Afghanistan rèn quân 20 năm nhưng thất thế trong chốc lát

Quân đội Afghanistan áp đảo Taliban về quân số, trang thiết bị vũ khí, nhưng tinh thần chiến đấu kém, tham nhũng ở cấp chỉ huy khiến họ nhanh chóng bại trận khi Mỹ rút quân.

Tốc độ tiến công của Taliban đang khiến nhiều người ngạc nhiên. Các tỉnh liên tiếp thất thủ như hiệu ứng domino. Chỉ trong hơn một tuần, lực lượng này đã chiếm 10 thủ phủ các tỉnh quan trọng ở phía bắc và phía tây. Nói như New York Times, quân đội Afghanistan đầu hàng nhanh chóng như Taliban di chuyển.

Động lực của quân nổi dậy Taliban là quá rõ ràng. Họ đang đứng trước cơ hội lớn để tái nắm quyền, sau khi quân đội Mỹ từng đánh bại họ đã rút quân về nước, BBC cho biết.

Trong khi đó, chính phủ Afghanistan phải vật lộn để giữ quyền lực, khi sự hậu thuẫn về mặt quân sự lâu nay từ Mỹ đã không còn. Quân đội được Mỹ và Anh huấn luyện trong 20 năm qua không cho thấy bất kỳ sự tiến bộ nào trong tác chiến độc lập.

Rất nhiều chỉ huy quân đội Mỹ và Anh từng tuyên bố rằng đã đào tạo một quân đội Afghanistan hùng mạnh và có năng lực hơn. Nhưng những gì mà họ tuyên bố đã cho thấy rằng chỉ là lời nói suông.

Sức mạnh của Taliban

Sức mạnh thực sự của Taliban rất khó để đo lường. Theo Trung tâm chống khủng bố Mỹ tại West Point, ước tính sức mạnh cốt lõi của Taliban khoảng 60.000 tay súng. Với sự bổ sung của các nhóm dân quân và người ủng hộ, quân số có thể vượt quá 200.000 người.

 Binh sĩ Mỹ giám sát hoạt động tập luyện của các đồng nghiệp Afghanistan ở tỉnh Helmand năm 2016. Ảnh: New York Times.

Binh sĩ Mỹ giám sát hoạt động tập luyện của các đồng nghiệp Afghanistan ở tỉnh Helmand năm 2016. Ảnh: New York Times.

Tiến sĩ Mike Martin, cựu sĩ quan quân đội Anh, người đã theo dõi lịch sử xung đột ở tỉnh Helmand, Afghanistan, cho rằng đã có những sai lầm khi xem Taliban là một nhóm đơn lẻ.

Thực tế Taliban gần giống một liên minh lỏng lẻo của những người nắm quyền độc lập tạm thời liên kết với nhau. Trong khi đó, sức mạnh thực sự của Afghanistan nằm trong tay lãnh đạo các bộ lạc, những người có thể đổi phe để đảm bảo sự tồn tại của chính họ.

Những cuộc đổi phe này nhanh chóng tác động đến cục diện trên chiến trường. Đơn cử là trường hợp ở thành phố Aibak, tỉnh Samangan. Không lâu sau khi một cựu thượng nghị sĩ ở thành phố này đổi phe, gia nhập Taliban, thành phố này lập tức thất thủ.

Về trang bị vũ khí, Taliban thường dựa vào doanh thu từ buôn lậu ma túy để mua sắm vũ khí. Nhưng họ vẫn nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ bên ngoài, đáng chú ý nhất là Pakistan.

Gần đây, Taliban đã thu giữ nhiều vũ khí, trang thiết bị chiến đấu do quân đội chính phủ bỏ lại, gồm xe thiết giáp Humvee, kính nhìn đêm, súng máy, cối và pháo binh.

Sức mạnh của Taliban nằm ở tác chiến phi đối xứng, với các cuộc phục kích bằng thiết bị nổ tự chế IED, cùng với lợi thế về kiến thức địa phương và am hiểu địa hình.

Chiến lược tấn công của Taliban đã trở nên có bài bản hơn. Trong đợt tổng tấn công sau khi Mỹ rút quân. Họ tập trung vào các tỉnh phía bắc và phía tây, chứ không phải các thành trì truyền thống ở phía nam.

Taliban đã chiếm các cửa khẩu quan trọng ở biên giới, cắt đứt nguồn thu hải quan quan trọng của chính phủ. Taliban cũng đang thắng về mặt truyền thông, thúc đẩy tinh thần các tay súng và kéo họ đoàn kết hơn.

Tham nhũng bóp nghẹt quân đội Afghanistan

Xét về mặt lý thuyết, quân đội chính phủ Afghanistan vẫn nắm thế thượng phong với quân số áp đảo, hỏa lực mạnh. Lực lượng an ninh Afghanistan có quân số ít nhất 300.000 người, bao gồm quân đội, không quân và cảnh sát.

Nhưng trên thực tế, Afghanistan luôn phải vật lộn để đạt được chỉ tiêu tuyển quân. Quân đội và cảnh sát có một lịch sử trắc trở với thương vong cao, đào ngũ và tham nhũng. Một số chỉ huy vô đạo đức đã nâng khống quân số để chiếm đoạt tiền lương, còn gọi là “những người lính ma”.

Trong một báo cáo mới nhất trình lên Quốc hội Mỹ, tổng thanh tra đặc biệt về Afghanistan (SIGAR) bày tỏ sự quan ngại nghiêm trọng về tác động tiêu cực của nạn tham nhũng, cũng như sự nghi ngờ về quân số thực tế của quân đội Afghanistan.

 Những thống kê vượt trội về quân số, trang thiết bị chiến đấu không giúp gì nhiều cho quân đội Afghanistan trên chiến trường. Ảnh: Reuters.

Những thống kê vượt trội về quân số, trang thiết bị chiến đấu không giúp gì nhiều cho quân đội Afghanistan trên chiến trường. Ảnh: Reuters.

Ông Jack Watling, thuộc Viện dịch vụ thống nhất Hoàng gia Anh, cho biết ngay cả quân đội Afghanistan cũng chưa bao giờ biết chắc mình có bao nhiêu quân. Ông Watling cho biết thêm đã có vấn đề với việc duy trì thiết bị và tinh thần chiến đấu.

Những người lính thường được gửi đến các khu vực mà họ không có bất kỳ mối liên hệ nào với các bộ lạc hoặc gia đình. Đó là lý do họ nhanh chóng từ bỏ vị trí mà không cần chiến đấu.

Cũng theo báo cáo của SIGAR, tính đến tháng 7/2021, hơn 88 tỷ USD đã được chi cho an ninh Afghanistan. Số tiền này dùng để trả lương cho binh sĩ và trang bị vũ khí, chủ yếu từ Mỹ.

Nhưng vấn đề được giới phân tích quan ngại là số tiền đó được chi tiêu hợp lý hay không, và câu trả lời đã được chứng minh bằng kết quả cuộc giao tranh trên mặt đất.

 Những vùng màu xanh là khu vực kiểm soát của chỉnh phủ Afghanistan ngày càng ít đi. Đồ họa: BBC.

Những vùng màu xanh là khu vực kiểm soát của chỉnh phủ Afghanistan ngày càng ít đi. Đồ họa: BBC.

Quân đội Afghanistan có lợi thế về không quân, điều mà Taliban không đó. Lực lượng này đáng ra phải tạo ra sự khác biệt cho quân đội chính phủ, nhưng họ đã không làm được điều đó.

Không quân Afghanistan đang sở hữu 211 máy bay chiến đấu các loại, nhưng họ lại gặp rất nhiều khó khăn trong việc duy trì hoạt động, khi không có sự hỗ trợ của các nhà thầu tư nhân Mỹ.

Các phi công của quân đội chính phủ trở thành mục tiêu ám sát của Taliban, khiến sức mạnh không quân ngày càng yếu đi. Gần đây, Không quân Mỹ đã không kích vào các mục tiêu của Taliban ở Lashkar Gah, nhưng không rõ Mỹ sẽ duy trì nó trong bao lâu.

Lực lượng đặc nhiệm Afghanistan là đơn vị có sức chiến đấu mạnh nhất, nhưng với quân số khoảng 10.000 người. Lực lượng này đang bị dàn trải nhiều nơi, nên rất khó để giúp quân đội chính phủ lật ngược thế cờ.

Một vấn đề khác khiến quân đội Afghanistan thua nhanh hơn là nội bộ trở nên lục đục với việc thay đổi chỉ huy liên tục. Hôm 12/8, Tổng thống Ashraf Ghani đã sa thải tướng Wali Mohammad Ahmadzai, tổng tư lệnh lực lượng vũ trang Afghanistan. Ông chỉ mới được bổ nhiệm giữ chức vụ này 2 tháng trước.

Trung Hiếu

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/afghanistan-ren-quan-20-nam-nhung-that-the-trong-choc-lat-post1250593.html