Agribank làm giàu cùng khách hàng

Với triết lý kinh doanh mang phồn thịnh đến khách hàng, đặc biệt là khu vực nông thôn Agribank Tuyên Quang luôn đồng hành, hỗ trợ vốn để cùng làm giàu.

Cán bộ Ngân hàng Agribank kiểm tra dự án vay vốn trồng cam theo tiêu chuẩn hữu cơ tại huyện Hàm Yên.

Cán bộ Ngân hàng Agribank kiểm tra dự án vay vốn trồng cam theo tiêu chuẩn hữu cơ tại huyện Hàm Yên.

Chỉ với 100 triệu đồng vốn vay từ Agribank, anh Nguyễn Danh Trung, thôn Cầu Giát, xã Phúc Ninh (Yên Sơn) đã chuyển đổi thành công mô hình sản xuất. Anh Trung cho biết, trước đây gia đình cũng trồng bưởi. Nhưng do thiếu vốn, kỹ thuật nên chỉ trồng đại trà. Năm 2020, vay được vốn từ Agribank, anh chuyển đổi phương thức sản xuất từ đại trà sang hữu cơ, với kỹ thuật thâm canh cao.

Anh Trung chia sẻ, vườn bưởi của gia đình giờ có chế độ chăm sóc đặc biệt, tưới nước đạm cá, đỗ tương và phân chuồng hoai mục. Chế độ chăm sóc đặc biệt, đã tạo ra chất lượng bưởi vượt trội. Hiện bưởi của gia đình luôn được thương lái đến tận vườn mua, với giá 8.000 đồng/quả đối với bưởi diễn và 20.000 đồng/kg với bưởi da xanh. Theo anh Trung chuyển đổi mô hình sản xuất, nguồn thu từ trồng bưởi của gia đình đã tăng gần gấp 2 lần, vụ bưởi năm nay, chỉ riêng bưởi da xanh đã mang về cho gia đình 100 triệu đồng, chưa kể vườn bưởi diễn 150 cây chuẩn bị cho thu hái.

Cũng từ nguồn vốn vay của Agribank, anh Phạm Văn Hợi, thôn Cây Thông, xã Hợp Thành (Sơn Dương) từ một nông dân đã trở thành giám đốc Hợp tác xã gia cầm Hợp Thành với 7 thành viên. Anh Hợi chia sẻ, trước đây anh cũng như bao nông dân khác do không có vốn nên việc chăn nuôi gà chỉ là tận dụng nguồn thức ăn dư thừa.

Bắt đầu từ năm 2017, Agribank tạo điều kiện để vay vốn anh đã mở rộng chuồng trại, thành lập hợp tác xã và liên kết đầu tư chăn nuôi quy mô lớn. Hiện đàn gà của hợp tác xã luôn duy trên 30 - 40 nghìn con, trong đó gia đình anh Hợi có 10 nghìn con gà. Anh Hợi khoe, trong năm 2024 này Hợp tác xã sẽ hoàn thành chuỗi sản phẩm gà an toàn khép kín (tức là từ chăn nuôi - giết mổ và tiêu thụ với hệ thống kênh phân phối tại huyện Sơn Dương), để nâng cao giá trị con gà thương phẩm của hợp tác xã và khẳng định nhãn hiệu sản phẩm gà an toàn Hợp Thành.

Vườn bưởi diễn của gia đình anh Nguyễn Danh Trung, thôn Cầu Giát, xã Phúc Ninh (Yên Sơn).

Vườn bưởi diễn của gia đình anh Nguyễn Danh Trung, thôn Cầu Giát, xã Phúc Ninh (Yên Sơn).

Theo báo cáo của Agribank Tuyên Quang, tính đến hết năm 2023, dư nợ tín dụng trong toàn tỉnh đạt trên 10,2 nghìn tỷ đồng, trong đó dư nợ ngắn hạn trên 5 nghìn tỷ đồng, dư nợ trung hạn trên 3,5 nghìn tỷ đồng và dư nợ dài hạn gần 1,7 nghìn tỷ đồng, riêng dư nợ tín dụng trong nông nghiệp chiếm 68% tổng dư nợ.

Ông Dương Tuấn Phương, Phó Trưởng phòng Dịch vụ - Maketting Agribank Tuyên Quang chia sẻ, qua khảo sát của các phòng giao dịch, hầu hết khách hàng vay vốn của Agribank đều sử dụng nguồn vốn hiệu quả, đúng mục đích, gia tăng lợi nhuận từ đồng vốn vay.

Đồng chí Vũ Thành Trung, Chủ tịch UBND xã Phúc Ninh (Yên Sơn) khẳng định, hết năm 2023, toàn xã có trên 100 hộ vay vốn từ Agribank, với tổng dư nợ 20,1 tỷ đồng, các hộ vay vốn đều sử dụng nguồn vốn hiệu quả, đầu tư phát triển kinh tế vườn, nuôi trồng thủy sản, mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, góp phần giữ vững tiêu chí về thu nhập của xã trong xây dựng nông thôn mới.

Theo lãnh đạo Agribank, sự phồn thịnh của khách hàng cũng là sự phồn thịnh của Agribank. Năm 2024 và những năm tiếp theo, Agribank tiếp tục tạo mọi điều kiện, sẵn sàng tiếp sức và đồng hành cùng khách hàng hiện thực hóa những giấc mơ làm giàu.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/kinh-te/tai-chinh-thuong-mai/agribank-lam-giau-cung-khach-hang-186580.html