Afghanistan: Taliban đề nghị các hãng hàng không nối lại đường bay quốc tế
Chính phủ lâm thời của Taliban tại Afghanistan ngày 26/9 kêu gọi nối lại các tuyến bay quốc tế, khẳng định rằng mọi vấn đề ở sân bay Kabul đã được giải quyết, đồng thời cam kết hợp tác đầy đủ với các hãng hàng không.
Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Taliban đang đẩy nhanh các nỗ lực mở cửa đất nước và giành được sự chấp nhận của quốc tế sau khi chính phủ được phương Tây ủng hộ ở Afghanistan sụp đổ hồi tháng trước. Một số ít các chuyến bay viện trợ và chở khách đã được hoạt động nhưng các dịch vụ vận tải thương mại vẫn chưa được nối lại kể từ khi sân bay quốc tế Hamid Karzai ở Kabul phải đóng cửa do tình trạng hỗn loạn trong lúc sơ tán hàng chục nghìn người nước ngoài và những người bản địa dễ bị tổn thương khỏi Afghanistan. Sân bay này sau đó đã được mở lại với sự hỗ trợ của các đội chuyên gia kỹ thuật từ Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ.
Một số hãng hàng không, trong đó có Pakistan International Airlines, đã đề xuất thực hiện các dịch vụ vận tải hạn chế và một số người đã có thể đặt vé, nhưng giá vé cao gấp nhiều lần mức bình thường.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Taliban, Abdul Qahar Balkhi cho biết việc ngừng các chuyến bay quốc tế đã khiến nhiều người Afghanistan bị mắc kẹt ở nước ngoài và ngăn cản nhiều người ra nước ngoài học tập hoặc làm việc. Ông nhấn mạnh: "Vì các vấn đề ở sân bay Kabul đã được giải quyết và sân bay này có thể phục vụ đầy đủ cho các chuyến bay nội địa và quốc tế, Vương quốc Hồi giáo Afghanistan đảm bảo sẽ hợp tác đầy đủ với tất cả các hãng hàng không".
Ngày 7/9, lực lượng Taliban đã thành lập một chính phủ lâm thời tại Afghanistan sau khi giành quyền kiểm soát thủ đô Kabul vào giữa tháng 8. Tuy nhiên, chính phủ lâm thời chưa được quốc tế công nhận và vấp phải những biện pháp trừng phạt. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đã ngừng mọi hoạt động viện trợ cho Afghanistan, trong đó có khoản tiền trị giá 340 triệu USD mà lẽ ra Kabul sẽ nhận được vào ngày 23/8 từ việc phân bổ quyền rút vốn đặc biệt (SDR). Trong khi đó, Mỹ cũng đang phong tỏa phần lớn trong số 9 tỷ USD tiền dự trữ của Afghanistan ở nước ngoài. Aghanistan đang đối mặt với nguy cơ khủng hoảng kinh tế càng thêm trầm trọng do giá lương thực và nhiên liệu tăng vọt trong khi cạn kiệt tiền mặt.
Trong phát biểu ngày 23/9, quyền Ngoại trưởng của chính phủ lâm thời, Amir Khan Muttaqi khẳng định quốc gia Tây Nam Á này muốn thiết lập quan hệ hữu nghị với cộng đồng quốc tế, trong đó bao gồm cả các nước láng giềng và trong khu vực. Ông Muttaqi khẳng định chính quyền mới ở Afghanistan sẽ không cho phép các thế lực sử dụng lãnh thổ của mình để chống lại bất kỳ quốc gia nào hay bất kỳ cá nhân nào.
Trong một diễn biến liên quan, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Vershinin thông báo Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) bàn về Afghanistan dự kiến diễn ra vào ngày 28/9 tới. Trước đó, Thủ tướng Italy, ông Mario Draghi, người hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên G20, cũng cho biết một hội nghị về Afghanistan đã được lên kế hoạch tổ chức sau tuần lề cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ).
Trong một diễn biến khác, phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur dẫn lời Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah ngày 26/9 cho biết Bộ Ngoại giao nước này đã bổ nhiệm ông Ahmad Azam Ab Rahman - Ủy viên Ủy ban Nhân quyền thường trực độc lập (IPHRC) của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) - làm cố vấn đặc biệt của bộ về Afghanistan.
Ngoại trưởng Saifuddin cho biết ông Ab Rahman sẽ giúp bộ tạo điều kiện cho các nỗ lực nhân đạo của các tổ chức phi chính phủ Malaysia. Ngoại trưởng cho biết thêm Malaysia sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ các diễn biến chính trị ở Afghanistan và dựa trên những đánh giá của riêng mình để giúp Afganistan tái thiết đất nước bị chiến tranh tàn phá.
Theo Ngoại trưởng Saifuddin, dù Malaysia chưa công nhận chính phủ của Taliban, nhưng cam kết hỗ trợ Afghanistan trong hoạt động viện trợ nhân đạo cũng như tái thiết và tái thiết đất nước. Malaysia cũng sẽ tiếp tục làm việc với LHQ, OIC và các tổ chức phi lợi nhuận như Mercy Malaysia và GPM để cung cấp hỗ trợ nhân đạo ở Afghanistan. Tính đến thời điểm hiện tại, Malaysia đã cam kết viện trợ 100.000 USD cho LHQ vì mục đích đó.
Ông Saifuddin cũng khuyến khích các doanh nghiệp Malaysia tìm kiếm cơ hội ở Afghanistan. Hiện có hai công ty Malaysia đã được mời thực hiện sửa chữa và bảo dưỡng tại Afganistan.