Afghanistan: Cộng đồng quốc tế kêu gọi các bên nắm bắt cơ hội hòa bình

Phái đoàn Taliban tham dự cuộc hòa đàm với Chính phủ Afghanistan tại thủ đô Doha, Qatar ngày 7/7/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 12/9, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres bày tỏ hy vọng tiến trình hòa đàm Afghanistan vừa khởi động tại Qatar sẽ mang lại cơ hội giúp hàng triệu người dân nước này phải tha hương hoặc tị nạn vì xung đột có thể trở về nhà.

Trong phát biểu mới, Tổng Thư ký Guterres cho rằng một tiến trình hòa bình có sự hiện diện một cách "có ý nghĩa" của mọi đối tượng từ phụ nữ, người trẻ tuổi tới những nạn nhân trực tiếp của cuộc xung đột, sẽ mang lại hy vọng sáng nhất về một giải pháp bền vững.

Ông nhấn mạnh phụ nữ cần được tạo điều kiện tham gia tiến trình hòa đàm ở những vai trò khác nhau, để phản ánh những kinh nghiệm và kiến thức của phụ nữ Afghanistan ở mọi tầng lớp.

Trong khi đó, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg đánh giá sau gần hai thập kỷ xung đột, tiến trình hòa đàm lần này là cơ hội tốt nhất để mang lại hòa bình cho Afghanistan.

Nhấn mạnh một đất nước Afghanistan hòa bình và ổn định sẽ mang lại lợi ích cho tất cả, lãnh đạo NATO cho rằng các bên cần tham gia các cuộc hòa đàm một cách chân thành và hướng tới mục tiêu cuối cùng là chấm dứt bạo lực.

Tuy nhiên, NATO cũng cảnh báo rằng tình trạng bạo lực tại quốc gia này vẫn "ở mức cao không thể chấp nhận được", đồng thời kêu gọi Taliban "thực hiện các bước quyết định để chấm dứt bạo lực".

Ông cũng khẳng định NATO tiếp tục cam kết hỗ trợ huấn luyện và tài trợ cho các lực lượng an ninh Afghanistan để bảo vệ người dân nước này. NATO sẽ sát cánh cùng Afghanistan để bảo vệ những thành quả đã đạt được và để đảm bảo nước này không trở thành cơ sở hoạt động của khủng bố.

Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Joseph Borrell kêu gọi các bên đồng hành cùng tiến trình hòa đàm với mội lệnh ngừng bắn toàn diện và vô điều kiện, áp dụng ngay lập tức trên cả nước.

Quan chức EU cũng cho rằng các cuộc đàm phán cần phải bảo tồn và xây dựng trên những thành tựu chính trị, kinh tế và xã hội của người dân Afghanistan từ năm 2001, đặc biệt là về vấn đề quyền của phụ nữ.

Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar đã tái khẳng định chính sách nhất quán của New Delhi đối với Afghanistan, đồng thời kêu gọi tháo gỡ hiệu quả tình trạng bạo lực ở nước này.

Phát biểu trong phiên khai mạc hòa đàm Afghanistan tại Doha, ông Jaishankar nhắc lại quan điểm của Ấn Độ rằng bất kỳ tiến trình hòa bình nào cũng phải do Afghanistan làm chủ và kiểm soát, phải tôn trọng chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của Afghanistan và duy trì những tiến bộ đạt được trong quá trình thành lập Cộng hòa Hồi giáo dân chủ ở Afghanistan.

Tiến trình hòa đàm Afghanistan đã chính thức khởi động ngày 12/9 tại Qatar, chậm hơn 6 tháng so với dự kiến vì những bất đồng sâu sắc giữa Chính phủ Afghanistan và Taliban liên quan thỏa thuận trao đổi tù nhân.

Ttiến trình hòa đàm giữa Chính phủ Afghanistan và phiến quân Taliban đã khởi động tại Qatar, đánh dấu "thời khắc quan trọng" nhất trong gần hai thập kỷ xung đột bạo lực tại quốc gia này như Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo từng nhận định.

Phát biểu tại lễ khai mạc ở Doha, các phái đoàn đều thừa nhận nỗ lực đàm phán do Mỹ làm trung gian khởi động trong bối cảnh bạo lực vẫn tiếp diễn tại Afghanistan và chặng đường phía trước sẽ còn nhiều gian nan và phức tạp. Ngoại trưởng Pompeo nhận định, tiến trình đàm phán sau này chắc chắn sẽ gặp nhiều thách thức, do đó các bên cần nắm lấy cơ hội lần này để đảm bảo mang lại hòa bình cho Afghanistan.

Trong khi đó, lãnh đạo phái đoàn Chính phủ Afghanistan, Chủ tịch Hội đồng Tối cao hòa giải quốc gia Abdullah Abdullah nhắc đến những tổn hại mà cuộc xung đột kéo dài gần hai thập kỷ qua đã gây ra.

Trong đó, chỉ tính riêng từ khi Mỹ ký thỏa thuận với Taliban ngày 29/2 tới nay, đã có 12.000 dân thường thiệt mạng và hơn 15.000 người khác bị thương. Ông Abdullah hối thúc hai bên nhanh chóng đạt thỏa thuận ngừng bắn.

Tuy nhiên, người đứng đầu phái đoàn Taliban Mullah Abdul Ghani Baradar đã không đề cập tới bất cứ lệnh ngừng bắn nào. Taliban lâu nay luôn lo ngại việc giảm bạo lực sẽ làm giảm ảnh hưởng của phe này trên bàn đàm phán. Thay vào đó, thủ lĩnh của Taliban tái khẳng định thông điệp là Afghanistan cần phải được điều hành theo mô hình luật pháp Hồi giáo.

Taliban muốn tái định hình Afghanistan thành một tiểu vương quốc Hồi giáo, trong khi chính quuyền của Tổng thống Ashraf Ghani mong muốn duy trì một nền cộng hòa hiến pháp có sự ủng hộ của phương Tây với nhiều quyền lợi được giải phóng, trong đó có quyền tự do cho phụ nữ.

Tiến trình hòa đàm giữa Chính phủ Afghanistan và Taliban bắt đầu muộn hơn 6 tháng so với kế hoạch chủ yếu do những bất đồng sâu sắc giữa hai bên liên quan thỏa thuận trao đổi tù nhân đạt được hồi tháng 2. Hòa đàm giữa Chính phủ Afghanistan và Taliban là bước đi quan trọng tiếp theo trong thỏa thuận hòa bình giữa Mỹ và Taliban.

Hiện Chính phủ Afghanistan và Taliban vẫn còn nhiều quan điểm khác biệt trong nhiều vấn đề liên quan đến lệnh ngừng bắn, quyền của phụ nữ và việc tham gia chính phủ. Điều này có thể tạo ra những rào cản trong tiến trình đàm phán để chấm dứt cuộc chiến kéo dài 19 năm qua ở nước này.

L.H (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/245524/afghanistan--cong-dong-quoc-te-keu-goi-cac-ben-nam-bat-co-hoi-hoa-binh.html