Afghanistan đứng trước cơ hội lịch sử

Triển vọng thiết lập hòa bình ở Afghanistan sau gần 2 thập kỷ xung đột đang trở nên khả thi nhờ việc Mỹ và Taliban đạt được một thỏa thuận giảm bạo lực tạm thời, hướng đến các cuộc đàm phán chính trị toàn diện.

Phần lớn người dân Afghanistan khởi động tuần mới từ ngày 17-2 trong không khí yên ắng lạ thường, khi những tiếng nổ chát chúa không còn vang lên liên tục. Dù các bên đối địch ở Afghanistan có để xảy ra một số vụ đụng độ nhỏ, song máy bay Mỹ đã không xuất kích dội bom vào các mục tiêu như thường lệ.

Ngày 17-2 cũng không ghi nhận vụ đánh bom đẫm máu nào do Taliban gây ra. Hình ảnh do truyền thông địa phương ghi lại cho thấy nhịp sinh hoạt nhộn nhịp trở lại ở nhiều khu vực, vốn thường bị ảnh hưởng bởi giao tranh.

Những dấu hiệu tích cực trên có được nhờ một thỏa thuận giảm bạo lực tạm thời giữa Mỹ và Taliban, trong đó Taliban đã đồng ý đề xuất của Mỹ ngưng các hành động tiến công, bắn tên lửa và đánh bom liều chết trên khắp Afghanistan để vãn hồi niềm tin giữa hai bên trước khi tiến xa hơn trên bàn đàm phán, theo SkyNews.

Thông tin về thỏa thuận Mỹ-Taliban lần đầu được giới chức cấp cao Nhà Trắng công bố bên lề Hội nghị An ninh quốc tế diễn ra từ 14 đến 16-2 ở thành phố Munich của Ðức. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper tiết lộ văn kiện chỉ có thể đạt được sau nhiều phiên đàm phán căng thẳng ở Qatar.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gặp Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani ở Đức để thảo luận về các cuộc đàm phán với Taliban. Ảnh: AP

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gặp Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani ở Đức để thảo luận về các cuộc đàm phán với Taliban. Ảnh: AP

Ông Esper bày tỏ lạc quan thận trọng về thỏa thuận bước đầu với Taliban, cho rằng việc văn kiện được thực thi nghiêm túc sẽ khai mở một tiến trình chính trị hiệu quả. Về thỏa thuận toàn diện sau này, truyền thông Mỹ cho biết Mỹ và Taliban đang thảo luận về bốn điểm chính, gồm cam kết của Taliban không để các nhóm khủng bố và thánh chiến sử dụng Afghanistan làm nơi ẩn náu; Mỹ và NATO rút quân khỏi Afghanistan; khởi động đối thoại trực tiếp giữa các bên ở Afghanistan và cuối cùng là chấm dứt toàn diện xung đột.

Washington Post ngày 17-2 dẫn lời một lãnh đạo của Taliban tên Mullah Abdul Salam Hanafi, người dự các cuộc đàm phán ở Qatar, cho biết Mỹ và Afghanistan có thể ký thỏa thuận toàn diện nói trên ngày 29-2. “Dự thảo cuối cùng của thỏa thuận hòa bình đã được đưa ra”, quan chức Taliban nhấn mạnh. Trong khi đó, AP cho hay Taliban và các đảng phái Afghanistan sẽ khởi động đàm phán chính trị vào ngày 10-3-2020.

Những động thái tích cực này được xem dấu mốc quan trọng trong nỗ lực chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 19 năm, qua ba đời Tổng thống Mỹ, ở Afghanistan, và là một phần quyết tâm thực hiện cam kết rút quân đội Mỹ khỏi các cuộc chiến của Tổng thống Donald Trump.

Khi thời điểm nhiệm kỳ sắp kết thúc và đợt bầu cử mới chuẩn bị diễn ra, ông Trump có lí do để đẩy nhanh lời hứa đưa Mỹ ra khỏi “vũng lầy” Afghanistan. Về phía Taliban, các cuộc đàm phán rõ ràng sẽ mở ra tương lai chính trị rộng mở hơn cho lực lượng này.

Kể từ khi Mỹ đưa quân tới Afghanistan chiến đấu chống Taliban vào năm 2001, cuộc xung đột đã cướp đi sinh mạng hàng trăm ngàn dân thường, 62.000 quân nhân Afghanistan, hơn 3.500 binh sĩ thuộc liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu, trong đó quá 2/3 là lính Mỹ, và khoảng 65.000 tay súng Taliban.

Tuy nhiên, còn đó những ý kiến không mấy lạc quan khi chỉ ra Taliban và Mỹ vẫn bất đồng về lộ trình thực hiện cam kết. Taliban từ lâu đặt điều kiện lực lượng nước ngoài, gồm Mỹ và các nước NATO, phải rút hết trước khi khởi động một cuộc đối thoại nội bộ của người Afghanistan. Mỹ sẵn sàng rút quân sau khi kí thỏa thuận hòa bình, song chưa công bố lộ trình.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper ngày 15-2 chỉ khẳng định Mỹ bước đầu sẽ giảm quân số ở Afghanistan từ 12.000 xuống 8.600 người. Washington được cho là vẫn muốn duy trì lực lượng chuyên gia giúp chính quyền Afghanistan chống khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và al-Qaeda.

Một vấn đề khác là, Taliban đến nay vẫn từ chối đàm phán trực tiếp với chính phủ vì cho rằng chính quyền Afghanistan chịu sức ép từ bên ngoài. Ở Kabul, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani và phe đối lập thì lại đang tranh cãi gay gắt về chuyện lựa chọn đại diện tham gia đàm phán.

Tướng Jack Keane, cựu Phó Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, người từng nhận đề nghị giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ năm 2018, cho rằng thỏa thuận vừa rồi giữa Mỹ và Taliban chỉ nên xem là “khởi đầu của một quá trình dài và đầy thách thức”, theo Fox News.

“(Giới lãnh đạo-PV) Taliban không thể ngăn các tay súng tiếp tục chiến đấu, bởi Taliban không phải một tổ chức thống nhất”, ông Keane nói, nhắc đến tình trạng nhiều phe nhóm nội bộ Taliban từng công khai không muốn đàm phán với Mỹ. Tướng Keane thậm chí bày tỏ lo ngại Taliban có thể chỉ muốn hòa hoãn để chuẩn bị cho một chiến dịch quân sự khổng lồ trong tương lai.

Theo AP, Mỹ và Taliban trước đây vài lần thông báo về khả năng ký thỏa thuận hòa bình nhưng đều thất bại. Tháng 9-2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng sắp đạt thỏa thuận với Taliban, song sau đó ngừng đàm phán vì Taliban leo thang bạo lực.

Giới quan sát nhận định, thỏa thuận giảm bạo lực bước đầu rõ ràng được kỳ vọng có thể khởi động một tiến trình chính trị, tiến tới thiết lập nền hòa bình bền vững cho Afghanistan. Song, để vượt qua những thách thức hiện nay, điều quan trọng là các bên phải tiếp tục nỗ lực xây dựng và duy trì lòng tin, thúc đẩy đối thoại quốc gia và chấp nhận tổ chức bầu cử.

“Thời gian sẽ cho chúng ta biết Taliban có đáng tin hay không. Tại thời điểm này, chúng ta đều cố gắng mở ra một trang sử mới. Chuyện xảy ra trong quá khứ không thể thay đổi. Chúng ta sẽ cho Taliban một cơ hội nữa để thể hiện sự chân thành của họ với người Afghanistan và cộng đồng quốc tế”, Abdul Farid Zikria, nhà ngoại giao kì cựu Afghanistan bình luận.

Thiện Nhân

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/the-gioi-24h/afghanistan-dung-truoc-co-hoi-lich-su-582118/