Ai Cập kêu gọi người dân đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống
Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, ngày 7/12, Cơ quan Bầu cử quốc gia Ai Cập (NEA) đã kêu gọi người dân nước này thực hiện quyền công dân trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 dự kiến diễn ra từ ngày 10-12/12.
Giám đốc điều hành NEA, ông Ahmed Bendari cho biết các cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra từ ngày 10/12 tại 9.376 điểm bỏ phiếu trên toàn quốc, bao gồm cả 11.631 hòm phiếu phụ. 15.000 thẩm phán sẽ tham gia giám sát các điểm bỏ phiếu trên toàn quốc. Các hòm phiếu phụ cũng đã được chuẩn bị cho các cử tri là những người cao tuổi và người khuyết tật nhằm đảm bảo đáp ứng mọi yêu cầu về kỹ thuật và hậu cần để cuộc bầu cử diễn ra suôn sẻ.
NEA đã cấp phép cho 14 tổ chức quốc tế và 63 tổ chức trong nước tham gia giám sát cuộc bầu cử. Ngoài ra, cơ quan này cũng đã chấp thuận yêu cầu giám sát của 24 đại sứ quán, 67 nhà ngoại giao, 68 nhóm trong nước và 22.340 giám sát viên địa phương. 115 hãng thông tấn, cơ quan báo chí và đơn vị truyền thông đã được cấp phép đưa tin về cuộc bầu cử trên.
Ai Cập sẽ bước vào "Ngày Im lặng" trước cuộc bầu cử tổng thống bắt đầu từ 12 giờ trưa 8/12. Trong khoảng thời gian này, các chiến dịch vận động tranh cử của các ứng cử viên chính thức kết thúc để cho phép các cử tri có cơ hội tự do lựa chọn những người họ muốn đề cử mà không bị ảnh hưởng.
Cuộc bầu cử tổng thống Ai Cập năm 2024 chứng kiến cuộc đua giữa 4 ứng cử viên, bao gồm Tổng thống đương nhiệm Abdel Fattah El Sisi, Chủ tịch đảng Dân chủ xã hội Ai Cập Farid Zahran, Chủ tịch đảng Al Wafd Abdel-Sanad Yamama và Chủ tịch đảng Nhân dân Cộng hòa Hazem Omar. Bốn ứng cử viên đều đã đưa ra tầm nhìn của mình nhằm cải thiện cuộc sống của người dân trong nhiệm kỳ tổng thống 6 năm tới.
Trong tuyên bố ngày 7/12, Chủ tịch Cơ quan Quản lý thông tin Nhà nước Ai Cập (SIS), ông Diaa Rashwan khẳng định nước này đang chứng kiến giai đoạn quan trọng và then chốt trong lịch sử chính trị với cuộc bầu cử tổng thống năm 2024. Ông Rashwan nhấn mạnh cuộc bầu cử nêu trên là bước tiến quan trọng trong tiến trình hướng tới chuyển đổi dân chủ và cạnh tranh chính trị.