Ai Cập kỳ vọng thủ đô mới

Trên một vùng sa mạc rộng lớn cách Thủ đô Cairo của Ai Cập 30 dặm về phía Đông, một thành phố mới đang hình thành.

Thủ đô hành chính mới của Ai Cập đang được xây dựng. Nguồn: CNN.

Thủ đô hành chính mới của Ai Cập đang được xây dựng. Nguồn: CNN.

Trung tâm lục địa

Tự hào với tòa tháp cao nhất châu Phi và nhà thờ lớn nhất ở Trung Đông, thành phố mới này là một trong hàng loạt siêu dự án của Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi nhằm phát triển nền kinh tế đất nước.

“Thủ đô hành chính mới” của Ai Cập bắt đầu được xây dựng vào năm 2016 và đang được hoàn thành theo từng giai đoạn. Sau khi hoàn thành, nó có thể chứa tới 6,5 triệu cư dân. Theo ông Khaled Abbas - Chủ tịch Cơ quan quản lý phát triển đô thị Thủ đô (ACUD) - công ty giám sát dự án, giai đoạn 1 gần như đã hoàn thành và giai đoạn 2 dự kiến sẽ bắt đầu vào quý IV năm nay.

Chậm rãi nhưng chắc chắn, cuộc sống đang bắt đầu tràn vào thành phố. Theo ông Abbas, hơn 1.500 gia đình đã chuyển đến ở, và đến cuối năm 2024, kỳ vọng con số này sẽ tăng lên 10.000 hộ.

Ông Abbas cho biết, việc các bộ của chính phủ chuyển đến thành phố mới đã kéo theo khoảng 48.000 nhân viên chính phủ làm việc ở đó, nhiều người trong số họ đi làm từ phía Đông Cairo bằng tuyến tàu điện bắt đầu hoạt động vào năm ngoái. Tới đây, khi quốc hội bắt đầu chỉ đạo các cuộc họp từ thành phố mới, một số ngân hàng và doanh nghiệp cũng chuyển trụ sở chính đến đó, dự kiến sẽ có nhiều người chuyển đến hơn nữa. “Toàn bộ đất nước sẽ được quản lý từ bên trong thủ đô mới” - ông Abbas nói.

Giai đoạn 1 của dự án tiêu tốn khoảng 500 tỷ bảng Ai Cập (10,6 tỷ USD). Dự án trước đây được ước tính có tổng chi phí khoảng 58 tỷ USD, chính phủ cho biết, nó sẽ được tài trợ bởi ACUD và số tiền thu được từ việc bán đất.

Tuy nhiên, một số người lo ngại về chi phí này khi đất nước trải qua thời kỳ suy thoái kinh tế và đối phó với áp lực gia tăng từ cuộc chiến ở Gaza. Nền kinh tế Ai Cập đang được thúc đẩy nhờ nguồn tài trợ quốc tế, trong đó có Ngân hàng Thế giới (WB), ngân hàng đã công bố họ sẽ cung cấp cho Ai Cập hơn 6 tỷ USD trong vòng 3 năm. Đầu tháng này, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, họ sẽ tăng chương trình cho vay hiện tại dành cho Ai Cập từ 3 tỷ USD 8 tỷ USD, tùy thuộc vào cải cách kinh tế, bao gồm khuôn khổ mới để giảm tốc độ chi tiêu cơ sở hạ tầng, nhằm giúp giảm lạm phát và duy trì tính bền vững của nợ.

Thủ đô hành chính mới tập trung xung quanh một khu tài chính, nơi một số ngân hàng và doanh nghiệp quốc tế sẽ đặt trụ sở toàn cầu. Ông Abbas tin rằng, cơ sở hạ tầng hiện đại của thành phố sẽ thu hút các doanh nghiệp. Hệ thống trí tuệ nhân tạo sẽ tối ưu hóa việc sử dụng điện, gas và nước cũng như quản lý chất thải. Cơ sở hạ tầng cáp quang và việc triển khai 5G sẽ giúp kết nối, đồng thời sẽ có các dịch vụ an ninh công nghệ cao, với hàng nghìn camera giám sát được lắp đặt trên toàn thành phố để theo dõi giao thông, cảnh báo tắc nghẽn và tai nạn.

“Tất cả các công ty quốc tế lớn đều đang tìm kiếm các thành phố thông minh và bền vững. Chúng tôi đang cố gắng tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả các loại dịch vụ để giúp việc kinh doanh ở đây trở nên dễ dàng” - ông Abbas nói và hy vọng rằng, thiết kế thành phố thông minh của Ai Cập sẽ trở thành hình mẫu cho các quốc gia khác ở châu Phi, góp phần vào sự phát triển kinh tế của khu vực rộng lớn hơn.

Giảm áp lực cho Cairo

Ông Nicholas Simcik Arese - Chủ tịch Hiệp hội Kiến trúc ở London cho rằng, có thể thành phố mới sẽ thu hút doanh nghiệp, đặc biệt là quan hệ đối tác song phương cấp cao và vốn nước ngoài, từ đó thúc đẩy nền kinh tế. Tuy nhiên, câu hỏi cuối cùng khi nói đến lợi ích kinh tế đối với các quốc gia là lợi ích đó sẽ dành cho ai?

Tuy nhiên, lập luận được trích dẫn nhiều nhất đằng sau quyết định xây dựng thủ đô mới của Chính phủ Ai Cập là đáp ứng nhu cầu dân số ngày càng tăng của đất nước, giảm bớt tắc nghẽn và ô nhiễm ở Cairo - nơi có mật độ dân số cao nhất thế giới. Hiện có 22 triệu người sống ở Cairo, tương đương mật độ lên tới 50.000 người trên mỗi dặm vuông.

Theo ông Abbas, thành phố mới hứa hẹn nhiều không gian xanh hơn. Việc tạo cảnh quan đã bắt đầu tại một công viên, được mệnh danh là “dòng sông xanh”, sẽ bao phủ một khu vực có diện tích gấp đôi Công viên Trung tâm của TP New York, mặc dù đã có những câu hỏi về cách thức tưới tiêu cho công viên này khi xét đến cảnh quan khô cằn và nguồn cung cấp nước khan hiếm của đất nước.

Ông Simcik Arese thừa nhận Cairo quá đông đúc, nhưng liệu giải pháp có phải là xây dựng một thành phố mới hay không? “Vấn đề của một Cairo đông đúc không chỉ liên quan đến sự gia tăng dân số không thể kiểm soát mà còn là khả năng người dân tiếp cận sinh kế đàng hoàng ở nơi họ sinh ra. Có rất nhiều nguồn cung nhà ở hiện có ở Cairo hoàn toàn có thể sử dụng được và nếu chính phủ chi dù chỉ một phần nhỏ trong khoản đầu tư đó để giúp các thành phố hiện tại thực sự hoạt động, tôi nghĩ vấn đề về tình trạng quá tải sẽ biến mất rất nhanh” - ông Simcik Arese nói.

Ông Abbas cho rằng, cơ sở hạ tầng cũ của Cairo đã đến mức phải nâng cấp và mặc dù không đưa ra con số trực tiếp về số lượng nhà ở giá phải chăng sẽ có sẵn nhưng ông nhấn mạnh, thành phố mới sẽ phục vụ cho mọi thành phần trong xã hội quan điểm.

Hà Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/ai-cap-ky-vong-thu-do-moi-10276821.html