Ai bắt Điêu Thuyền 'đẻ' trước 1.000 năm?
Giadinh.net - Điêu Thuyền họ Nhiệm, con gái Nhiệm Ngang, tên là Hồng Xương, làm nhiệm vụ coi giữ kho mũ lông điêu, nên có tên là Điêu Thuyền.
Đổng Trác thay vua này bằng vua khác, Viên Thiệu lập vua mới trong khi vẫn còn vua cũ, Viên Thuật tự lập làm vua. Hành động của những người này càng chứng tỏ Tào Tháo là một nhà chính trị thiên tài. Vì rằng, chỉ Tào Tháo mới có được một sách lược mà giá thành thấp nhất, ít rủi ro nhất, hiệu quả lại cao nhất. Đó là sách lược gì?
Sách lược “phụng thiên tử”
Đó là sách lược rước vua về căn cứ địa của Tào Tháo và cung phụng hết sức tử tế. Sau đó, dùng danh nghĩa hoàng đế, tức danh nghĩa quốc gia, sai khiến thiên hạ, chinh phạt những kẻ chống đối.
Đó chính là cái câu người ta gán cho Tào Tháo: “Lợi dụng thiên tử để sai khiến chư hầu” (hiệp thiên tử di lệnh chư hầu). Thực ra, cái gọi là “ép thiên tử” hoặc “lợi dụng thiên tử” cũng nên thảo luận cho ra nhẽ, nếu là do Tháo chủ trương và có thể thực hiện được hay không, đều có thể bàn. Vì rằng, “ép hoặc lợi dụng thiên tử” không phải là lời của Tào Tháo hoặc các mưu sĩ của ông ta, mà là từ cửa miệng những người khác gán cho ông ta.
Tỉ như Gia Cát Lượng nói Tháo là “dùng danh nghĩa thiên tử để ra lệnh cho chư hầu” (hiệp thiên tử dĩ lệnh chư hầu); Tập đoàn Tôn Quyền nói Tháo “lợi dụng thiên tử để chinh phạt bốn phương” (hiệp thiên tử dĩ chính tứ phương); Viên Thiệu thì xưng xưng: “Lợi dụng danh nghĩa thiên tử sai khiến ta” (hiệp thiên tử dĩ lệnh ngã). Đấu tranh chính trị khi ấy rất quyết liệt, lời các đối thủ chưa chắc đã chính xác.
Về phía Tào Tháo, ông ta chỉ nói “phụng thiên tử dĩ lệnh bất thần”. “Phụng” tức “phụng sự” (phò tá, giúp rập) là “giúp vua”, dĩ lệnh bất thần”, tức ”lệnh cho những kẻ li khai phải phục tùng nhà vua (tức chính quyền trung ương).
Vì vậy “phụng thiên tử” khác về bản chất so với “hiệp (ép, lợi dụng) thiên tử”.
Minh oan cho mỹ nhân Điêu Thuyền
Vậy ai đề xuất sách lược “phụng thiên tử” với Tào Tháo? Tào Tháo đã thực thi như thế nào và kết quả ra sao?
Trước khi bàn vấn đề trên, ta hãy điểm ngắn gọn tình hình khi đó. Năm Sơ Bình thứ ba đời Hán Hiến đế (192 sau công nguyên), Tư đồ Vương Doãn liên kết với Lã Bố làm cuộc đảo chính cung đình, giết Đổng Trác. Tam quốc diễn nghĩa nói Vương Doãn dùng con gái nuôi là Điêu Thuyền làm mỹ nhân kế để ly gián cha con Đổng Trác. Đó là hư cấu. Nhân đây cũng xin minh oan cho Điêu Thuyền. Điêu Thuyền là nhân vật trong kịch đời nhà Nguyên, tức một nghìn năm sau, chứ không phải ở thời Tam quốc.
Tạp kịch đời nhà Nguyên là Liên hoàn kế, nói Điêu Thuyền họ Nhiệm, con gái Nhiệm Ngang, tên là Hồng Xương, làm nhiệm vụ coi giữ kho mũ lông điêu, nên cô ta có tên là Điêu Thuyền. La Quán Trung lôi cô ta lội ngược thời gian 1.000 năm để phục vụ cho màn diễn mỹ nhân kế trong Tam quốc diễn nghĩa. Riêng chi tiết này cũng cho thấy phần nào tính thiếu xác thực của Tam Quốc diễn nghĩa so với sự thật lịch sử.
Nhưng chuyện Đổng Trác và Lã Bố giành nhau mỹ nữ thì có. Vì một chuyện cỏn con ấy mà Đổng Trác cầm kích ném Lã Bố thì có. Lã Bố ca cẩm chuyện này với Vương Doãn, nói Đổng Trác mấy bận định giết anh ta, khiến anh ta rất sợ. Chuyện này có chép trong Tam quốc chí. Lã Bỗ truyện: Vương Doãn biết chuyện, liền rủ anh ta nhập bọn, đảm nhiệm vai trò sát thủ. Lã Bố băn khoăn về danh nghĩa cha con nên không nỡ ra tay. Vương Doãn nói: “Ông họ Lã, đâu phải ruột thịt, lúc Đổng Trác cầm kích ném ông, thì có còn cha con nữa không?”. Lã Bố nghe ra, giết Đổng Trác ngay tại triều đường.
Sai lầm không thể tha thứ của Vương Doãn
Đổng Trác bị giết, thiên hạ vui mừng. Theo Tam quốc chí. Đổng Trác truyện. Bùi Trùng Chi chú dẫn anh hùng ký, xác Đổng Trác bị phơi trên phố, lính gác lấy bấc đèn cắm vào rốn Trác, châm lửa cháy như đèn dầu.
Nhưng sau khi thắng lợi, Vương Doãn phạm phải sai lầm không thể tha thứ như Viên Thiệu, giết hàng loạt người vô tội. Bố đẻ Sái Văn Cơ là đại học giả Sái Ung cũng không thoát. Theo Tam quốc chí. Đổng Trác truyện. Bùi Tùng Chi chú, dẫn Hậu Hán thư của Tạ Thừa: Khi giết Sái Ung, rất nhiều người can ngăn. Vương Doãn nói, năm xưa Hiếu Võ đế không giết Tư Mã Thiên, hậu quả là để lọt Sử ký - một cuốn sách tai hại. Nay vận nước rối ren, giặc giã khắp nơi, binh lính Đổng Trác còn đóng ở ngoại thành, để kẻ gian cầm bút bên cạnh ấu chúa sao được?
Bùi Tùng Chi cho rằng chưa chắc Vương Doãn nói vậy, nhưng chuyện Vương Doãn giết Sái Ung, giết nhiều người vô tội, là có thực.
Vậy nên, bộ hạ Đổng Trác liều mạng đánh vào Trường An, hậu quả là Vương Doãn lại bị bêu thây ngoài phố, chỉ mỗi Lã Bố mở đường máu chạy ra khỏi Vũ quan, đến Nam Dương nhập bọn với Viên Thuật. Triều chính rơi vào tay Lý Giác và Quách Tự, bộ hạ của Đổng Trác. Hai tên này cũng chẳng kém Đổng Trác, hành hạ vua tới số. Hán Hiến đế rơi vào tình cảnh tránh hùm gặp hạm. Tệ hại hơn, hai tên tranh ăn, nội bộ lục đục. Lý Giác đem vua về doanh trại của y. Quách Tư thì bắt bá quan văn võ đem về doanh trại làm con tin. Về sau, cả hai kiệt sức, quân sĩ chết hàng vạn, tình hình mới lắng xuống.
Tháng bảy năm Hưng Bình thứ hai (196 sau công nguyên), bộ tướng của Lý Giác là Dương Phụng và cháu của Đổng Thái hậu là Đổng Thừa rước vua về Lạc Dương. Một năm trời lang thang, vua trở thành “lãng tử”, tháng bảy năm Kiến An thứ nhất, mới về đến Lạc Dương. Nhìn kinh thành đổ nát, nhà vua muốn khóc mà không còn nước mắt.
Loạn lạc là nỗi bất hạnh lớn cho đất nước, nhưng lại là dịp may để các chư hầu Quan đông tranh bá đồ vương. Đồng thời cũng là một sự thử thách lòng trung nghĩa với đất nước với dân tộc, và cũng là cơ hội đế các vị Quan đông phát triển thế lực.
Cuộc đối thoại chiến lược với Mao Giới
Giờ đây nhìn lại, chỉ mỗi Tào Tháo là nắm bắt được cơ hội ngàn vàng đó. Sau khi tiếp quản Cổn Châu, Tào Thào có cuộc đối thoại với mưu sĩ Mao Giới. Cuộc đối thoại này đặt nền móng cho chiến lược chính trị, kinh tế và quân sự của Tào Tháo trong một thời gian dài sau đó.
Mao Giới phân tích tình hình, nói với Tháo, giờ đây thiên hạ rối ren (thiên hạ phân băng), hoàng đế phiêu dạt (quốc chủ thiên di), kinh tế suy sụp (sinh dân phế nghiệp) tai họa đầy rẫy (cơ cẩn lưu vong) , có thể nói, đất nước không yên (công gia vô kinh tuế chi trù), dân tình chán nản (bách tính vô an quốc chi chí). Tình hình này khó có thể tồn tại (nam dĩ trì cửu). Lúc này rất cần người có tài để cứu vãn tình thế, và cũng là lúc dựng nghiệp Bá (Bá vương chi nghiệp). Những người có điều kiện, tỉ như Viên Thiệu, Lưu Biểu tuy có thực lực (sĩ dân chúng cường) nhưng tầm nhìn hạn hẹp (vô kinh viễn chi lự) và không có căn bản (vị hữu thụ cơ kiến bản giả dã).
Căn bản là gì? Một là chính nghĩa. Hai là thực lực. Thực lực, trước hết là thực lực kinh tế. Vì rằng quân đi lương thảo đi theo. Không có lương thực, làm sao đánh giặc? Trên thực tế, chiến tranh không chỉ là cuộc đọ sức về quân sự, mà còn là cuộc đọ sức về kinh tế.
Đương nhiên, chiến tranh không chỉ đọ sức về thực lực, mà còn đọ sức về nhân tâm, được lòng người sẽ được thiên hạ. Có chính nghĩa thì danh chính ngôn thuận, mới có khả năng giành thắng lợi, vậy nên có câu binh nghĩa giả thắng (có chính nghĩa mới đánh thắng). Có sức mạnh kinh tế thì sĩ khí mới cao, mạnh vì gạo bạo vì tiền, tiến thoái ung dung, đó gọi là thủ vị dĩ tài. Tóm lại, có đủ hai điều kiện đó, khi tiến có thể đánh, khi lui có thể giữ (tiến khả công, thoái khả thủ).
Kính cẩn tiếp thu “lời vàng” mưu sĩ
Mao Giới kiến nghị với Tào Tháo 3 điều: Phụng sự vua, lấy danh nghĩa vua mà thảo phạt kẻ chống đối; phát triển nông nghiệp, trữ lương thực cho quân đội. Làm được vậy sẽ nên nghiệp bá (phụng thiên tử nhi lệnh bất thần, tu canh thực, xúc quân tư. Như thử tắc bá vương chi nghiệp khả thành dã).
Vì sao phải phụng sự nhà vua? Vì vua không những là nguyên thủ quốc gia, mà còn là con trời, tức “thiên tử”, cũng là cha của thiên hạ, tức “vua cha” (quân phụ). Quan niệm này hình thành từ đời Tây Chu. Đời Tây Chu tuy không gọi là hoàng đế, nhưng từ “thiên tử” thì có, tức Chu vương, ”chủ của mọi người” (thiên hạ cộng chủ).
Sau đó, Tần Thủy Hoàng diệt 6 nước, “vương chế” biến thành “đế chế”, “chủ chung” (cộng chủ) biến thành “chủ riêng” (độc chủ), nhưng thay vương bằng hoàng đế thì vẫn là thiên tử. Giờ đây, con đích của trời, cha của thiên hạ cơ khổ lênh đênh, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm. Các lộ chư hầu cát cứ một phương, không ai hỏi han đến nhà vua, rất nhiều người thấy vậy mà chướng tai gai mắt. Giờ đây người nào tôn trọng nhà vua, chắc chắn sẽ được lòng dân.
Đây là tầm nhìn xa thấy rộng của Mao Giới. Tóm lại, “phụng sự nhà vua” là chiến lược chính trị, “phát triển nông nghiệp” là chiến lược kinh tế, “trữ quân lương” là chiến lược quân sự. Có thể coi lời bàn của Mao Giới là “văn kiện có tính cương lĩnh”.
Tào Tháo chấp thuận luôn kiến nghị của Mao Giới. Cách nói của Tam quốc chí là “kính cẩn mà tiếp thu” (kính nạp kỳ ngôn) và thực thi ngay lập tức. Như đã nói ở phần trên, lập “đồn điền”, tức tu canh thực, xúc quân tư. Chỉ còn mỗi việc chưa làm là phụng thiên tử.
“Nhân vật phụ” ra tay
Nhưng công việc phụng thiên tử cũng không dễ. Sau khi tiếp thu kiến nghị của Mao Giới, Tào Tháo cử người đi Trường An liên hệ với triều đình, bị Thái thú Hà Nội Trương Dương không cho quá cảnh. Khi ấy có một người tên là Đổng Chiêu ra tay giúp.
Đổng Chiêu là người mà tiên sinh Trần Nhĩ Đông trong “chuyện phiếm” (nhàn thoại tam phân) có bình luận về vai trò của ông ta: “Chưa đủ tư cách là nhân vật phụ” trong Tam Quốc. Nhưng thực tế Đổng Chiêu rất nặng ký mỗi khi xuất hiện trong trường hợp gay cấn.
Thí dụ, việc Tào Tháo rước thiên tử về Hứa huyện, Trần Nhĩ Đông cho là mưu của Đổng Chiêu lợi dụng “chiêu bài thiên tử”; Về sau, Tháo được phong “Ngụy công”, “Ngụy vương”. Tam quốc chí cũng nói đó là “tác phẩm của Đổng Chiêu”. Thực ra không phải tất cả là công của Đổng Chiêu, trước hết là do đề nghị của Mao Giới. Có điều, việc phụng thiên tử thành công, Đổng Chiêu đóng góp phần không nhỏ.
Đổng Chiêu vốn là người của Viên Thiệu. Thiệu nghe lời dèm pha, không tin ông ta. Ông ta bỏ đi Lạc Dương, nửa đường được Trương Dương thu nạp. Thấy sứ giả của Tào Tháo bị Trương Dương ngăn trở, Đổng Chiêu bảo Trương Dương: “Tướng quân đừng nghĩ rằng Tào Tháo và Viên Thiệu là một, tôi thấy hai người ấy sớm muộn cũng có ngày đối đầu, mà phần thắng chắc chắn là Tào Tháo, bởi vì Tháo là anh hùng thời nay. Nay Tào Tháo nắm quyền Cổn Châu Mục, sứ giả của Tháo đi gặp thiên tử qua lãnh địa của tướng quân (thực ra bị Trương Dương ngăn trở). Đây là cái duyên giữa tướng quân với Tào Tháo. Lưu lại một chút nhân tình, rồi sau tướng quân với Tháo sẽ thành bầu bạn”.
Thế là Trương Dương tâu lên triều đình, tiến cử Tào Tháo. Đổng Chiêu còn bỏ tiền túi mua quà tặng Lý Giác và Quách Tư. Từ đó, Tào Tháo được lui tới chốn triều đình. Chuyện này xảy ra vào năm Sơ Bình thứ ba, đời Hán Hiến đế.