Afghanistan và những rào chắn lịch sử

Những khoảng trống quyền lực đặt cạnh vị trí địa lý cực kỳ quan trọng, từ xa xưa, đã luôn là một thứ ẩn họa khắc nghiệt đối với Afghanistan.

Những cuộc đàm phán hòa bình mới vẫn đang được thúc đẩy trên mảnh đất điêu tàn ấy, giữa chính quyền Kabul và lực lượng đối lập Taliban, khi những binh sĩ đồn trú cuối cùng của Mỹ cùng các đồng minh phương Tây đã sẵn sàng sắp xếp hành lý để trở về nhà và để lại không ít lo lắng từ giới quan sát. Những khoảng trống quyền lực đặt cạnh vị trí địa lý cực kỳ quan trọng, từ xa xưa, đã luôn là một thứ ẩn họa khắc nghiệt đối với Afghanistan.

"Vòng xoay Trung Á"

Đó là một biệt danh đầy tính tượng hình, và vô cùng chính xác để gọi vùng đất đóng vai trò là cửa ngõ vào tiểu lục địa Ấn Độ, đồng thời tọa trấn trên "Con đường tơ lụa" thời cổ nối từ Trung Quốc đến Địa Trung Hải. Rất nhiều tuyến đường thương mại hay di cư gặp nhau ở vùng đất mang tính "ngã tư đường" đó. Và bởi vậy, mặc dù cái tên Afghanistan mang nghĩa là "Vùng đất của người Afghan", thì ở đây, khái niệm "người Afghan" lại vẫn luôn mơ hồ.

Thực ra, cái tên ấy mới ra đời vào cuối thế kỷ 18, khi những ý niệm về quốc gia vẫn còn tương đối xa lạ. Vị vua lập quốc - người khai sinh ra Afghanistan hiện đại khi ấy, Ahmad Shah Durrani, trên thực tế, đã thống nhất các bộ lạc cùng chung sống tại miền đất đó, và tạo nên một điều kỳ vĩ: Đế chế Afghanistan. Đế quốc ấy, hay còn được gọi với cái tên chính xác hơn là Đế quốc Durrani, vào thời điểm cực thịnh, bao trùm cả Afhanistan, Pakistan, một số khu vực ở đông bắc Iran hiện đại, miền đông Turkmenistan và tây bắc Ấn Độ, bao gồm cả Kashmir.

Ahmad Shah Durrani - vị cha lập quốc của Afghanistan.

Ahmad Shah Durrani - vị cha lập quốc của Afghanistan.

Durrani từng bốn lần chinh phạt Ấn Độ, tiến đánh và cướp phá vào tận Dehli, nhưng ông chưa từng muốn lật đổ vương triều Moghul (Mughal) đang trị vì Ấn Độ khi đó, bởi họ thừa nhận uy quyền của ông tại những khu vực đã chiếm được. Trong đế quốc Durrani, kết cấu chủng tộc là vô cùng phong phú và đa dạng. Ở đó, người Ấn Độ, người Pashtun, người Uzbek, người Turk… và hàng chục sắc dân khác sống cạnh nhau. Nói cách khác, ở Afghanistan, có lẽ khó tìm thấy một bản sắc văn hóa và chủng tộc riêng biệt hay đặc trưng.

Điều này xuất phát từ việc suốt chiều dài lịch sử, khu vực ngã ba đường Tây - Trung - Nam Á đó liên tục bị xâm lăng bởi các đế quốc, từ Ba Tư, Hy Lạp của Alexandre đại đế hay nhà Seulekos tới các triều đại Hồi giáo, Mông Cổ, Thổ Nhĩ Kỳ hay Ấn Độ… và cũng là nơi khởi phát của rất nhiều quyền lực. Mỗi đợt sóng ấy quét qua, Afghanistan lại mang thêm trên diện mạo của mình những đường nét mới, đặc biệt là các yếu tố gắn liền với tôn giáo, mà nổi bật là Bái hỏa giáo cổ đại, các chi của Hồi giáo cũng như Ấn Độ giáo (đạo Brahman).

Tất yếu, sự gắn kết của một hỗn hợp nhiều sắc thái như vậy rất khó trở nên chặt chẽ và sâu sắc. Thành công của Ahmad Shah Durrani, xét cho cùng, được đặt trên nền tảng tài năng quân sự, tính sắt máu của ông nói riêng, và sức mạnh vượt trội đối với những sắc dân khác mà ông tạo được cho người Pashtun nói chung.

Giữa những "Ván cờ lớn"

Đến thời cận đại và hiện đại, những vấn đề của Afghanistan thường được nhìn nhận một cách dễ dãi, khi quy gần hết mọi nguyên nhân vào 10 năm mà quân đội Liên Xô (cũ) đồn trú ở đó. Điều này cũng dễ hiểu, khi Taliban của hiện tại thoát thai từ thời kỳ ấy, và nhận được sự ủng hộ rộng rãi của những tầng lớp trung thành với pháp luật Hồi giáo, cũng như với hoàng gia Afghanistan.

Có điều, ngược dòng lịch sử về thế kỷ 19, chúng ta sẽ nhận thấy một cách dễ dàng hơn, về những dấu ấn của thời thuộc địa - những điều vừa khiến Afghanistan trở nên biệt lập hơn với thế giới bên ngoài, vừa giàu những mầm chia rẽ hơn trong nội tại.

Có một thuật ngữ chính trị - ngoại giao quốc tế thời đó đã gần như bị quên lãng: "Ván cờ Lớn" (The Great Game) - cuộc cạnh tranh ảnh hưởng địa chính trị chiến lược giữa đế quốc Anh và đế quốc Nga tại khu vực Trung Á, từ 1813 đến 1907.

Trong "Ván cờ Lớn" đó, gần như suốt thế kỷ 19, nước Anh luôn tìm cách "tiên hạ thủ vi cường" nhằm khống chế mọi đường đi nước bước của Nga, và Luân Đôn xác định rằng mỗi bước tiến của quân đội Nga hoàng xuống Trung Á cũng sẽ là một hành động tạo nên nguy cơ cho Ấn Độ - thuộc địa trực trị vô cùng quan trọng của Anh.

Afghanistan mắc kẹt giữa hai làn đạn đó. Quả thật, nước Nga Sa hoàng, dù thực tế ưu tiên các cơ hội khuếch trương thanh thế ở châu Âu lục địa hơn, cũng vẫn khó có thể bỏ qua cơ hội củng cố vị thế ở những khu vực khác, đặc biệt là vùng trọng địa Trung Á. Và quả thật, họ trở thành một mục tiêu cần phải khống chế trong mắt Anh quốc.

Tranh miêu tả cuộc chiến tranh Anh - Afghanistan lần thứ nhất.

Tranh miêu tả cuộc chiến tranh Anh - Afghanistan lần thứ nhất.

Chiến tranh Anh - Afghanistan lần thứ nhất đã nổ ra trong bối cảnh ấy, từ năm 1839 đến năm 1842, mà trên danh nghĩa là cuộc chiến tranh giữa Công ty Đông Ấn thuộc Anh với Tiểu vương quốc Afghanistan - một mảnh tự trị thuộc Đế quốc Durrani đã suy thoái. 4.500 binh sĩ Anh - Ấn cùng khoảng 12.000 người ủng hộ họ thiệt mạng, nhưng đổi lại, quân Anh - Ấn đã gần như xóa sổ hoàn toàn những "người Afghan thuần khiết".

Cần phải làm rõ một số điểm: Khi ấy, Anh đề nghị với Tiểu vương quốc Afghanistan một liên minh chống Nga. Hoàng triều Afghanistan đồng ý, nhưng đề nghị Anh giúp chiếm lại kinh đô Peshawar đã mất về tay người Sikh. Vấn đề là người Anh không sẵn lòng. Họ nhận thấy quân đội hoàng gia Afghanistan chỉ là những nhóm ô hợp được tập trung vội vã từ các bộ lạc riêng lẻ. Trong khi đó, một thế lực khác - những người Dal Khansa, được Pháp hậu thuẫn và đào tạo các kỹ năng quân sự - lại đang nổi lên như đối thủ đáng lo ngại, đối với toàn bộ các khu vực thuộc Anh ở tiểu lục địa Ấn Độ. Nước Anh nhận ra rằng họ cần một đồng minh hùng mạnh hơn Afghanistan, để đương đầu với các nguy cơ. Trong lúc đó, Nga hoàng lại cử sứ giả tiếp xúc với Afghanistan, dĩ nhiên là để thương thảo về những cam kết mang tính thách thức đối với uy quyền của Anh.

Thế là, đế quốc Anh quyết định ra tay, năm 1839. Họ đè bẹp sức kháng cự của hoàng triều Afghanistan, lập nên một triều đình bù nhìn, với một hậu duệ của Ahmad Shah Durrani trên ngai vàng. Shuja - vị vua ấy - trả thù tàn bạo "những kẻ phản nghịch" đi theo hoàng triều cũ, trong khi 8.000 lính Anh được để lại đồn trú ở Afghanisrtan tạo nên những xáo trộn và khơi dậy những ngọn lửa "bài phương Tây" thù hận, khi hất nhào tất cả mọi lề luật Hồi giáo truyền thống, và gieo rắc sự tha hóa về đạo đức, bằng cung cách ngạo mạn và phóng đãng thực dân điển hình.

Người Afghanistan vùng dậy phản kháng, và phải đến Chiến tranh Anh - Afghanistan lần thứ ba (năm 1919), một nền hòa bình tương đối hữu hiệu và bền vững mới bắt đầu được duy trì. Anh chấp nhận trợ cấp một khoản lớn, để Afghanistan đừng gây thêm rắc rối cho họ - vốn đã quá mệt mỏi sau Đệ nhất Thế chiến; trong khi ngược lại, Afghanistan chấp nhận rằng mọi đường lối đối ngoại của họ đều phụ thuộc vào Anh, đồng thời họ sẽ "chỉ nhìn thế giới bên ngoài qua khung cửa Ấn Độ".

Kể từ ba cuộc chiến tranh - xung đột đó, mối ác cảm với những giá trị phi Hồi giáo đã trở nên sâu sắc đến không thể khỏa lấp, trong xã hội Afghanistan. Cũng kể từ chặng bể dâu đó, rồi tới những năm tháng bị kẹt trong Chiến tranh Lạnh (với quân đội Liên Xô đồn trú), qua những khoảng thời gian Taliban tái áp đặt những định chế pháp luật hà khắc đậm đặc màu sắc Hồi giáo lên đất nước, hủy hoại tất cả mọi thứ tự do mang xu hướng văn minh, đến khi quân đội Mỹ cùng đồng minh tiến vào Kabul năm 2001, những hố ngăn cách giữa các giai tầng, các cộng đồng, các khuynh hướng chính trị trong xã hội Afghanistan cũng càng trở nên rõ rệt.

Một lộ trình hòa bình, với những điều khoản khả dĩ có thể làm hài lòng tất cả mọi phía tham gia vào thời điểm hiện tại, bởi vậy, là triển vọng vô cùng mờ mịt. Bởi, những khái niệm "tinh thần dân tộc" hay "ý thức quốc gia", theo những biến động lịch sử, thường bị đặt dưới nhiều yếu tố khác, ở Afghanistan.

* Sau cái chết của Ahmad Shah vào khoảng năm 1772, con trai ông Timur Shah trở thành hoàng đế kế vị của triều đại Durrani, người đã quyết định biến Kabul thành thủ đô mới của đế chế, và sử dụng Peshawar làm thủ đô mùa đông. Triều đại Durrani thành lập năm 1747, và kết thúc năm 1842.

* Cha đẻ của thuật ngữ "The Great Game", không phải ai khác, chính là huân tước, nhà văn nổi tiếng, cũng là một nhà tình báo người Anh Rudyard Kipling. Ở phía ngược lại, người Nga gọi cuộc đối đầu này là "Trận thư hùng bóng đêm" (Turiny Teney).

Mây Linh

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/afghanistan-va-nhung-rao-chan-lich-su-635981/