ngoại giao của mình và lên kế hoạch sơ tán khỏi Afghanistan, như Thụy Điển, Đức,… Thậm chí, Đan Mạch, Na Uy, Hà Lan đã ra thông báo đóng cửa tạm thời Đại sứ quán ở thủ đô Kabul và cho sơ tán gia đình các nhân viên Đại sứ quán về nước.

Pháp, Bỉ và Phần Lan cũng hối thúc công dân của mình về nước và cam kết sẽ tiếp nhận hàng trăm lao động Afghanistan từng làm việc cho cơ quan đại diện ngoại giao của mình tại quốc gia Trung/Nam Á này.

Hiện Liên Hợp Quốc chưa ra quyết định cắt giảm nhân viên vì theo cơ quan này, đây là thời điểm Afghanistan cần tới sự hỗ trợ nhiều nhất.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hôm qua đã lên tiếng kêu gọi Taliban ngừng ngay lập tức các cuộc tấn công, đồng thời cảnh báo rằng “tình hình Afghanistan đang vượt khỏi tầm kiểm soát”: “Xung đột lan sang các vùng đô thị có nghĩa là tiếp tục tàn sát - với cái giá phải trả cao nhất là tính mạng của thường dân. Tôi kêu gọi tất cả các bên lưu ý đến thiệt hại nặng nề của cuộc xung đột cũng như sức tàn phá của nó đối với dân thường. Tất cả các bên phải làm nhiều hơn nữa để bảo vệ thường dân. Tôi nhắc nhở tất cả các bên về nghĩa vụ pháp lý và đạo đức để thực hiện tất cả các biện pháp để bảo vệ thường dân. Các cuộc tấn công nhằm vào dân thường là vi phạm nghiêm trọng luật nhân đạo quốc tế và bị coi là tội ác chiến tranh”.

Ông Guterres kêu gọi các bên Afghanistan bắt đầu các cuộc đàm phán nghiêm túc” để tránh một cuộc nội chiến kéo dài, tránh để Afghanistan bị cô lập. Các nước phương Tây cũng nhiều lần tuyên bố đã sẽ không công nhận Taliban khi lực lượng này giành đất nước bằng vũ lực thay vì đàm phán.

Sau một cuộc họp nội bộ tại Anh về tình hình Afghanistan, Thủ tướng Boris Johnson hôm qua nhấn mạnh: “Bất kỳ ai tại Afghanistan cũng phải nhận ra rằng, phương Tây và Vương quốc Anh có lợi ích lâu dài trong việc không để Afghanistan một lần nữa trở thành mảnh đất nuôi dưỡng khủng bố. Chúng tôi sẽ sử dụng áp lực chính trị, kinh tế và ngoại giao lên các bên muốn làm điều đó. Tôi cũng nghĩ rằng, giải pháp quân sự không phải là điều các bên nên theo đuổi lúc này.”

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm qua cũng lấy làm tiếc về tình hình Afghanistan hiện nay, khẳng định Moscow chỉ ủng hộ giải pháp chính trị cho vấn đề với việc mọi lực lượng chính trị, sắc tộc ở Afghanistan tham gia đối thoại có sự nhượng bộ lẫn nhau.

Trong những tuần qua, hàng nghìn người dân Afghanistan đã phải di tản, thậm chí phải sang cả các quốc gia láng giềng, để tránh các cuộc giao tranh. Thế giới đang rất lo ngại về các cuộc khủng khoảng nhân đạo và tị nạn đang và sắp diễn ra một cách tồi tệ hơn.

Theo thông tin mới nhất, hôm nay (14/8), lực lượng Taliban đã chiếm được Pul-e-Alam, thành phố chỉ cách thủ đô Kabul của Afghanistan khoảng 70km.

Một thành viên Hội đồng địa phương cho biết, lực lượng Taliban chiếm được thành phố này mà không gặp nhiều kháng cự. Việc chiếm được thành phố này được cho sẽ là bàn đạp để Taliban tấn công vào Kabul.

Từ đầu tháng 5 vừa qua, Taliban đã phát động một cuộc tấn công quy mô lớn chống chính phủ Afghanistan, trong bối cảnh các lực lượng quốc tế tiến hành chiến dịch rút quân khỏi nước này, dự kiến kết thúc vào cuối tháng 8. Theo một nguồn tin tình báo của Mỹ, Taliban có thể cô lập thủ đô Kabul của Afghanistan trong 30 ngày và chiếm được thành phố này trong 90 ngày. Dự báo này cho thấy cục diện đã thay đổi đáng kể, vì mới trong tháng 6, tình báo Mỹ vẫn còn nhận định Taliban sẽ mất khoảng 6 tháng để chiếm Kabul./.

Đình Nam, Vũ Anh Tuấn/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/afghanistan-cang-nhu-day-dan-kabul-lam-nguy-phuong-tay-nhao-nhao-chay-882611.vov