Afghanistan lâm nguy!

Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani coi các cuộc đàm phán hòa bình với Taliban gần như 'đã chết'. Chính quyền Kabul đang tìm cách trang bị vũ khí cho dân quân địa phương và hợp tác với lãnh đạo các bộ tộc trong bối cảnh Taliban đang càn quét thần tốc, giành quyền kiểm soát nhiều thành phố Afghanistan, khiến quốc gia này rơi vào tình huống nguy hiểm nhất trong 20 năm qua.

Quân đội Quốc gia Afghanistan (ANA) tại một chốt kiểm soát ở tỉnh Herat hồi tháng 7. Ảnh: Reuters

Quân đội Quốc gia Afghanistan (ANA) tại một chốt kiểm soát ở tỉnh Herat hồi tháng 7. Ảnh: Reuters

Taliban siết chặt kiểm soát miền Bắc Afghanistan

Ngày 10-8, các tay súng Taliban đã siết chặt kiểm soát vùng lãnh thổ mà lực lượng này chiếm giữ ở miền Bắc Afghanistan. Theo Reuters, tại thị trấn Aibak, thủ phủ tỉnh Samangan trên tuyến đường chính giữa thủ đô Kabul và thành phố Mazar-i-Sharif, người dân địa phương cho biết các tay súng Taliban đang tiến vào các tòa nhà chính quyền địa phương, trong khi các lực lượng an ninh dường như đã rút khỏi thị trấn.

Các quan chức Chính phủ Afghanistan và các thủ lĩnh Taliban xác nhận trong những ngày gần đây lực lượng này đã chiếm giữ thủ phủ của 6 tỉnh ở miền Bắc, Tây và Nam nước này. Các tay súng Taliban đang tiến từ nhiều hướng đến thành phố lớn nhất vùng là Mazar-i-Sharif. Lực lượng này đối mặt với rất ít sự phản kháng của quân đội chính phủ. Người phát ngôn Taliban Zabihullah Mujahid cho biết, chính phủ Afghanistan đã mất kiểm soát tình hình trong nước và phong trào này sẽ sớm giành được Mazar-i-Sharif, thủ phủ của tỉnh Balkh.

Chuẩn bị cho nội chiến

Reuters dẫn các nguồn tin địa phương cho biết, bầu không khí tại Phủ Tổng thống Afghanistan hiện đang rất căng thẳng. Chính quyền của Tổng thống Ashraf Ghani cảm thấy ngày càng bị cô lập giữa bối cảnh các lực lượng quân sự nước ngoài do Mỹ dẫn đầu đang rút đi, trong khi Taliban ngày càng nhận được sự hậu thuẫn về mặt ngoại giao của Pakistan, Nga, Trung Quốc. Lối thoát của chính quyền lúc này là tập hợp các phe nhóm trong nước chống lại Taliban để chuẩn bị cho một cuộc nội chiến sắp xảy ra.

Trong khi đó, các cuộc đàm phán hòa bình giữa chính phủ với Taliban diễn ra tại Doha vẫn đang bế tắc. Theo người phát ngôn của Tổng thống Afghanistan - ông Mohammad Amiri, trong khi chính phủ của Tổng thống Ashraf Ghani vẫn sẵn sàng đàm phán, Taliban đã quay lưng lại với giải pháp chính trị. Theo chính quyền Afghanistan, Taliban không tin vào các cuộc đàm phán hòa bình. Họ đang cố giành quyền lực bằng vũ lực. Trong cuộc họp với người đứng đầu các bộ lạc và các nhà lãnh đạo chính trị ngày 9-8, Tổng thống Ashraf Ghani đã quyết định "huy động và trang bị vũ khí" cho lực lượng dân quân địa phương để chống lại Taliban. Kênh truyền hình Ariana News của Afghanistan dẫn tuyên bố của Văn phòng Tổng thống nêu rõ: "Cuộc họp đã đưa ra quyết định về việc hỗ trợ các lực lượng an ninh bảo vệ và giữ vững nền Cộng hòa, cũng như gắn kết, tăng cường và nhanh chóng trang bị cho quần chúng đứng lên chống lại các cuộc tấn công của kẻ thù".

Mỹ thực sự buông tay?

Ngày 9-8, Lầu Năm Góc tuyên bố, tình hình an ninh tại Afghanistan "đang không đi đúng hướng". Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby cho biết, Mỹ quan ngại sâu sắc về xu hướng tình hình an ninh tại Afghanistan, song tin tưởng lực lượng an ninh nước này có khả năng chiến đấu chống lại lực lượng nổi dậy. Ông Kirby nêu rõ: "Đây là các lực lượng quân sự của họ, đây là thủ phủ các tỉnh, người dân của họ, họ phải bảo vệ và điều này thực sự phụ thuộc vào giới lãnh đạo, liệu họ có sẵn sàng thể hiện mình vào thời khắc đặc biệt này?".

Khi được hỏi quân đội Mỹ có thể làm gì nếu lực lượng an ninh Afghanistan không chiến đấu, ông Kirby nói: "Không gì nhiều". Theo một số quan chức Mỹ, mặc dù quân đội từng cảnh báo Tổng thống Joe Biden vào đầu năm nay rằng các thủ phủ của tỉnh ở Afghanistan sẽ thất thủ khi quân Mỹ rút đi nhưng họ vẫn ngạc nhiên khi một số thủ phủ bị Taliban chiếm giữ quá nhanh.

Theo tờ New York Times, phản ứng này của Mỹ cho thấy rõ ràng cuộc chiến kéo dài 20 năm của Mỹ ở Afghanistan đã kết thúc. Lực lượng Afghanistan sẽ phải tự giành lại các thành phố hoặc nhìn chúng thuộc về Taliban. Các quan chức chính quyền cấp cao Mỹ cho rằng đà thắng như chẻ tre của Taliban cũng không thể khiến Tổng thống Joe Biden xem xét lại quyết định chấm dứt nhiệm vụ chiến đấu của Mỹ tại Afghanistan vào cuối tháng này.

AN BÌNH

Nhiều nước sơ tán nhân viên ngoại giao

Ngày 10-8, một nguồn tin trong chính phủ Ấn Độ cho biết, nước này sẽ tạm thời đóng cửa lãnh sự quán của mình ở thành phố Mazar-e-Sharif, miền Bắc Afghanistan, trong bối cảnh Taliban tuyên bố phát động một cuộc tấn công tại đó.

Nguồn tin trên nêu rõ: "Ấn Độ tạm thời đóng cửa lãnh sự quán của mình tại Mazar-e-Sharif ở Afghanistan. Tất cả các nhà ngoại giao ở đó sẽ được sơ tán hôm nay trong một chuyến bay đặc biệt". Trên trang Twitter, Lãnh sự quán Ấn Độ tại Mazar-e-Sharif cũng thông báo: "Một chuyến bay đặc biệt sẽ khởi hành từ Mazar-e-Sharif đến New Delhi. Bất kỳ công dân Ấn Độ nào ở trong và xung quanh Mazar-e-Sharif đều được yêu cầu trở về Ấn Độ trong chuyến bay đặc biệt dự kiến khởi hành vào tối nay".

Trước đó, tờ Arab News ngày 8-8 đưa tin Đại sứ quán Mỹ ở Afghanistan ra thông cáo kêu gọi công dân Mỹ lập tức rời khỏi nước này trong bối cảnh Taliban mở rộng kiểm soát các khu vực. Ngày 6-8, Anh cũng đề nghị công dân "xác nhận kế hoạch rời khỏi Afghanistan trong thời gian sớm nhất do tình hình an ninh ngày càng tồi tệ".

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_247939_afghanistan-lam-nguy-.aspx