Afghanistan đối mặt thảm họa tài chính

Giới chuyên gia tài chính quốc tế nhận định việc lực lượng Taliban tiếp quản Afghanistan càng đẩy nền kinh tế dựa vào tiền mặt của quốc gia này vào thế bế tắc.

Theo thống kê của Bloomberg, Afghani - đồng tiền của Afghanistan - giảm giá xuống mức thấp kỷ lục. Ngày 19/8, ngân hàng Afghan United ngừng cập nhật tỷ giá hối đoái trên mạng xã hội. Một ngày trước đó, ông, Ajmal Ahmady - Thống đốc ngân hàng trung ương - tiết lộ ông đã trốn ra nước ngoài.

Người dân Afghanistan đổ xô đi rút tiền mặt và Western Union cho biết tạm dừng dịch vụ chuyển tiền đến Afghanistan “cho đến khi có thông báo mới”. MoneyGram cũng tạm dừng các dịch vụ tài chính trên lãnh thổ Afghanistan.

Cộng đồng người Afghanistan ở nước ngoài không thể gửi tiền cho người thân tại quê nhà. Phần lớn người Afghanistan không có tài khoản ngân hàng, nhiều gia đình sống dựa vào tiền mặt do người thân ở nước ngoài - bao gồm Mỹ, Iran và Pakistan - gửi về.

 Binh sĩ Taliban canh giữ trụ sở cảnh sát ở Ghanzi ngày 19/8. Ảnh: AFP.

Binh sĩ Taliban canh giữ trụ sở cảnh sát ở Ghanzi ngày 19/8. Ảnh: AFP.

Thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy vào năm 2018, chỉ 10% người dân Afghanistan có tài khoản ngân hàng. Lượng kiều hối chiếm khoảng 4% GDP Afghanistan. Hiện toàn bộ GDP Afghanistan vào khoảng 78 tỷ USD, tương đương nền kinh tế bang Idaho (Mỹ). Nhưng dân số Afghanistan (37 triệu người) cao gấp 20 lần Idaho.

Theo NBC News, Serina - 27 tuổi, sống ở Mỹ - cho biết cô thường xuyên gửi tiền về cho gia đình ở Afghanistan thông qua dịch vụ MoneyGram, thường mỗi lần 400 USD. Hồi tháng 7, cô chuyển 700 USD và mới vài ngày trước, cô chuyển 400 USD.

“Tôi gửi tiền vào thứ 6 tuần trước để gia đình ở Kabul đi mua sắm vào ngày 14/8. Tới ngày 15/8 thì thành phố thất thủ. Tôi ước mình gửi nhiều tiền hơn nữa”, Serina nói.

Kể cả trước khi Taliban tiếp quản Afghanistan, lạm phát tại quốc gia này đã ở mức rất cao bởi đại dịch Covid-19 và tình hình chính trị bất ổn. Gần đây, giá bánh mì tại Afghanistan tăng dữ dội từ 0,26 USD lên 2,5 USD.

 Binh sĩ Taliban tại một khu chợ ở Kabul. Ảnh: Afghan TV.

Binh sĩ Taliban tại một khu chợ ở Kabul. Ảnh: Afghan TV.

Sau khi Taliban tiếp quản, các ngân hàng đóng cửa, do đó người Afghanistan rất khó tiếp cận tiền mặt. "Các ngân hàng Afghanistan đang cạn tiền mặt và không thể giao tiền cho người dân", bà Aisha Wahab - ủy viên Hội đồng thành phố Hayward (California). Đây là khu vực có cộng đồng người Afghanistan đông đảo.

Theo báo cáo tháng 6 của Liên Hợp Quốc, nguồn thu của Taliban chủ yếu xuất phát từ các hoạt động bất hợp pháp như sản xuất và buôn bán thuốc phiện, bắt cóc tống tiền, khai thác mỏ và thu thuế. Do đó, giới chuyên gia nhận định Taliban khó có thể quản lý tốt nền kinh tế tại Afghanistan.

“Tôi nghĩ sự kiểm soát sẽ rất cứng nhắc. Người Afghanistan ở nước ngoài sẽ rất khó chuyển tiền về nước”, Belinda Román - giáo sư kinh tế thuộc Đại học St. Mary (Mỹ) - nhận định.

Giáo sư Dwaine Plaza thuộc Đại học Oregon - chuyên nghiên cứu kiều hối - cho biết những gia đình khá giả ở Afghanistan thực tế đã chuẩn bị từ vài tuần trước. "Họ đã chuyển tiền thành vàng, bạc, hàng hóa... Đó là những thứ dễ trao đổi. Đối tượng chịu thiệt hại nhất sẽ là tầng lớp trung lưu và người nghèo khi thiếu tiền mặt", ông nhấn mạnh.

Chuyên gia Kay McGowan - nhà đồng sáng lập tổ chức Future State - cũng cho rằng nền kinh tế Afghanistan sẽ đối mặt vô vàn khó khăn. "Tình hình sẽ cực kỳ khó khăn trước khi ổn định trở lại", bà dự báo.

Linh Đỗ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/afghanistan-doi-mat-tham-hoa-tai-chinh-post1252985.html