Ai Cập phát hiện nhà tang lễ cổ đại thuộc thời kỳ Ptolemaic và La Mã

Quan chức Cục Cổ vật Ai Cập cho biết nền của nhà tang lễ trên thuộc thời kỳ Ptolemaic và thời La Mã được xây dựng bằng vôi vữa màu và được trang trí bằng gạch lát có nhiều màu sắc.

Nhà tang lễ có niên đại thuộc thời kỳ Ptolemaic và thời La Mã. (Nguồn: Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập)

Nhà tang lễ có niên đại thuộc thời kỳ Ptolemaic và thời La Mã. (Nguồn: Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập)

Phái đoàn khảo cổ Ai Cập ngày 1/12 cho biết đã phát hiện một tòa nhà/cấu trúc tang lễ lớn có niên đại thuộc thời kỳ Ptolemaic và thời La Mã, tại địa điểm khảo cổ Garza ở thành phố Fayoum của nước này.

Đây là mùa khai quật thứ 10 của phái đoàn khảo cổ Ai Cập tại Garza kể từ năm 2016.

Làng Garza, trước đây được biết đến với tên gọi là làng Philadelphia, được thành lập vào thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên trong dự án khai hoang nông nghiệp do Vua Ptolemy II thực hiện ở vùng Fayoum.

Việc thành lập ngôi làng này nhằm đảm bảo nguồn lương thực cho vương quốc Ai Cập và cho cả người dân Hy Lạp cũng như Ai Cập cổ đại.

Người đứng đầu Cục Cổ vật Ai Cập thuộc khu vực miền Trung nước này Adel Okasha cho biết nền của nhà tang lễ trên được xây dựng bằng vôi vữa màu và được trang trí bằng gạch lát có nhiều màu sắc.

Bên cạnh đó, các nhà khảo cổ cũng phát hiện 4 cột trụ ở khu vực lân cận cấu trúc tang lễ này.

Cũng theo ông Okasha, ngoài nhà tang lễ nói trên, phái đoàn khảo cổ Ai Cập đã phát hiện một số bức chân dung, thường được gọi là chân dung Fayoum.

Ông Okasha khẳng định rằng đây là những bức chân dung đầu tiên được khám phá kể từ khi nhà khảo cổ học người Anh Flinders Petrie khai quật được một số hiện vật tương tự vào năm 1907, do đó đây là một trong những khám phá khảo cổ học quý giá nhất trong mùa khai quật năm nay.

Trong khi đó, theo người đứng đầu phái đoàn khảo cổ Ai Cập Basem Jihad, trong quá trình khai quật tại Garza, phái đoàn này đã phát hiện một số quan tài theo phong cách Ai Cập và Hy Lạp cổ đại.

Ông Jihad cho biết thêm những phát hiện mới và nhiều khám phá trước đây tại địa điểm khảo cổ này cho thấy sự kết hợp giữa kiến trúc và đồ tạo tác của cả hai nền văn minh Ai Cập và Hy Lạp cổ đại.

Theo TTXVN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/ai-cap-phat-hien-nha-tang-le-co-dai-thuoc-thoi-ky-ptolemaic-va-la-ma-a349908.html