Afghanistan: quân Mỹ và NATO rút đi, nhiều điều 'không rõ ràng' ở lại
Nói về cuộc chiến của Mỹ ở Afghanistan 10 năm sau cái chết của thủ lĩnh al-Qaida bin Laden, Tổng thống Biden nhấn mạnh, lý do Quân đội Mỹ ở lại nước này 'ngày càng không rõ ràng'. Giờ đây, việc rút quân đang diễn ra, người ta bàn về những điều 'không rõ ràng' sau lệnh rút quân của Biden.
Chính quyền Biden thừa nhận rằng việc rút toàn bộ quân Mỹ khỏi Afghanistan nơi quân đội Mỹ và liên quân đồn trú trong hai thập kỷ không phải là không có rủi ro, nhưng họ lập luận rằng chờ đợi một thời điểm tốt hơn để chấm dứt sự tham gia của Mỹ vào cuộc chiến thì không bao giờ có thể thực hiện được, trong khi các mối đe dọa cực đoan bùng phát ở những nơi khác.
Ngày 14/4, Biden tuyên bố rằng “chúng ta không thể tiếp tục kéo dài hoặc mở rộng sự hiện diện quân sự của mình ở Afghanistan, với hy vọng tạo điều kiện lý tưởng cho việc rút quân và mong đợi một kết quả khác”, “đã đến lúc chấm dứt cuộc chiến dài nhất của nước Mỹ”. Dưới đây là một số câu hỏi chưa được trả lời về việc rút quân của Biden.
Điều gì xảy ra sau khi các nước rút quân?
Các dự đoán rất khác nhau, từ thảm họa đến khó khăn phức tạp. Các quan chức không loại trừ một cuộc nội chiến gia tăng tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Afghanistan và có thể lan sang các quốc gia Trung Á khác, bao gồm cả Pakistan được vũ trang hạt nhân. Một kịch bản đáng hy vọng hơn là chính phủ Kabul làm hòa với lực lượng nổi dậy Taliban.
Trong cuộc điều trần tại Thượng viện Mỹ hôm thứ 20/5, David Helvey - một quan chức chính sách cấp cao của Lầu Năm Góc đã được hỏi làm thế nào ông có thể lạc quan khi chỉ trong vài tuần đầu tiên khi Mỹ rút quân, hàng trăm người Afghanistan đã thiệt mạng. “Tôi sẽ không nói rằng tôi lạc quan,” Helvey trả lời và nói thêm rằng một thỏa thuận hòa bình vẫn có thể.
Lực lượng Afghanistan sẽ chống đỡ như thế nào?
Chính quyền cho biết họ sẽ thúc giục Quốc hội tiếp tục ủy quyền hàng tỷ USD viện trợ cho quân đội và cảnh sát Afghanistan, và Lầu Năm Góc cho biết họ đang tìm cách cung cấp sự hỗ trợ và tư vấn bảo trì máy bay từ xa. Phần lớn công việc đó được thực hiện bởi các nhà thầu Mỹ, những người sẽ khởi hành cùng với quân đội Mỹ. Quân đội Mỹ cũng có thể đề nghị đưa một số lực lượng an ninh Afghanistan đến một nước thứ ba để huấn luyện. Nhưng không có điều khoản nào bao gồm đào tạo, tư vấn hoặc hỗ trợ tài chính, được đảm bảo.
Cũng không rõ liệu Mỹ có chi viện hỏa lực không quân để hỗ trợ lực lượng mặt đất Afghanistan từ các căn cứ bên ngoài nước này hay không. Afghanistan là trung tâm của cuộc xung đột đang diễn ra, nhưng lực lượng không quân nước này vẫn phụ thuộc vào các nhà thầu và công nghệ của Mỹ. Người Afghanistan có máy bay không người lái nhưng không phải loại được trang bị vũ khí, khiến chúng kém hiệu quả hơn trong chiến đấu.
Taliban sẽ gia nhập hay hỗ trợ al-Qaida?
Trong một thỏa thuận vào tháng 2/2020 với chính quyền Trump, Taliban đã cam kết cự tuyệt al-Qaida, nhưng lời hứa đó vẫn chưa được kiểm chứng. Điều này rất quan trọng trong bối cảnh Taliban trong những năm 1990 khi nắm quyền, đã sẵn sàng cung cấp nơi ẩn náu cho bin Laden và đồng bọn al-Qaida của hắn. Joseph J. Collins - một đại tá quân đội đã nghỉ hưu, người đã nghiên cứu cuộc chiến của Mỹ ở Afghanistan kể từ khi mới bắt đầu, lưu ý rằng, hai năm gần đây, Lầu Năm Góc đã cảnh báo Quốc hội về mối liên hệ lâu dài giữa al-Qaida và Taliban.
Trong một báo cáo tháng 6/2019, Lầu Năm Góc cho biết al-Qaida và chi nhánh có trụ sở tại Pakistan, al-Qaida ở Tiểu lục địa Ấn Độ, “thường xuyên hỗ trợ, huấn luyện, làm việc và hoạt động với các chiến binh và chỉ huy của Taliban”. Collins nghi ngờ việc Taliban đã thực sự từ bỏ quan hệ với al-Qaida. “Tôi không nghĩ rằng con báo đó đã thay đổi điểm của nó,” ông nói trong một cuộc phỏng vấn.
Đầu tháng này, cơ quan giám sát của chính phủ Mỹ đối với Afghanistan đã báo cáo với Quốc hội rằng, al-Qaida dựa vào Taliban để được bảo vệ. Báo cáo trích dẫn thông tin do Cơ quan Tình báo Quốc phòng cung cấp hồi tháng 4 cho biết, “hai nhóm đã củng cố mối quan hệ trong nhiều thập kỷ qua, có khả năng khiến cho việc chia rẽ tổ chức khó xảy ra”.
Các nỗ lực chống khủng bố của Mỹ sẽ như thế nào?
Lầu Năm Góc nói rằng tất cả các lực lượng đặc nhiệm của Mỹ sẽ rời đi không muộn hơn ngày 11/9. Điều đó sẽ khiến các hoạt động chống khủng bố ở Afghanistan, bao gồm cả việc thu thập thông tin tình báo về al-Qaida và các nhóm cực đoan khác, khó khăn hơn nhưng không phải là không thể. Câu trả lời của chính quyền cho vấn đề này là tiếp tục cuộc chiến “từ xa”. Đây là một khái niệm quen thuộc với quân đội, những người có phạm vi địa lý được mở rộng bằng sự ra đời của máy bay không người lái có vũ trang và các công nghệ khác.
Nhưng nó sẽ hiệu quả? Chính quyền vẫn chưa đưa ra bất kỳ thỏa thuận cơ sở hoặc tiếp cận nào với các quốc gia giáp biên giới với Afghanistan, chẳng hạn như Uzbekistan. Vì vậy, ít nhất là lúc bắt đầu, nó có thể phải dựa vào các lực lượng bố trí trong và xung quanh Vịnh Ba Tư, có nghĩa là thời gian phản ứng sẽ chậm hơn nhiều.
Còn về ngoại giao?
Chính quyền cho biết họ sẽ duy trì sự hiện diện của Đại sứ quán Mỹ, nhưng điều đó sẽ trở nên khó khăn hơn nếu việc rút quân dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền Afghanistan. Tuần trước, Tướng Mark Milley - Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân - nói với các phóng viên rằng, việc đảm bảo quyền tiếp cận sân bay quốc tế Kabul sẽ là chìa khóa cho phép Mỹ và các quốc gia khác duy trì các đại sứ quán. Ông này cho biết Mỹ và các đồng minh NATO đang xem xét một nỗ lực quốc tế để có được điều đó.
Một vấn đề liên quan nữa là số phận của thường dân Afghanistan - những người đã hỗ trợ các lực lượng Mỹ và liên quân - có thể bị Taliban hoặc các nhóm khác nhắm tới. Thông dịch viên và những người khác từng làm việc cho chính phủ Mỹ hoặc NATO có thể nhận được cái gọi là thị thực nhập cư đặc biệt (SIV) nhưng quá trình nộp đơn có thể mất nhiều năm. Zalmay Khalilzad - đặc phái viên của Washington tại Afghanistan - đã nói với Quốc hội rằng, chính quyền muốn bảo vệ những thường dân đó, nhưng đang cố gắng tránh sự hoảng sợ có thể bùng phát nếu xuất hiện ý nghĩ Mỹ khuyến khích “sự ra đi của tất cả những người Afghanistan có học vấn”, làm suy yếu tinh thần của các lực lượng an ninh Afghanistan./.