Agribank Tuyên Quang huy động nguồn vốn hiệu quả

Trong điều kiện kinh tế gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và những biến động của thị trường thế giới, nhưng 5 năm qua, Agribank Tuyên Quang đã thực hiện đa dạng các hình thức huy động vốn, triển khai nhiều sản phẩm mới để thu hút khách hàng, khoán huy động vốn đến từng cán bộ, do đó nguồn vốn huy động tại địa phương tăng trưởng khá.

Nguồn vốn huy động của ngân hàng đã góp phần cân đối cho vay phát triển các thành phần kinh tế. Đến thời điểm này, tổng nguồn vốn huy động tại địa phương đạt hơn 7.469 tỷ đồng, tăng 3.774 tỷ đồng so với năm 2015. Trong đó, nguồn tiền gửi dân cư đạt 7.209 tỷ, tăng 3.906 tỷ đồng so với năm 2015, tỷ trọng tiền gửi dân cư chiếm 96,5% trong tổng nguồn vốn huy động. Đạt được kết quả này, Agribank Tuyên Quang đã triển khai các chương trình tiết kiệm dự thưởng; bám sát các dự án kinh tế tại các địa phương để triển khai cho vay theo nhu cầu; phát huy vai trò của mỗi cán bộ và các tổ tiết kiệm vay vốn ở thôn, bản, tổ dân phố trong việc huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong dân.

Nhân viên Agribank Tuyên Quang hướng dẫn khách hàng thực hiện các giao dịch.

Nhân viên Agribank Tuyên Quang hướng dẫn khách hàng thực hiện các giao dịch.

Chị Đinh Thị Quỳnh Mai, Phòng Khách hàng hộ sản xuất và cá nhân cho biết, đội ngũ cán bộ của Agribank đều được giao khoán chỉ tiêu huy động vốn. Để hoàn thành chỉ tiêu mỗi tháng huy động 2 tỷ đồng tiền gửi tiền tiết kiệm trong dân, chị phải năng động và có mối quan hệ tốt với khách hàng. Từ các mối quan hệ đó chị vận động người dân gửi tiết kiệm tại ngân hàng.

Agribank tập trung đầu tư vốn cho các dự án sản xuất kinh doanh có hiệu quả của các thành phần kinh tế. Trọng tâm là cho vay phục vụ nông nghiệp, nông thôn đạt 6.285 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 85%/tổng dư nợ; dư nợ cho vay xây dựng nông thôn mới là 2.394 tỷ đồng; dư nợ cho vay xây dựng hầm bioga, công trình vệ sinh, phát triển trang trại, sản xuất hàng hóa đối với một số cây trồng, vật nuôi 87 tỷ đồng. Nhiều hộ được vay vốn của Agribank đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng trọt đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Chị Trần Thị Hằng, thôn Cây Xi, xã Cấp Tiến (Sơn Dương) được Agribank cho vay 100 triệu đồng đầu tư chăn nuôi 3 bò sinh sản và 1 con bò đực giống từ năm 2015. Chị tận dụng đất đai trồng cỏ, xây dựng chuồng trại quy củ, tiêm phòng vắc xin phòng bệnh đầy đủ cho đàn bò. Từ nuôi bò, gia đình chị có cuộc sống ngày càng khá hơn. Tổng thu nhập mỗi năm của gia đình chị đạt 200 triệu đồng, trong đó chủ yếu từ bán bò thương phẩm và bò giống. Chị Hằng chia sẻ, nếu không có nguồn vốn vay của Agribank thật khó để gia đình chị đầu tư chăn nuôi nâng cao thu nhập. Theo chị Hằng, để sử dụng hiệu quả nguồn vốn, yêu cầu quan trọng nhất là nắm vững kỹ thuật chăn nuôi, tiêm phòng đầy đủ cho đàn vật nuôi để hạn chế dịch bệnh.

Agribank thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng. Theo đó, Agribank lựa chọn các dự án có hiệu quả, khả thi, đủ điều kiện vay vốn để đầu tư; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cơ cấu nợ theo đúng quy định, xử lý thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn nên chất lượng tín dụng về cơ bản được đảm bảo. Đơn vị đã thực hiện phân loại nợ, trích lập và xử lý rủi ro theo đúng quy định để nâng cao chất lượng tín dụng. Tỷ lệ nợ xấu chỉ chiếm 1,13% trên tổng dư nợ, nằm trong tầm kiểm soát và dưới mức khống chế.

Cùng với đẩy mạnh huy động nguồn vốn, nâng cao chất lượng tín dụng, Agribank Tuyên Quang đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước và làm tròn trách nhiệm an sinh xã hội. Trong 5 năm qua, tổng số thuế, phí các loại Agribank Tuyên Quang nộp ngân sách Nhà nước 15,63 tỷ đồng; ủng hộ gần 20,5 tỷ đồng cho công tác an sinh xã hội, trong đó hỗ người nghèo hơn 6 tỷ đồng, hỗ trợ giáo dục gần 14 tỷ đồng, còn lại là các hoạt động xã hội khác.

Bài, ảnh: Thùy Linh

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/tai-chinh-thuong-mai/agribank-tuyen-quang-huy-dong-nguon-von-hieu-qua-133966.html