Ai Cập: Phát hiện nhiều bức vẽ về hoạt động mai táng thời cổ đại
Tại cụm mộ gia đình mới được phát hiện ở Ai Cập, các chuyên gia khảo cổ cho biết tìm thấy nhiều bức vẽ mô tả hoạt động tang lễ cùng một số lượng lớn bùa hộ mệnh và hàng trăm con dấu liên quan tang lễ.
Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập ngày 25/1 cho biết các chuyên gia khảo cổ đã phát hiện cụm mộ gia đình ở bờ Tây thành phố Luxor, miền Nam nước này. Kết quả giám định sơ bộ cho thấy những ngôi mộ nêu trên được xây dựng trong Thời kỳ Chuyển tiếp thứ hai của Ai Cập (1677-1550 trước Công nguyên).
Thông báo của Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập nêu rõ: "Những ngôi mộ này được xây dựng trên một khu vực rộng 50m x 70m, bao gồm 30 huyệt chôn cất".
Tại một trong số những huyệt mộ nêu trên, các chuyên gia đã tìm thấy một chiếc quan tài bằng đá hoa cương màu hồng nặng 10 tấn dành cho quan đại thần của Pharaoh (vua) Sobekhotep II, thuộc vương triều thứ 13 của Thời kỳ Chuyển tiếp thứ hai.
Ở di chỉ khảo cổ này, các chuyên gia tìm thấy nhiều bức vẽ mô tả hoạt động tang lễ, trong đó có hình ảnh một quan chức đang dâng vật hiến tế cho Vua Sobekhotep II.
Ngoài ra, một tòa nhà xây bằng gạch bùn, được sử dụng trong các lễ hiến tế cũng được phát lộ. Trong tòa nhà này cũng có nhiều bức tượng mang các biểu tượng chữ tượng hình, một số lượng lớn bùa hộ mệnh và hàng trăm con dấu liên quan tang lễ.